Mến chào các bạn.
Mật Phước Tự xin giới thiệu đến quý đạo hữu bài giảng của Thầy Quảng Nghệ về Phẩm vào “Pháp-Môn Không Hai” trong kinh Duy Ma Cật.
Sau đây là bản sách nói từ bản chép tay của Thầy Quảng Nghệ, kính mời quý đạo hữu cùng lắng nghe.
Bấy giờ ông Duy-Ma-Cật bảo các vị Bồ tát rằng:
– Các nhân-giả! Thế nào là Bồ tát vào pháp môn không hai? Cứ theo chỗ thích của mình mà nói.
Trong pháp hội có Bồ tát tên là Pháp-Tự-Tại nói:
– Các nhân giả! “Sanh”, “diệt” là hai. Pháp vốn không sanh, cũng không diệt, đặng vô sanh pháp-nhẫn, đó là vào “Pháp môn không hai”.
Bồ-tát Đức-Thủ nói:
– “Ngã”, “Ngã-Sở”, là hai. Nhân có Ngã mới có Ngã-Sở, nếu không có Ngã thời không có Ngã-Sở. Đó là vào pháp-môn không hai.
Bồ tát Bất-Thuấn nói:
– “Thọ”, “không thọ” là hai. Nếu các pháp không thọ thời không có “được”, vì không có “được” nên không thủ xã, không gây không làm, đó là vào pháp-môn không hai.
Bồ tát Đức-Đảnh nói:
– “Nhơ”, “Sạch” là hai. Thấy được tánh chơn-thật của nhơ, thời không có tướng sạch, thuận theo tướng diệt, đó là vào pháp-môn không hai.
Bồ-tát Thiện-Túc nói:
- “Động”, “niệm” là hai. Không động thời không niệm, không niệm thời không phân-biệt; thông-suốt lý ấy là vào Pháp-môn không hai.
Bồ tát Thiện-nhãn nói:
– “Một tướng”, “không tướng” là hai. Nếu biết một tướng tức là không tướng, cũng không chấp không tướng mà vào bình-đẳng, đó là pháp-môn không hai.
Bồ-tát Diệu-Tý nói:
– Tâm Bồ-tát, tâm Thinh-Văn là hai. Quán tướng của tâm vốn không, như huyễn như hóa, thời không có tâm Bồ-tát, không có tâm Thinh-Văn, đó là vào pháp-môn không hai.
Bồ-tát Phất-Sa nói:
– “Thiện”, “bất thiện” là hai. Nếu không khởi thiện và bất thiện, vào gốc không tướng mà thông suốt được, đó là vào pháp-môn không hai.
Bồ-tát Sư-Tử nói:
– “Tội”, “phước” là hai. Nếu thông đạt được tánh của tội, thì tội cùng phước không khác, dùng tuệ Kim-Cang quyết liễu tướng ấy, không buộc không mở, đó là vào pháp-môn không hai.
Bồ-tát Sư-Tử-Ý nói:
– “Hữu-lậu”, “Vô-lậu” là hai. Nếu chứng được các-pháp bình-đẳng thời không có tướng hữu-lậu và vô-lậu, không chấp có tướng cũng không chấp vô tướng, đó là vào pháp môn không hai.
Bồ-tát Tịnh-giải nói:
– “Hữu-Vi”, “Vô-vi” là hai. Nếu lìa tất cả số thời tâm như hư không, dùng tuệ Thanh-tịnh không có chướng-ngại, đó là vào pháp-môn không hai.
Bồ-tát Na-La-Diên nói:
– “Thế-gian”, “xuất thế-gian” là hai. Tánh thế-gian không tức là xuất-thế-gian, trong đó không vào không ra, không đầy không vơi, đó là vào pháp-môn không hai.
Bồ-tát Thiện-ý nói:
– “Sanh-tử”, “Niết-bàn” là hai. Nếu thấy được tánh Sanh-tử thời không có sanh-tử, không buộc không mở, không sinh không diệt, hiểu như thế đó là vào pháp-môn không hai.
