Đây nói về lúc sau khi lạy thầy và từ giã bạn xuống núi, Khương Tử Nha vì không còn cha mẹ, con cháu hay họ hàng nên tìm đến trú ngụ tại nhà của một người bạn xưa ở Triều Ca tên là Tống Dị Nhân, một viên ngoại giàu có. Dị Nhân rất mực lo lắng cho Tử Nha mọi mặt. Ngày kia ông tự động đến nhà họ Mã để lo việc mai mối cho Khương Thượng. Thế nên trong vòng có mấy ngày, lễ cầu hôn và lễ cưới đã được chính viên ngoại chăm sóc và tổ chức chu đáo. Khương Tử Nha thấy bạn có lòng bảo bọc thì cũng vui lòng nghe theo tất cả. Thật là việc trai già đi cưới nàng tóc bạc cuối cùng cũng đã được lo xong.
Ngày kia Mã Thị rủ rỉ:
– Lang quân đối với Tống huynh chỉ là tình bằng hữu, sao không lo tính chuyện làm ăn, cứ ăn nhờ ở đụt với Tống huynh mãi coi sao được?
Tử Nha nói:
– Hiền thê nói cũng phải. Song tôi từ nhỏ đến lớn lo việc tu hành, không biết nghề nào cả, nay phải tính sao đây?
Tử Nha suy nghĩ một lúc rồi nói:
– Lúc nhỏ tôi biết đan gàu giai.
Mã Thị nói:
– Đó cũng là một nghề sinh sống có thể kiếm ra tiền.
Tử Nha nghe lời Mã Thị đan gàu và gánh xuống chợ Triều Ca, ngồi từ sáng tới chiều vẫn không thấy ai hỏi đến. Khương Thượng quảy gánh trở về, bụng đói như cào, tay chân rũ rượi, không có một đồng xu trong túi. Đến nhà gặp mặt, hai vợ chồng tiếng qua tiếng lại, la ó vang nhà. Dị Nhân nghe được vội hỏi cớ sự và lắc đầu nói:
– Thôi, hiền đệ không cần tính chuyện buôn bán nữa, vợ chồng hiền đệ ở không suốt đời nhà tôi cũng thừa nuôi tất cả. Hãy dẹp bỏ bất bình, vợ chồng hòa thuận mới vui.
Mã Thị không chịu, nói:
– Chúng tôi phải lập nghiệp không thể sống nhờ vả mãi cho đến trọn đời.
Dị Nhân đành chiều ý Mã Thị để cho Khương Thượng xoay qua bán bột, bán quán rượu, bán heo, dê nhưng nghề nào cũng chẳng xong, cũng làm cho Mã Thị thêm phần khinh thị và tru tréo.
Dị Nhân thấy Tử Nha thường có vẻ hổ thẹn nên từng an ủi:
– Hoa nở có mùa, người nên có vận. Lúc chưa gặp vận thì dù có tài giỏi đến đâu cũng chẳng làm gì nên. Hiền đệ hiện giờ tuy nghèo khó, nhưng lúc gặp thời cũng vinh hoa phú quí như ai. Hiền đệ đừng nản lòng, tôi có nhiều phương tiện giúp đỡ hiền đệ được.
Ngày kia Tử Nha cùng Dị Nhân dạo vườn hoa quanh nhà ngoạn cảnh, Tử Nha thấy còn một khoảng đất trống rất tốt liền nói:
– Theo địa lý thì nơi đây có khí tử rất nhiều. Nếu cất năm căn nhà lớn thì gia đình sẽ có ba mươi sáu người làm quan. Tôi có biết về địa lý nên tỏ bày với anh để đền ơn.
Dị Nhân nói:
– Tôi e hơi có lửa ma vì chỗ này tôi dựng nhà nhiều lần đều bị cháy cả.
Tử Nha nói:
– Để tôi chọn ngày tốt cho anh xây cất. Anh cứ lo tiệc để đãi đằng thợ thầy, còn phần lửa ma để tôi ếm cho. Nhất định nó không làm gì nổi.
Mấy hôm sau, Dị Nhân cho thợ dựng nhà và công việc tiến hành không mấy chốc. Tử Nha ở trong nhà mắt theo dõi sự tình. Nửa đêm bỗng nghe gió thổi ào ào, cát bụi bay mù mịt, trong cơn gió có hiện ra năm con yêu mặt xanh, mặt trắng, mặt đỏ, mặt vàng, mặt đen. Tử Nha vội bỏ tóc xõa, cầm gươm chỉ mặt hét lớn:
– Năm con yêu không xuống còn đợi chừng nào?
Nói vừa dứt, Tử Nha bắt ấn, tức thì một tiếng sấm vang lên năm con yêu sa xuống một lúc, quì trước mặt Tử Nha năn nỉ:
– Chúng tôi không ngờ tiên ông đến đây, xin lấy lượng khoan hồng tha cho chúng tôi khỏi chết, chúng tôi nguyện từ nay về sau chẳng dám làm càn.
Tử Nha nói:
– Thôi ta cũng tha chúng bây một lần làm phước. Chúng bây không được ở đây nữa, phải đến núi Kỳ Sơn tạm trú, chờ lúc chiến chinh ra cho ta sai khiến, ta sẽ phong Thần.
