ĐẠI NÉT PHẬT GIÁO QUA LẬP TRƯỜNG DỊ BIỆT CỦA CÁC GIÁO PHÁI

Phật Giáo khởi đầu trong khung cảnh Ấn Độ, nơi mà lòng sùng mộ đạo giáo chiếm vị thế ưu thắng. Lịch sử cho thấy xã hội Ấn thời đó có bốn giai cấp, đứng đầu là các giáo sĩ Bà La Môn chuyên về việc tế tự. Giai cấp Bà La Môn có một uy quyền tuyệt đối ngự trị trên tư tưởng và đời sống của những dòng dõi vua chúa và toàn thể xã hội. Họ nắm đặc quyền về tôn giáo, trực tiếp tế lễ quỉ thần và đấng chủ tể trong đạo là đức Phạm Thiên. Giáo phẩm còn được chia ra làm ba cấp:

– Bực thượng đẳng là các sư Bà La Môn không còn trực tiếp giao thiệp với dân gian. Hạng này chuyên nghiên cứu về các sức lực hữu hình và siêu hình trong vũ trụ.

– Bực trung là những tu sĩ chuyên coi về khoa bói toán, tiên tri liên lạc với quỉ thần, thi triển được các phép linh. Họ chuyên tham khảo, diễn giải và thực hành bộ kinh Phệ Đà thứ tư (Atharva Veda), bộ cao trội có đủ những câu thần chú.

– Bực hạ là những nhà sư cúng lễ thông thường, phục vụ nơi đền chùa. Nhóm này thường đọc tụng ba bộ kinh đầu của Phệ Đà (Rig Veda, Yajur Veda, Sama Veda).

Hạng Bà La Môn cuối phải tu học hai mươi năm mới lên hạng trung, hạng trung phải tu học hai mươi năm mới lên hạng thượng.

Lãnh đạo toàn thể ba hạng trên có một vị chưởng quản tôn giáo, giúp việc chung quanh ngài có một hội đồng gồm đến hơn bảy mươi vị sư.

Mỗi thầy tu Bà La Môn phải giữ mười giới cấm sau:

  1. Nhẫn nhục
  2. Làm phải
  3. Điều độ
  4. Chân thật
  5. Trong sạch
  6. Thống trị giác quan
  7. Biết rành kinh luật Phệ Đà
  8. Biết rõ đấng Phạm Thiên
  9. Ăn nói chân chánh
  10. Giữ mình đừng giận.

Thái tử Sĩ Đạt Ta ra đời trong dòng dõi vua chúa, giữa một xã hội mà vương tộc và quần chúng đều nhiệt thành tin tưởng Bà La Môn Giáo. Sự học hỏi đầu tiên của Thái tử dĩ nhiên phải là những tư tưởng của bộ kinh Phệ Đà. Mục đích cao thượng nhất của toàn thể dân chúng không gì khác hơn là trở thành các vị Bà La Môn cao quý nhất trong xã hội và được hiệp nhất linh hồn mình với Thượng Đế Brahma. Thái tử xuất gia cũng chính vì những lẽ ấy.

Không bằng lòng với chữ nghĩa lý thuyết suông về đạo trong các bộ kinh cổ truyền, Thái tử rũ bỏ tất cả mọi trói buộc, một mình lang thang hiến mình cho công cuộc truy tầm chân lý.

Ông đã trải qua từ vị thầy này đến các đạo sĩ khác, thực hành những phương pháp tu tập khác nhau, khổ hạnh cũng như trung đạo, chịu thử thách của hàng ma vương… cuối cùng đắc đạo dưới cội cây bồ đề.

Cái nội chứng của đức Phật không phải là một điều dễ biết. Nhưng tựu chung kinh Phật chép rằng Ngài đã giải thoát và đắc quả Phật cũng như đã chứng đắc rất nhiều tuệ giác (năng lực thần thông) – Túc mạng minh (nhớ lại tiền kiếp) – Thiên nhãn minh (biết rõ sự phân tán và cấu hợp trở lại của một chúng sanh) – Lậu tận minh (biết rõ các pháp trầm luân) v.v… Như vậy theo Phật Giáo cho biết: sau cuộc chiến đấu phi thường khoảng sáu năm, đạo sĩ Cồ Đàm lúc đó khoảng ba mươi lăm tuổi, đã tận diệt mọi ô nhiễm, chứng ngộ thực tướng của vạn pháp, trở thành một đấng chánh biến tri, bậc toàn giác.

Sau đó Ngài bắt đầu rao giảng chánh pháp lần đầu tiên tại rừng Lộc Uyển cho bọn năm ông Kiều Trần Như về Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo. Đó là bài kinh được gọi là chuyển pháp luân của đức Thích Ca và tương truyền rằng có nhiều chư thiên và Phạm Thiên đến nghe giảng và hoan hô nhiệt liệt. Sau đó Ngài tiếp tục rao giảng những gì mình đã chứng ngộ về đạo và thâu nhận đệ tử hơn bốn mươi năm rồi nhập diệt.

Ngày nay, các công trình nghiên cứu về Phật Giáo cho thấy suốt cả thời kỳ giảng đạo của đức Thích Ca, Ngài chỉ dùng ngôn ngữ để diễn đạt tư tưởng của mình. Riêng các đệ tử thì chỉ nghe, chớ không có ai ghi chép lại bằng văn tự.

