Sau khi vua Trụ lên ngôi được bảy năm thì có một số chư hầu nhỏ phía Bắc nổi loạn. Thái sư Văn Trọng phải đi đánh dẹp. Vua Trụ không có người can gián nên thường gần gũi hai tên xu nịnh là Vưu Hồn và Bí Trọng.
Ngày kia Thừa tướng Thương Dung tâu:
– Mai là ngày rằm, vía bà Nữ Oa, xin Bệ hạ đi dâng hương cầu phước.
Vua Trụ hỏi:
– Bà Nữ Oa là người thế nào đến nỗi Trẫm phải bỏ ngai vàng đi dâng hương?
Thương Dung tâu:
– Bà Nữ Oa, em gái vua Phục Hy, hiện là một vị thần linh hiển lắm bởi trước kia bà có công rèn năm sắc đá vá trời giúp đời nên các triều vua đều lập miếu phụng thờ. Nơi nào có miếu thì mưa thuận gió hòa, đất nước được yên, dân gian khỏe mạnh.
Vua Trụ nhận lời.
Hôm sau, vua Trụ truyền long giá ra đi, các quan theo hầu rất đông. Khi đến trước đền thần Nữ Oa, vua Trụ bước xuống xe, đến nơi chính điện đặt một đỉnh trầm, và cùng các quan đồng lạy. Trên điện không thiếu gì các đồ trang hoàng thờ cúng quí báu, khói tỏa như mây mờ, uy nghiêm chẳng khác gì đền vua. Bỗng một luồng gió nhẹ thổi qua làm vẹt bức màn, vua trông thấy tượng bà Nữ Oa rất rõ, hình dung như một người sống chẳng khác một nàng tiên, hương trời sắc nước không đâu bì kịp.
Vua Trụ mê mẩn một hồi liền truyền cho thị vệ đem bút mực đến và làm một bài thơ trên tường:
Lạnh lùng trướng phủ xả màn loan,
Bóng sắc khen ai khéo điểm trang.
Liễu uốn mày ngài khoe sắc lục,
Xiêm tung sóng nước điểm non vàng.
Hải đường sương đượm màu tươi tốt,
Thược dược mưa nhuần bóng vẻ vang.
Thần tượng ước ao đi đứng được,
Đem về cung điện dựa thiên nhan.
Thừa tướng Thương Dung thấy vậy thất kinh can gián vua và xin truyền lấy nước rửa đi. Vua Trụ không nghe. Các quan không ai dám nói lời nào. Sau đó vua Trụ truyền hồi loan.
Bà Nữ Oa đi chầu ba Thánh: Phục Hy, Thần Nông và Hoàng Đế về nhìn thấy bài thơ nổi giận nói:
– Ân Thọ hôn quân! Không lo sửa mình trị thiên hạ lại sanh tâm tà vạy, không sợ luật Trời. Nếu ta không báo ứng sao gọi là linh. Nói rồi liền đằng vân bay vào triều muốn vật chết vua Trụ. Khi đến phía ngoài hậu cung bà Nữ Oa gặp hai đạo hào quang xông lên cản lại, tính ra mới biết vua Trụ còn hai mươi tám năm nữa mới tận số, nên đằng vân về miếu.
Liền sau đó bà gọi Thế Vân đồng tử lấy phướn chiếu yêu truyền dạy các yêu đến chầu và chọn ba con yêu tại mả Huỳnh Đế là: hồ ly ngàn năm, chim trĩ chín đầu và đờn tỳ bà bằng ngọc thạch cho vào hầu.
Bà Nữ Oa nói:
– Vua Trụ sắp đến ngày mất nước. Núi Kỳ Sơn phụng gáy nhà Tây Châu ra đời, đó là khí số do trời định. Ba ngươi hãy giấu mình yêu quái trà trộn vào cung viện, làm cho Trụ vương điêu đứng. Đợi cho Võ Vương đánh Trụ thành công, ta cho chúng bây thành thần đó. Song cấm một điều không được làm hại bá tánh.