Bồ-tát Hiện-Kiến nói:
– “Tận”, “Không-Tận” là hai. Pháp đến chỗ rốt ráo thời tận hoặc không tận đều là tướng “Vô-tận”. Tướng “Vô-tận” tức là Không, Không thời Không có tướng tận và không tận, được như thế đó là vào pháp-môn không hai.
Bồ tát Phổ-Thủ nói:
– “Ngã”, “Vô-Ngã” là hai. “Ngã” còn không có, thời “phi-ngã” đâu có được. Thấy được Thật-tánh của ngã không còn có hai tướng, đó là vào pháp-môn không hai.
Bồ-tát Điển-Thiên nói:
– “Minh”, “Vô-Minh” là hai. Thật-tánh Vô-minh tức là minh, minh cũng không thể nhận lấy, lìa tất cả số, ở đó bình-đẳng không hai, đó là vào pháp môn không hai.
Bồ-tát Hỷ-Kiến nói:
– “Sắc”, “Không” là hai. Sắc tức là không, chẳng phải sắc diệt rồi mới không, tánh sắc tự không; thọ, tưởng, hành, thức cũng thế. Thức và Không là hai. Thức tức là không, chẳng phải thức diệt rồi mới không, tánh thức tự không, thông hiểu lý đó là vào pháp-môn không hai.
Bồ-tát Minh-Tường nói:
– “Tứ-đại” khác “Không-đại” khác là hai. Tánh tứ đại là tánh Không đại, như lớp trước lớp sau không, thời lớp giữa cũng không. Nếu biết được thật-tánh các đại, thời đó là vào pháp-môn không hai.
Bồ tát Diệu Ý nói:
– “Con mắt”, “Sắc-trần” là hai. Nếu biết được tánh của mắt thời đối với sắc không tham, không sân, không si, tức là tịch-diệt. Tai với tiếng, mũi với hương, lưỡi với vị, thân với xúc, ý với pháp cũng là hai. Nếu biết được tánh của ý thời đối với pháp không tham, không sân không si tức là tịch diệt. Nhận như thế đó là vào pháp môn không hai.
Bồ-tát Vô-tận-ý nói:
– “Bố-Thí”, “hồi-hướng nhứt-thiết-trí” là hai. Tánh bố-thí tức là tánh hồi-hướng nhứt-thiết-trí. Trì-giới, nhẫn-nhục, tinh-tấn, thiền-định, trí tuệ, hồi hướng nhứt-thiết-trí cũng là hai. Tánh trí-tuệ tức là tánh hồi hướng nhất-thiết-trí, ở trong đó vào “một-tướng” là vào pháp-môn không hai.
Bồ-tát Thâm Tuệ nói:
– “Không”, “Vô-tướng”, “Vô-tác” là hai. Không tức là Vô-tướng, Vô-tướng tức là vô-tác. Nếu không Vô-tướng, Vô-tác thời không tâm, ý thức. Một món giải-thoát là ba món-giải-thoát, đó là vào Pháp môn không hai.
Bồ-tát Tịch-Căn nói:
– “Phật”, “Pháp”, “Chúng” (Tăng) là hai. Phật tức là pháp, pháp tức là chúng. Ba ngôi báu ấy đều là vô-vi, cũng như hư-không. Tất cả pháp cũng vậy, theo được hạnh ấy là vào pháp-môn không hai.
Bồ-tát Tâm-Vô-Ngại nói:
– “Thân”, “thân diệt” là hai. Thân tức là thân diệt. Vì sao? Thấy thật tướng của thân thời không thấy thân và thân diệt. Thân và thân diệt không hai, không khác, theo đó chẳng kinh chẳng sợ là vào pháp-môn không hai.