Ngay cả sau khi Ngài tịch diệt, lần tập hợp các đệ tử của Phật đầu tiên, dưới sự chủ tọa của Ca Diếp, để đúc kết lại những lời Phật dạy, cũng chỉ là sự lặp lại những gì mà mỗi đệ tử đã nghe và còn nhớ; chúng không được ghi chép thành văn.

Một trăm năm sau, những đệ tử đã từng cận kề đức Phật lần lượt cũng đã qua đời. Phật pháp càng ngày càng dễ trở nên sai lạc với tôn ý của đức Phật. Nhiều ý kiến đối lập nhau đã nảy sinh trong hàng tăng chúng. Bây giờ họ mới họp lại với nhau một lần nữa để san định lại những lời Phật dạy. Lúc đó nhiều tranh cãi mãnh liệt giữa các giáo đoàn và các tu sĩ về đạo lý thật sự của đức Thích Ca. Sự mâu thuẫn phát sinh do nhiều nguyên nhân: cũng có những yếu tố hiềm khích phe phái, cộng với sự tranh chấp uy tín cá nhân; cũng như trình độ căn cơ hiểu biết dị biệt, sự giải thích những gì Phật dạy theo chủ kiến của mỗi giáo đoàn v.v… Từ đó Phật Giáo phân chia thành hai khối rõ rệt: Thượng tọa bộ gồm những tu sĩ trưởng lão bảo thủ, tự cho mình là phái bộ duy trì những giáo lý nguyên thủy của đức Phật và phái bên kia là Đại chúng bộ gồm phần đông các tăng lữ trẻ tuổi hơn, có đầu óc phóng khoáng, tự do và cấp tiến hơn trong việc tìm hiểu cũng như giải thích về Phật pháp. Tuy lần kiết tập thứ hai này có nhiều sự tranh cãi sôi nổi, nhưng nó vẫn ở trong hình thức biện biệt bằng ngôn ngữ, chớ cũng chưa được ghi chép lại.

Sau lần đó, Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ càng ngày càng công kích nhau dữ dội. Sự rạn nứt không còn làm sao hàn gắn lại được nữa.

Để biện minh và đề cao lập trường tư tưởng của mình, mỗi bộ phái đều có những luận phẩm giá trị xây dựng bởi những luận sư nổi tiếng để củng cố uy tín và phê bình chủ thuyết của phái kia. Nhờ vậy về sau mới có những luận thuyết để tạo thành luận tạng riêng của mỗi phái. Cho đến đời vua A Dục (Asoka), khoảng bốn trăm năm sau khi Phật nhập niết bàn, tăng già chia ra có đến hơn hai mươi hệ phái mà mười thuộc Thượng tọa và mười thuộc Đại chúng bộ. Cuộc kiết tập bằng văn tự chỉ thật sự xuất hiện ở lần thứ ba vào đời vua A Dục và Ca Ni Sắc (Kanisha). Phật Giáo lúc đó được ghi chép lại bằng hai thứ chữ của Ấn Độ là Bắc Phạn (Sanscrit) và Nam Phạn (Pali). Sau đó Phật Giáo bị suy vi ở ngay trên đất Ấn vì bị sự cạnh tranh của Ấn Độ Giáo và Hồi Giáo, nhưng nó được bảo tồn do sự truyền bá sang các nước chung quanh. Kinh điển Pali, đượm mùi Tiểu Thừa, được truyền về phía Nam nước Ấn còn được gọi là Nam Tông. Bắc Tông hay Đại Thừa gồm tạng kinh viết bằng Sanscrit thì được truyền sang phía Bắc ngoài nước Ấn.

Trải qua cả ngàn năm nay, Phật Giáo lớn mạnh tại các nước Á Châu với các phái Tiểu Thừa tại Tích Lan, Thái Lan, Cao Miên, Lào, Miến Điện… và Đại Thừa tại Tây Tạng, Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn, Việt Nam… Tiểu Thừa và Đại Thừa nay đều có ba tạng Kinh, Luật, Luận riêng cho mỗi trường phái.

Ngày nay khi nghiên cứu về Phật Giáo Nam và Bắc Tông, người ta chỉ có thể căn cứ trên kinh điển bằng tiếng Pali của Tích Lan cũng như Hán văn của Trung Hoa và thổ ngữ của Tây Tạng vì những kinh điển nguyên thủy viết bằng Pali và Sanscrit tại đất Ấn đã bị Hồi Giáo tàn phá trong quá khứ, không còn nguyên vẹn nữa. Hai bộ tam tạng kinh được lưu truyền có thể kể như sau:

– Bộ tam tạng kinh của Nam tông hay bộ A Hàm gồm có: kinh Trường A hàm, kinh Trung A hàm, kinh Tăng Nhất A Hàm, kinh Tạp A Hàm, kinh Tiểu A Hàm.