Ba yêu vâng lịnh rút lui ra, đằng vân về động.

Lời bàn
Quan niệm Thượng Đế cai quản bách Thần, còn Thần linh thì gồm nhiều đẳng trật vẫn còn tồn tại qua các thế hệ khác nhau của nhiều dân tộc. Người ta tin rằng phàm sức mạnh, vật hay người nào, nếu có ảnh hưởng nhiều đến cuộc nhân sinh của một dân tộc hay nhân loại đều là Thần linh cả. Từ thời cổ xưa, ta đã thấy có nhiều ngạch trật Thần linh như sau: Thiên thần (Dyaus), Thần Thái Dương (Surgasavitri, Pusan), Thần Ban Mai hay Hiễu Hồng (Usas), Thần Sấm hay Lôi Công (Indra), Thủy Thần (Apas), Thần Phong Ba (Bayu), Thần Mưa (Parjanya) .v.v… Và các linh vật như lân, qui, phụng, hổ, rắn, chim súy điểu v.v… cũng như đá, cây tùng, đờn tỳ bà mà bẩm thụ được nhiều thanh khí cũng đều thành Thần được. Người ta tin rằng các vị minh vương đều là những “Thiên tử” do Trời sai xuống mà cai trị nhân gian và khi qua đời đều trở thành Thánh mà lên ở trên trời làm các bậc phụ cận cho Thượng Đế, tỷ như vua Phục Hy, Thần Nông, Đức Thánh Trần v.v… Riêng các vị công thần có nhiều chiến công hiển hách hoặc có công lớn trong một ngành nghề nào đối với dân tộc mình hoặc với nhân loại đều được hiển Thần cả, như bà Nữ Oa đây là một thí dụ. Mặc dầu ở cõi vô hình, các vị ấy vẫn còn ảnh hưởng đến loài người có khi tiếp nối lo cho dân tộc mình hoặc có khi lãnh nhiệm vụ lớn hơn chi phối toàn thể nhân gian về một phần hành nào đó.
Bài Viết Liên Quan
Bài Pháp Số 3: Đại Bồ Tát Duy Ma Cật Giảng Pháp Cho Mục Kiền Liên
Mục Kiền Liên (Mahā-Moggallāna) là một trong mười đại đệ tử xuất sắc của Phật Thích Ca, được biết đến...
Xăm Quan Thánh 88
Xăm Quan Thánh 88: Thượng Cát 第八十八号簽 上吉從前三百總徒勞纔見新春時漸遭百計營求都得意更須守己莫心高碧仙注貪心莫起且隨緣營謀勤守要心堅但得時途亨泰曰富貴榮華萬事全 Âm: Vãng tích sở vi tổng thị không,Tân xuân trinh tường hỷ...
Bài 88: Thế Nào Là Thành Công?
Học trò tham vấn lão già:“Thế nào mới được gọi là thành công?”Người tu nhìn nhận thành côngSẽ không giống...
Câu Chuyện Số 12: Bệnh Vô Hình
Bác sĩ Quang là một bác sĩ được lưu dụng thời sau 75. Ông khá thâm niên trong nghề nên...
TẬP SAN MẬT PHƯỚC SỐ 3
Độc giả nhấn vào nút bên dưới để xem bản đầy đủ của Tập San Mật Phước Số 3. Xuất...
Cơ Duyên Được Đức Tôn Sư Truyền Tâm Pháp
Tôi được Tôn Sư Triệu Phước trao truyền Tâm Pháp vào năm 1982 ở Colorado, Hoa Kỳ. Trước khi giới...
TẬP SAN MẬT PHƯỚC SỐ 17
TẬP SAN MẬT PHƯỚC SỐ 17 CÂU CHUYỆN TÂM LINH: Thế giới tâm linh của Hồ Cáp Ngô Duy Lâm...
Câu Chuyện Số 2: Thần Nguyễn Trung Trực
Thần Nguyễn Trung Trực Chimđađa là người Việt gốc Miên. Thời cuộc biến ông ta thành người Miên gốc Việt....