Bồ-tát Thượng-Thiện nói:
– “Thân-thiện”, “khẩu-thiện”, “ý-thiện” là hai. Ba nghiệp này là tướng “vô-tác”. Tướng Vô-tác của thân tức là tướng vô-tác của khẩu, tướng vô-tác của khẩu tức là tướng vô-tác của ý. Tướng vô-tác của ba nghiệp này tức là tướng vô-tác của tất cả pháp. Tùy thuận trí tuệ vô tác như thế là vào pháp-môn không hai.
Bồ-tát Phước-Điền nói:
– Làm phước, làm tội, làm bất-động là hai. Thật tánh của ba việc làm tức là “Không”. “Không” thời không làm phước, không làm tội, không làm bất-động, ở ba việc làm này mà Không khởi là vào pháp-môn không hai.
Bồ-tát Hoa-nghiêm nói:
– Do “Ngã” mà Khởi ra hai là hai. Thấy được thật-tướng của “Ngã”, thời không khởi ra hai pháp. Nếu không trụ hai pháp thời không có thức. Không có thức là vào pháp-môn không hai.
Bồ-tát Đức-Tạng nói:
– Có tướng “sở-đắc” là hai. Nếu không có sở-đắc thời không có lấy bỏ. Không lấy bỏ là vào pháp-môn không hai.
Bồ-tát Nguyệt-Thượng nói:
– “Tối”, “Sáng” là hai. Không tối, không sáng thời không có hai. Vì sao? Như vào định diệt-thọ-tưởng thời không có tối, không có sáng. Tất cả pháp tướng cũng như thế; bình-đẳng vào chỗ ấy là vào pháp môn không hai.
Bồ-tát Bảo-Ấn-Thủ nói:
– Ưa Niết-bàn không ưa thế gian là hai. Nếu không ưa Niết-bàn, không chán thế-gian thời không có hai. Vì sao? Nếu có buộc thời có mở, nếu không buộc thì nào có cầu mở. Không buộc, không mở, thời không ưa không chán, đó là vào pháp môn không hai.
Bồ-tát Châu-Đảnh-Vương nói:
– “Chánh-đạo”, “tà-đạo” là hai. Ở chánh-đạo thời không phân-biệt thế nào là Tà, thế nào là Chánh. Lìa hai món phân-biệt đó là vào pháp-môn không hai.
Bồ-tát Nhạo-Thật nói:
– “Thực”, “Không thực” là hai. Thực thấy còn không thấy thực, huống là không thực thấy. Vì sao? Không phải mắt thịt mà thấy được, chỉ có mắt tuệ mới thấy được. Nhưng mắt tuệ không có thấy mà chỗ nào cũng thấy cả, đó là vào pháp-môn không hai.
Các Bồ tát nói như thế rồi, hỏi ngài Văn-Thù Sư-Lợi rằng:
– Thế nào là Bồ-tát vào pháp-môn không hai?
Ngài Văn-Thù Sư-Lợi nói:
– Như ý tôi đối với tất cả pháp không nói không rằng, không chỉ, không biết, xa lìa các vấn đáp, đó là vào pháp môn không hai.
Khi đó ngài Văn-Thù Sư-Lợi hỏi ông Duy-Ma-Cật rằng:
– Chúng tôi ai ai cũng nói rồi, đến lượt Nhân-giả nói thế nào là Bồ-tát vào pháp-môn không hai?
Ông Duy-Ma-Cật im lặng không nói. Ngài Văn-Thù Sư-Lợi khen rằng: “Hay thay! Hay thay! Cho đến không có văn-tự ngữ-ngôn, đó mới thật là vào pháp môn không hai.
Chú thích phẩm pháp môn không hai
1) Pháp môn không hai:
“Không hai” là lý-thể chơn-thật duy-nhất, ly tướng vắng-lặng như-như bình-đẳng, không có kia, đây, sai khác.