– Ba bộ kinh của Bắc tông có bộ A Hàm, Hoa Nghiêm, Diệu Pháp Liên Hoa, Bát Nhã, Lăng Nghiêm, Duy Ma, Viên Giác, Kim Cang, Di Đà, Niết Bàn v.v…

Mặc dù sự hiện diện của hai bộ tam tạng kinh của Tiểu và Đại thừa; các học giả theo quan điểm khoa học, khi nghiên cứu về Phật Giáo, đã cho rằng những kinh điển hiện hữu, dù miễn cưỡng được gán cho là do chính đức Phật thuyết, thật ra đó là những kết luận không vững chắc. Những tư tưởng đầu tiên của cái cây Phật Giáo chắc chắn không phải là cái rừng giáo lý ngày nay mà những người Phật tử có. Thông điệp nguyên thủy của đức Phật là gì cho đến nay và mãi mãi vẫn còn là một nghi vấn.

Mặc dù có sự cố gắng thống nhất những lời Phật dạy dù Nam hay Bắc tông bằng một chủ thuyết về ngũ thời pháp của đức Phật do các tu sĩ Phật Giáo đưa ra, chủ thuyết đó cũng không thể thỏa mãn được sự chống đối phe phái hiện tại và giải đáp thỏa đáng cho những nhà nghiên cứu Phật Giáo có tinh thần khách quan khoa học.

Ngũ thời thuyết pháp đó như sau:

  1. Thời kỳ thứ nhất: Sau khi thành đạo, Phật còn ngự tại gốc bồ đề thêm hai mươi mốt ngày nữa. Lúc đó tinh thần Ngài thật là sảng khoái. Chân lý chứng ngộ được Ngài thuyết minh một cách rất cao thâm huyền diệu; đến đỗi chỉ có các bậc thiên thần mới đủ khả năng lĩnh hội mà thôi. Riêng bọn thế nhân không ai có thể hiểu nổi. Lời giảng này được chép vào kinh Hoa Nghiêm. Thời kỳ đầu này là thời kỳ Hoa Nghiêm.
  2. Thời kỳ thứ hai: Thấy đạo lý mình không ai hiểu thấu, đức Phật đến rừng Lộc Uyển, hạ thấp giáo thuyết của mình xuống, giảng cái giáo pháp Tứ Diệu Đế và Thập Nhị Nhân Duyên. Thời kỳ này toàn là pháp lý Tiểu Thừa và được ghi lại trong các kinh của bộ A Hàm.
  3. Thời kỳ thứ ba: Giáo pháp lan rộng trong dân gian và xung đột với các phái đạo và triết học khác làm cho đức Phật bắt buộc phải giảng minh, giải đáp, biện luận về lập thuyết của mình. Các cuộc đối thoại, biện minh đều được ghi vào kinh Duy Ma và Đại Tập. Thời kỳ này pha lẫn Tiểu thừa và Đại thừa, được gọi là thời Phương Đẳng.
  4. Thời kỳ thứ tư: Phật giảng cho các đệ tử trí thức siêu đẳng những nguyên lý cùng tột của vũ trụ. Thời kỳ này là thời Bát Nhã.
  5. Thời kỳ thứ năm: Phật pháp đã đến lúc trưởng thành. Phật đem Bồ Tát thừa mà giảng cho các đệ tử cao nhất của Ngài. Thời kỳ này gọi là thời Pháp Hoa.

Sự phân loại toàn bộ giáo pháp Tiểu thừa và Đại thừa của Phật Giáo theo quan điểm trên, ắt hẳn khó được các tu sĩ Tiểu thừa chấp nhận.

Nhưng dù đạo Phật Tiểu hay Đại thừa, tất cả các hệ thuyết của nó, theo tinh thần luận lý, cũng chỉ là một công trình liên tục của nhiều tu sĩ và học giả kiên quyết, khởi đầu là thiên tài Thích Ca và tiếp nối sau đó là chư vị tổ sư khác, xuất hiện qua thời gian lâu dài đã xây dựng nên. Một tập thể những nhà đạo học hữu danh hay vô danh, hoàn toàn dâng hiến mình cho công cuộc truy tầm chân lý và phát minh ra những phương cách trị liệu tâm linh cho nhân loại khác nhau, đã đưa đến cái kết quả của nó là đạo Phật ngày nay.

Giờ đây, những nhà thức gia, không ai bận tâm lắm với cuốn kinh này hay kinh khác, có phải là lời của đức Phật Thích Ca hay của một vị thánh hiền nào đã nói hay không? Mà thực tế là các tư tưởng trong quyển kinh đó có đúng hay không? Có ích lợi hay không? Có thực tiễn hay không? Chính các tu sĩ nhà Phật cũng đã thường được cảnh giác chớ để cho đức tin và sự mê tín xâm nhập vào tinh thần học hỏi những lời Phật dạy. Thái độ sau đây thường được khuyên nhủ: Không nên chấp nhận điều gì chỉ vì nghe nói lại, chỉ vì tập tục cổ truyền, chỉ vì phần đông đã tin theo, chỉ vì có lời đồn đãi, chỉ vì điều ấy được ghi chép trong kinh sách, chỉ vì có người cho là do đại đức, hòa thượng hay Phật nói, chỉ vì đã được ức đoán như vậy, chỉ vì mình suy diễn như thế, chỉ vì hợp với thành kiến của mình… Chỉ nên tin những gì sau khi đã suy nghĩ, trắc nghiệm và thấy nó hợp với chân lý.