Năm con yêu cúi lạy rồi hóa gió bay mất.
Mã Thị rình xem Tử Nha trừ yêu, ếm quỷ, nhưng không thấy yêu quỷ đâu cả bèn cười rồi nhiết:
– Khéo kiếm chuyện lừa phỉnh, làm những chuyện tầm thường còn chưa nên lại muốn làm thầy thiên hạ!
Lời bàn:
Các vị tiên tri thường không được kính trọng ở trong gia đình và quê hương của mình.
Chúa Jesus, sau khi chịu cám dỗ trong sa mạc, được ơn thánh linh đưa đi giảng đạo, bắt đầu bài thuyết giảng đầu tiên của mình ở tại nơi sinh sống đã bị ném đá và đuổi ra khỏi quê hương và đã từng bị chịu biếm nhẻ: “Người ấy há không phải là con của người thợ mộc tên Joseph và người đàn bà tầm thường Marie đó hay sao?”
Thái tử Sĩ Đạt Ta bỏ ngôi vua và vợ con để hiến mình cho sự giác ngộ ắt không khỏi bị hoàng gia cho là kẻ bất hiếu với cha mẹ và bất nghĩa đối với vợ con. Không riêng gì ở quê hương và gia đình, các vị giáo chủ đó còn phải đương đầu với nhiều cảnh ngộ éo le khác do búa rìu của dư luận và sự tàn ác của con người, vì sự hiểu biết thường tình và nông cạn của họ.
Đấng Christ bị kết án là giao thiệp với phường kỹ nữ và bọn thâu thuế, bị gán cho là dùng bùa phép của chúa quỷ để trừ quỷ, bị cợt nhã là có thể cứu người khác mà không thể cứu lấy mình và bị đóng đinh trên thập tự giá.
Đức Phật Thích Ca đã từng bị cật vấn, khiêu khích và vu oan của các trường phái ngoại đạo và từng chịu nhiều người âm mưu hãm hại vì lòng đố kỵ của họ.
Khương Tử Nha chịu thiên mệnh về trần để thực hiện thiên cơ, cũng đã chịu chung định luật đó, bị Mã Thị khinh khi là làm những chuyện tầm thường còn chưa được lại còn muốn trừ ma ếm quỷ để ra mặt làm thầy thiên hạ. Đó cũng là thói thường của thế thái nhân tình đối xử với những người có tài mà chưa gặp vận.
Việc Thiên cơ đã được Nguyên Thỉ Thiên Tôn tiết lộ cho Khương Tử Nha khi truyền dạy ông xuống núi, nhưng thời gian chờ đợi không phải chỉ ngắn ngủi như nghe mấy câu kệ:
Mười năm chịu túng áo còn bâu,
Gượng gạo mua vui chớ chác sầu.
Ngồi đá Bàn Khê câu đợi vận,
Chờ xe vương giả rước về lầu.
Thiên cơ tại sao lại bày chi nhiều cảnh trớ trêu cho những người chịu mệnh? Nhưng hầu như đó là một định luật và hậu ý của Trời trước khi trao mệnh lớn cho bất cứ người nào. Khương Tử Nha phải chịu cảnh năm chìm bảy nổi để lịch duyệt chuyện đời và am hiểu thế thái nhân tình cũng như để được trui rèn ý chí và khả năng ứng phó với nghịch cảnh. Có như thế ông mới đủ tài năng và đức độ để thế thiên hành đạo khi thời cơ đến. Như vậy Nguyên Thỉ há không phải là không có dụng ý khi đuổi ông xuống núi trước mười năm đó hay sao?
Việc trừ ma ếm quỉ đều được ghi lại ở những trang kinh xưa. Mật Tông Phật giáo chỉ dạy nhiều cách trừ tà. Thánh Kinh Thiên Chúa giáo có nêu nhiều trường hợp trừ quỉ ám của Chúa Jesus và các tông đồ.
Ngày nay các giáo sĩ và những kẻ tu hành ít có người làm được việc trừ quỉ vì không chịu khiêm nhường và nhẫn nại để học hỏi luật siêu hình và cách trừ tà và thường móng tâm cao ngạo cho rằng đó là những việc thấp thỏi không cần để ý đến, tới lúc va chạm bệnh tà ma phải chịu nhiều điều nhục nhã và tổn thương tự ái và uy tín của cá nhân và giáo hội mà mình đại diện (phim Exorcist), rồi vội cho rằng Sa-tăng quyền phép còn cao hơn Thượng Đế và các Thánh Thần và truyền dạy cho tín đồ một giáo thuyết vô tình đề cao uy tín tối thượng của Sa-tăng, vượt trội hơn quyền năng của Thượng Đế và các Thánh Thần trong việc bảo vệ tín đồ chống lại loài ma quỉ.
Truyện Phong Thần mô tả hết sức xác đáng phong độ của thần tiên trong việc nhiếp phục loài ma quỉ và làm nổi bật qui tắc giáo hóa yêu tinh cải tà qui chánh, đoái công chuộc tội, để đóng góp công sức vào việc thi hành Thiên ý. Việc đó đúng với chánh lý và định luật siêu hình mà những người học khoa học Mật Giáo đã thực nghiệm.