Pháp-môn: là pháp-tắc khuôn-mẫu của Phật-đạo. Các bực Hiền-Thánh đều nương theo đó mà nhập-đạo. Bồ-tát ngộ vào lý nhứt-thật bình-đẳng, gọi là vào “pháp – môn không-hai”.
2) Thọ, không thọ:
Thọ là có xúc đối lãnh thọ chấp tướng thuộc hữu-lậu, không thọ là không lãnh thọ chấp tướng thuộc vô-lậu.
3) Một tướng, không tướng:
Một tướng là đối với 2, 3 mà nói. Hai, ba, là những cái sai khác. Một là nghĩa không sai khác. Thật-tướng của vũ-trụ là một chứ không hai; sở dĩ nói “một” cũng chỉ là mượn mà nói, chứ thật “một” ấy cũng là tuyệt-đối, là không, nên cũng tức là không tướng, nhưng nếu nghe nói “một” nói “không” mà không biết là lời nói phá chấp hai, chấp có trở lại chấp có một tướng cũng thành ra hai vậy.
4) Tứ-đại khác:
Tức là bốn đại: Địa, Thủy, Hỏa, Phong khác với hư không. Vì 4 đại có chất ngại, hư-không, không chất ngại nên khác nhau.
5) Làm phước: làm những công-hạnh phước-thiện trong cõi dục.
6) Làm tội: làm 10 nghiệp chẳng lành. Thân có ba nghiệp chẳng lành: sát-sanh, trộm cắp, tà dâm; Miệng có 4: nói dối, nói thêu dệt, nói lời chia rẽ, nói lời thô ác; Ý có 3: Tham-lam bỏn-sẻn, hờn-giận ganh-ghét, Si-mê tà-kiến.
7) Làm bất động: Tu những hạnh-nghiệp thiền-định theo cõi trời sắc và vô-sắc-giới.
Bài giảng đến đây là hết.
Bài Viết Liên Quan
LONG BÌNH ĐIỀN (Phần 3/4)
Sau trường hợp của anh Lâm, chúng tôi được Bác sĩ Quốc Hùng giới thiệu về trường hợp của Cô...
Bài 47 Giới Thiệu Sư Đệ Quý Tín
Lão có một người sư đệ. Nay ngoài sáu chục đề huề tấm thân Thầy cho sư đệ xuống trần...
Giới Thiệu Thầy Quảng Nghệ
Thầy Quảng Nghệ tên thật là Chung Minh Đức, người gốc Trà Vinh, hiện đang sống tại Washington, Hoa Kỳ....
Bài 95: Chữ Tình – Bài Học Chốn Ta Bà
Tình đời bạc bẽo như vôiMà sao nhân thế nổi trôi ngập chìmCố công gắng sức đi tìmNiềm vui tình...
Xăm Quan Thánh 82
Xăm Quan Thánh 82: Thượng Cát 第八十二号簽 上吉彼此俦中一輩賢勸君特逹與周旋此時賓主歡相會他日王候却並肩碧仙注凡事成全必有因交情初淡後相親貴人提携無難力君子相逢便認真 Âm: Bỉ diệc trù trung nhất bối hiền,Khuyến quân đặc đạt dữ...
Xăm Quan Thánh 72
Xăm Quan Thánh 72: Trung Bình 第七十二号簽 中平河渠旁路有高底可嘆長途日己西縱有榮華好時節直須猴犬換金雞碧仙注多少登塲没下塲平川靜䖏被風霜眼前光景渾如夢只恐榮華不久長 Âm: Hà khư bàng lộ hữu cao đê,Khả thán trường đồ nhật...
Bài 2: Học Phật Quyền có lợi ích thực tế gì?
Pháp này giúp thoát muộn phiền Không dùng thi thố kiếm tiền kiếm danh Pháp này đường tắt đi nhanh...
CHƯƠNG VI: CHÚ ẤN PHÙ và các VÒNG PHÉP
Cũng như MANDALA của Mật Tông Trung Hoa – Tây Tạng – Nhật Bản và Cao Miên I. LỤC...