Nếu giữ đúng theo tinh thần trên để khảo sát về Phật Giáo và những vấn đề mà chính nó đã đề cung cho nhân loại để xác định chúng có thực tế, hợp lý và ích lợi hay không cho loài người? Được như vậy nó mới có thể so sánh với các bộ môn khoa học khác trong vấn đề phục vụ nhân sinh. Bằng trái lại nó không tránh khỏi những thái độ nghi ngờ, chế giễu, thờ ơ lạnh nhạt của đa số loài người vì chính những cái mà nó đưa ra chứa quá nhiều sự u tối do lòng mê tín, cuồng tín, không tưởng v.v… của những người thiếu học. Phần sau chúng ta sẽ liên tục xem xét lại toàn bộ những đại nét mà Phật Giáo đã đưa ra khi hứa hẹn cái cứu cánh giải thoát cho những người khảo sát, tin tưởng nó hiện tại hay trong quá khứ và cố gắng tìm hiểu nó theo tinh thần khoa học khách quan.

CON ĐƯỜNG TRUNG ĐẠO CỦA PHẬT GIÁO

Thời kỳ đức Thích Ca sống, xã hội Ấn có đến hơn sáu mươi triết thuyết khác nhau về đạo. Mỗi giáo thuyết đề ra một phương cách riêng và đều chủ trương chỉ có đường lối của họ là con đường duy nhất đưa tới sự giác ngộ tối thượng.

Thái tử Sĩ Đạt Ta cũng đã từng tu tập nhiều cách trước khi tìm ra con đường riêng cho chính mình. Kinh Phật chép rằng Ngài đã đắc quả Phật và chuyển pháp luân lần đầu tiên cho năm ông Kiều Trần Như. Tiểu thừa tuyên xưng bài pháp Tứ Thánh Đế này là chân lý tuyệt diệu, độc nhất vô nhị. Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkaappavattana sutta) ghi: “Đến khi, hỡi này các tỳ khưu, tri kiến tuyệt đối như thực của Như Lai về bốn Pháp Thánh Đế, dưới ba sắc thái và mười hai phương thức, đã trở nên hoàn toàn sáng tỏ, chỉ đến chừng ấy, Như Lai mới xác nhận trước thế gian gồm chư thiên, ma vương và Phạm Thiên, giữa các chúng sa môn, Bà La Môn, Trời và người rằng Như Lai đã chứng ngộ vô thượng chánh đẳng chánh giác.”

Lúc ấy có nhiều chư thiên đến dự thính đã hoan hô: “Pháp luân này quả thật tuyệt diệu! Không có sa môn, Bà La Môn, chư thiên, ma vương hay Phạm Thiên (Thượng Đế theo quan niệm của người Ấn) nào trên thế gian có thể giảng được. Đức Thế Tôn đã vận chuyển pháp luân này tại vườn Lộc Uyển, cho chư thiên Đọa Xứ, gần Ba La Nại”.

Kinh Tiểu Thừa còn cho rằng lúc ấy mười ngàn thế giới gồm các cung trời đều chuyển động, lung lay và rung chuyển mạnh mẽ.

Đức Thích Ca đã nói gì về cái cứu cánh giải thoát đã chứng ngộ cho năm ông Kiều Trần Như mà kinh điển Tiểu thừa đã mệnh danh nó như là một chân lý tối thượng mà loài người cùng các chư thiên, chư thiên vương và chính Thượng Đế chưa từng được biết? Chúng ta hãy xem tiếp bài kinh Chuyển Pháp Luân này về Tứ Thánh Đế: “Hỡi các tỳ khưu, có hai cực đoan mà hàng xuất gia phải tránh:

  1. Sự dễ duôi trong dục lạc – là thấp hèn, thô bỉ, phàm tục, không xứng phẩm hạnh của bực thánh hiền và vô ích.
  2. Sự thiết tha gắn bó trong lối tu khổ hạnh – là đau khổ, không xứng phẩm hạnh của bực thánh nhơn và vô ích.

Từ bỏ hai cực đoan ấy, Như Lai đã chứng ngộ con đường trung đạo, là con đường đem lại nhãn quan và tri kiến và đưa đến an tịnh, trí tuệ cao siêu, giác ngộ và niết bàn.”

Đức Phật giảng tiếp: “Hỡi này các tỳ khưu, bây giờ đây là chân lý cao thượng về sự khổ (Khổ Thánh Đế):

Sanh là khổ, già là khổ, bịnh là khổ, tử là khổ, sống chung với người mình không ưa thích là khổ, xa lìa những người mình thân yêu là khổ, mong muốn mà không được là khổ. Tóm lại chính thân ngũ uẩn này là khổ.

Bây giờ, này hỡi các Tỳ khưu, đây là chân lý cao thượng về nguồn gốc của sự khổ (Tập Khổ Thánh Đế):

Chính ái dục là nguyên nhân của sự tái sanh. Ái hợp với tâm thiết tha khao khát, bám bíu cái này hay cái kia (đời sống). Chính là ái, đeo níu theo nhục dục ngũ trần; ái đeo níu theo sự sinh tồn và ái đeo níu theo ý tưởng không sinh tồn (sau cái chết là hư vô).

Bây giờ, này hỡi các tỳ khưu, đây là chân lý cao thượng về sự diệt khổ (Diệt Khổ Thánh Đế):

Đó là sự xa lánh trọn vẹn và sự tận diệt chính cái ái đó. Đó là sự rời bỏ, sự từ khước, sự thoát ly và sự tách rời ra khỏi tâm ái dục.

Bây giờ, hỡi này các tỳ khưu, đây là chân lý về con đường dẫn đến sự diệt khổ (Đạo Thánh Đế): đó là Bát Chánh Đạo.”

Qua bài kinh Chuyển Pháp Luân này chúng ta cần duyệt lại xem các tu sĩ Phật Giáo đã giải thích như thế nào về con đường Trung Đạo đó.

Xã hội Ấn, lúc đức Phật còn tại thế, có hai chủ thuyết chính về linh hồn: Thuyết tin tưởng có đời sống sau khi chết và Thuyết tuyệt diệt. Theo Thuyết tuyệt diệt thì sau khi chết, con người hoàn toàn mất, trở thành số không. Mọi vật chất tạo thành cơ thể con người cũng như mọi yếu tố tinh thần, tư tưởng cũng đều bị tuyệt diệt. Không có cái gì còn lại để tiếp nối sau cái chết. Chết là hết, là chấm dứt tất cả. Chỉ có đời sống hiện tại là thực tiễn. Con người hãy ăn uống, chiếm đoạt và tận hưởng mọi lạc thú càng nhiều càng tốt, vì cái chết đến với tất cả.

Đạo đức là một ảo tưởng, tôn giáo là một thác loạn điên cuồng, một chứng bệnh thần kinh. Chỉ có khoái lạc thế gian là thực tế, không cần kiểm soát khát vọng và bản năng vì đó là phần di sản thiên nhiên của con người.

Về phía các giáo phái chấp nhận có đời sống sau khi chết, họ đề ra nhiều lề lối rất dị kỳ, phản tự nhiên, mê hoặc được nhiều tín đồ ngu dốt và mê tín hùa theo. Người ta ghi nhận có những phái lõa thể, những phái ăn ở dơ bẩn, những phái tự hành hạ xác thân, có phái đứng một giò, có phái tu khổ hạnh v.v….

Thái tử Sĩ Đạt Ta cũng đã bị lôi cuốn theo phái tu khổ hạnh trong nhiều năm. Ông ăn uống rất ít, cho đến nổi chỉ còn có da bọc xương và bị ngất chết. Đến lúc ấy ông mới nhận thức được lối tu khổ hạnh đó chỉ làm kiệt quệ cơ thể và tinh thần của mình, tự làm khổ thêm cho bản thân, chớ không đạt được sự giải thoát chi cả. Ông bỏ lối tu đó và trở lại ăn uống bình thường. Bọn năm ông Kiều Trần Như cũng tu chung với thái tử thấy vậy bỏ đi và nói rằng: Đạo sĩ Cồ Đàm đã trở lại ưa thích xa hoa, đã ngừng cố gắng và đã quay về đời sống lợi dưỡng. Thành kiến cho rằng phải thiết tha trung thành ghép mình vào nếp sống kỳ dị, khắc khe, khổ hạnh để giải thoát không phải dễ xóa bỏ nơi người Ấn.

Thế nên khi đức Phật Thích Ca ra giảng đạo, trong bài pháp đầu tiên cho năm ông bạn tu cũ của mình, đức Phật đã nhấn mạnh đến con đường trung đạo, tức là không dễ duôi trong dục lạc như phái tuyệt diệt, cũng như không gắn bó trong lối tu khổ hạnh.

Cái chủ thuyết Trung Đạo nghe qua thì rất dễ, nhưng trong thực tế, nó rất co giãn tùy theo nhận thức của từng người. Buông bỏ tới đâu mới được gọi là không chạy theo dục lạc? Khó khăn với mình đến mức nào mới không bị coi là khổ hạnh? Đó là một chuyện khó minh định được rõ ràng.

Thực tế ngay khi đức Thích Ca còn sống, Đề Bà Đạt Đa có tham vọng cướp đoạt ngôi giáo chủ của Ngài, đã vận dụng chiêu bài thánh thiện, trong sạch và chiều theo khuynh hướng tin tưởng cố hữu về những lối tu kỳ lạ và khổ hạnh của người Ấn, đã yêu cầu và áp lực với đức Phật ban hành thêm năm điều này cho các tăng lữ:

  1. Tỳ khưu phải sống trọn đời trong rừng.
  2. Tỳ khưu phải sống đời du phương, hành khất.
  3. Tỳ khưu phải đắp y may bằng những mảnh vải lượm ở đống rác và nghĩa địa.
  4. Tỳ khưu phải sống dưới gốc cây.
  5. Tỳ khưu phải ăn chay suốt đời.

Trước mặt đức Phật và các tỳ khưu, Đề Bà Đạt Đa đã biện luận: “Này các đạo hữu, những điểm yêu cầu của tôi và những lời của đức Như Lai, lời nào cao thượng hơn? Ai muốn thoát mọi khổ não hãy theo tôi.”

Bằng chiêu bài hình thức của đời sống và cách ăn mặc lạ thường nổi bậc trên mới xứng đáng phẩm hạnh của bậc thánh thiện, Đề Bà Đạt Đa đã lôi cuốn được nhiều vị Tỳ khưu mới xuất gia, có nhiều lý tưởng nhưng thiếu kinh nghiệm trong đời sống thực tế, nhẹ dạ bỏ đức Phật theo Đề Bà Đạt Đa rất đông. Chính sau này đức Phật phải cho Xá Lợi Phất và Mục Kiều Liên đến nơi họ để giải thích một cách khó khăn mới đưa những người lầm đường, lạc lối ấy trở về với đức Phật.

Cái khuynh hướng đề cao và làm việc kỳ lạ, nổi bật để lòe người về uy tín thánh thiện của mình, hình như lúc nào cũng manh nha nơi tâm lý con người không có thực tài và đầy tham vọng giải thoát của người dân Ấn lúc bấy giờ.

Cái việc đó lại xảy ra một lần nữa, lúc ấy khi đức Phật đã tịch. Vì theo truyền thống của giáo hội tăng già lúc ấy, các vị tỳ khưu xuất gia phải sống đời độc thân trong tịnh xá, để dễ dàng tu học và dành hết thời giờ của mình trong việc hoằng truyền đạo pháp, đã được cái tâm lý ưa chuộng. Sự khác thường của một số người thổi phồng, đồn đãi là chư vị tỳ khưu đã tuyệt dục tính, qui túc v.v… Nhưng trong một lần kiết tập, có một vị tỳ khưu đã khẳng khái lên tiếng phủ nhận rằng chính các vị được coi là đắc quả A La Hán vẫn còn xuất tinh lúc ban đêm.

Sau khi đức Phật nhập niết bàn, con đường trung đạo đưa tới sự giải thoát do đức Phật đề ra đã được tranh cãi trong hàng ngũ các giáo phẩm. Có đến hơn bốn mươi tông phái khác nhau đều cho rằng mình là người kế thừa chân chính cho những gì Phật dạy. Những đại nét dị biệt của nó đều gồm chứa vào hai trường phái chính là Tiểu thừa và Đại thừa Phật Giáo.

Sự khác biệt lần hồi giữa hai phái trên trong các quan niệm của chúng về đức Phật, về vũ trụ quan và nhân sinh quan, phương pháp giải thoát v.v… đã trở thành càng ngày càng mâu thuẫn hơn qua thời gian, cho đến nỗi không phải vô cớ mà những tu sĩ Tiểu thừa đã gán cho Đại thừa là những đứa con hoang của Phật Giáo, vì họ đã quên mất đức Phật, lịch sử và vượt quá xa những lời Ngài dạy. Mặt khác Đại thừa cũng không phải vô lý khi mệnh danh Tiểu thừa là ngoại đạo vì họ quá câu chấp theo văn tự, đầu óc hẹp hòi, ích kỷ, nông cạn và cao ngạo nên không thể biểu thị được cá tính hóa của đạo Phật. Nội dung của bài này chỉ tìm hiểu những nét chính yếu của hai phái liên quan đến những vấn đề hiện thực xã hội của nền văn minh hiện đại căn cứ trên luật khách quan và thực tế của đời sống.

Trước hết Tiểu thừa vì chủ trương đời là bể khổ, không có một đấng thần linh nào có thể giải thoát con người ra khỏi cuộc sống khổ đau, mà chỉ có chính họ phải tự tay chặt đứt cái dây ái dục đã ràng buộc họ trong vòng sanh tử luân hồi. Để thoát khỏi trần gian họ phải nỗ lực xa lánh những phiền não của đời sống, phải học cách cư xử như không có bản ngã và phải bỏ rơi lại sau lưng những gì thuộc về thế tục, vì chúng không có thật và đáng ghét. Quan niệm như thế nên chỉ còn có con đường duy nhất là sống đời tu sĩ xuất gia mới mong hy vọng đạt tới bờ giải thoát, riêng đa số nhân loại thì không có hi vọng chi cả trong vấn đề này.

Một thái độ hoàn toàn thất vọng với thế giới hiện tại và với chính mình và cá nhân chủ nghĩa triệt để trong sự giải thoát; đó là mục tiêu mà Tiểu thừa Phật Giáo đề cung cho nhân loại theo đường lối của họ. Chính vì thế mà người ta thường xem rằng Phật Giáo là một chủ thuyết bi quan cao độ.

Nhưng để thực hiện con đường diệt ngã đó, Tiểu thừa đã để lại rất nhiều dấu chứng tỏ họ chẳng diệt ngã được bao nhiêu, mà trái lại cái ngã của họ về giáo chủ của mình, tông phái của mình, tôn giáo của mình, giáo phẩm tỳ khưu của mình lại lớn hơn ai hết.

Chúng ta nên đọc một số tư tưởng chính của kinh điển Tiểu thừa để thấy rõ những nhận định trên:

  1. Kinh Trung A Hàm (Majjhima Nikaya Ariyapariyesana Sutta – số 26) ghi lại câu chuyện về việc đạo sĩ Upaka gặp đức Phật và hỏi: Thầy của đạo hữu là ai? Đạo hữu truyền bá giáo lý của ai? Vì sao đạo hữu từ bỏ đời sống gia đình?

Đức Phật trả lời: “Như Lai đã vượt qua tất cả, Như Lai đã thông suốt tất cả. Như Lai đã dứt bỏ mọi trói buộc. Như Lai đã thoát ly tất cả. Như Lai đã chú hết tâm lực tận diệt tham dục (A La Hán). Đã thấu triệt tất cả, Như Lai còn gọi ai là thầy? Không ai là thầy của Như Lai. Không ai đứng ngang hàng với Như Lai. Trên thế gian này, kể cả chư thiên và Phạm Thiên, không ai có thể so sánh với Như Lai. Quả thật Như Lai là một vị A La Hán trên thế gian này. Như Lai là tôn sư vô thượng. Chỉ một mình Như Lai là bậc toàn giác, vắng lặng và thanh tịnh. Như Lai đang đến thành Kasi để vận chuyển bánh xe Pháp Bảo giữa thế gian mù quáng. Như Lai sẽ gióng lên hồi trống Vô Sanh Bất Diệt.

  1. Sau ngày thành đạo, lúc còn ngự tại gốc cây Ajapala, trên bờ sông Ni Liên Thiên (Neranjara), kinh Tiểu Thừa ghi là những ý tưởng sau đây phát sanh, lúc đức Phật ngồi tham thiền:

“Quả thật là đau khổ vì không có ai để ta lễ bái và tỏ lòng tôn kính. Hay là để ta tìm đến một vị sa môn hay một vị Bà La Môn nào để sùng bái, tôn kính và lễ bái, hầu nâng cao giới đức… tâm định… trí tuệ và sự giải thoát đến chỗ toàn thiện chăng? Nhưng trên thế gian này ta không thấy ai, dầu trong hàng chư thiên, ma vương hay Phạm Thiên hay giữa những chúng sanh như sa môn, Bà La Môn, trời và người, có sự giải thoát cao thượng hơn ta để ta thân cận, tôn kính và sùng bái. Hay là ta hãy tôn kính và sùng bái chính cái giáo pháp mà ta đã chứng ngộ.” (Đức Phật và Phật Pháp – Narada – trang 75-76).

Thực tế những bậc thánh trí là những hạng người khiêm tốn. Socrate một hiền giả Hy Lạp có nói: “Điều mà tôi biết nhiều nhất và rõ nhất trong đời tôi là tôi không biết gì cả”. Khổng Tử cũng có câu: “Cái gì mình biết là mình chưa biết; đó là biết vậy”. Liệu một vị giáo chủ vĩ đại như đức Phật nghĩ như thế nào khi biết các môn sinh đệ tử của mình đã gán cho mình những lời tự tôn, tự đại trên, để bốc thơm mình? Những người có đầu óc khoa học hiện đại sẽ nghĩ sao về lối tu diệt ngã đó?

Cái tâm lý tôn thầy mình là hạng nhất thiên hạ để mình lớn theo ông thầy mình rõ ràng được bộc lộ trong đoạn văn kể sau đây: “Vì chư tăng cũng có những đặc tính vĩ đại, cao thượng nên cũng xứng đáng thọ lãnh sự tôn kính của đức Phật – Đức Phật thuyết pháp bài này khi Ngài ngự tại Kỳ Viên tịnh xá (Jetavara), Savatthi lâu sau khi Ngài lập giáo hội Tăng Già. Ngài muốn chứng tỏ lòng tôn kính của Ngài đối với tăng già để khuyên dạy bà Maha Pajapati Gotami nên dâng đến chư tăng một bộ y mà bà đã ra công may để dâng đến đức Phật.” (Đức Phật và Phật Pháp – Narada – trang 77).

Để ngăn chặn cái quá lố của Tiểu thừa, để sửa sai cái chủ kiến bi quan triệt để của họ đối với kiếp nhân sinh, để điều chỉnh cái tự tôn, tự đắc quá đáng của họ về giáo thuyết, để mở mắt cho họ thấy sự liên đới bổn phận và trách nhiệm của họ đối với xã hội loài người, để nói thật cho họ biết họ chưa chứng đắc chi cả, để cho họ thấy họ còn thua xa những người thế tục về nhiều khía cạnh, để dạy cho họ bài học khiêm tốn hơn vì trái với phẩm hạnh nếu họ tiếp tục huênh hoang với các chư thiên hay các thiên vương ở những từng trời, để cảnh tỉnh cái lối tu tập của họ có nhiều việc trái với luật tự nhiên của tạo hóa, trong khi đó họ lại có ảo giác là mình khôn ngoan hơn tạo hóa, để chỉ cho họ biết sự hiểu biết của họ rất nông cạn và dễ lầm lạc trong khi đó ngộ nhận mình là kẻ toàn trí đáng được thế gian cúng dường và đảnh lễ, để tỏ rõ cho họ hay là phẩm cách của họ rất tầm thường trong khi tưởng rằng mình là kẻ đại hạnh. Vì tất cả những lý lẽ trên mà Đại thừa Phật Giáo lần lượt xây dựng chủ thuyết của mình trên cả ngàn năm qua.

Thật vậy trong khi Tiểu thừa Phật Giáo coi bài pháp Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo của họ là cao tột độ thì Đại thừa đã sửa sai một cách lễ độ mà cho rằng đó chỉ là một bài tầm thường dành cho những người kém tiến hóa, chậm hiểu và độn căn mà đức Phật phải dạy dỗ.

Trong khi họ phủ nhận sự giúp đỡ của các đạo sư ở thế gian và thiên giới thì Đại thừa nhắn nhủ cho họ thấy mười phương quốc độ với hằng hà sa số Phật và Bồ Tát, đã thành Phật từ vô lượng kiếp rồi có thể nâng đỡ và độ rỗi cho họ.

Trong khi họ sợ hãi phiền não thì Đại thừa khéo léo mách cho họ biết phiền não là gốc bồ đề.

Trong khi họ muốn trốn chạy và tách rời khỏi thế gian để tìm cách nhập niết bàn thì Đại thừa cho họ biết sinh tử chính là niết bàn.

Trong khi họ ích kỷ muốn giải thoát cho riêng bản thân, bỏ mặc mọi người ở lại trần gian, thì Đại thừa dạy cho họ thấy có rất nhiều vị cổ Phật, đã thành Phật từ vô số kiếp vẫn còn đi độ chúng sanh và đã phát thệ nguyện nếu còn một chúng sanh chưa thành Phật thì mình không chịu an hưởng thú vui niết bàn.

Trong khi họ yếm thế, bi quan, trốn tránh trách nhiệm thì Đại thừa khuyên họ hãy trở về đời sống mà trả cho xong bốn nợ: nợ nhân loại – nợ quốc gia – nợ cha mẹ, anh em và nợ tam bảo trước khi muốn giải thoát.

Trong khi họ tưởng họ đắc đạo thì Đại thừa nhắc cho họ biết ngay cả hàng đại đệ tử của đức Phật như Xá Lợi Phất và chư đại Thanh Văn tăng, còn phải tu nhiều kiếp nữa mới thành Phật và mệnh danh năm ngàn người trong Pháp hội Pháp Hoa chưa đắc đạo mà tưởng mình đã đắc là tăng thượng mạn.

Trong khi các sư tăng Tiểu Thừa ngạo mạn cho rằng chư Thiên vương ở các cảnh trời thua kém họ, thì Đại Thừa xác định rằng các vị đó đều là bậc đại Bồ Tát thị hiện và hơn họ cả triệu lần.

Mặc dù có những lập trường rất dị biệt như trên trong vòng cả ngàn năm đầu của Phật Giáo, nhưng cả hai trường phái Tiểu và Đại thừa cho đến lúc đó vẫn coi rằng vấn đề độc thân tịnh hạnh là một giới luật bất di dịch cho những tu sĩ xuất gia của nhà Phật. Lần hồi một số tông phái Đại thừa ở Tây Tạng, Trung Hoa, Nhật Bản đã phá bỏ những luật lệ đó, các tu sĩ vẫn thành lập gia đình, ăn mặc như người bình thường và họ đã chứng tỏ vẫn thành công trong việc tu đạo và hoằng dương đạo pháp. Tại Tây Tạng đạo sư Padmasambava, vốn được người dân coi như một vị đại Bồ Tát, giáo chủ của Hồng Mạo phái, vẫn thành lập gia đình và là người đầu tiên hoằng dương Phật pháp tại Tây Tạng đã thành công một cách rực rỡ. Sau đó Marpa, một bậc thầy vĩ đại nhất của tông phái Kargyutpa cũng có gia đình và được dân chúng Tây Tạng coi như một vị thánh. Ở Trung Hoa câu chuyện Tế Điên hòa thượng, một tu sĩ thường hay ăn thịt chó và uống rượu say sưa, thần thông cao cường, được dân gian truyền tụng như là một vị A La Hán thị hiện và chuyện một Chí Công hòa thượng ngang nhiên quay thịt chim ăn trước mặt mọi người v.v…

Tại Nhật, Chơn Loan tổ sư của Tịnh độ Chơn tông, được đức Quan Thế Âm đến bảo về trần cưới vợ và dạy đạo cho đời, để làm gương cho dân chúng thấy chẳng riêng gì các bậc xuất gia vẫn có thể tu và đắc đạo được. Trong phái này hiện có nhiều tín đồ và chùa nhất tại Nhật Bản mà các sư đều có gia đình.

Tóm lại, qua sự phát triển của thời gian, ngày nay, theo quan điểm của Phật Giáo, nhất là của Đại thừa, người ta đã đi tới quan niệm là cái cứu cánh tu hành của hàng thánh nhân không phải là làm những việc trái với luật tự nhiên nhưng họ vẫn ung dung sống trong phiền não mà giúp đời độ thế và hoằng dương đạo đức không biết mỏi mệt.

Liệu Phật Giáo còn có những thay đổi lớn lao nào nữa không trong cách giải thích về đạo và phương pháp giải thoát? Đó còn là vấn đề của tương lai…

0 0 votes
Article Rating
Nhận Thông Báo
Thông báo khi
0 Comments
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận