CHƯƠNG II: II – LƯỢC SỬ MẬT-TÔNG TRUNG-HOA

Kinh điển của phái Mật Giáo tạp bộ (Tạp Mật) được dịch sang tiếng Trung Hoa rất sớm vào thế kỷ thứ tư sau tây lịch. Cát Hữu (SRIMITRA) người sứ PAI (KUCCHA, một bộ lạc da trắng), dịch một vài bản kinh sang Hán Văn. Đó là những loại kinh bùa chú và các loại phù phép khác, thường gồm một vài mật chú và những bài tán Thần hay Thánh ở thượng giới, nhưng thật ra chúng không thể được xem như là biểu dương cho những ước vọng cao.

Phái mà ta mệnh danh là Phật giáo Thuần bộ (Thuần Mật), khởi đầu với ba vị Pháp sư đến Trung Quốc vào đời Đường (713-765).

 

A. THIỆN VÔ ÚY (SUBHAKARASIMHA 637-735):
Ông từng là một vị vua của xứ ORISSA, sau khi xuất gia làm tăng và đến đại học Nalanda, nơi vị Pháp Mật (DHARMAGUPTA) tu trì để tu học. Sau đó ông thường du hành tại các nước miền Nam Ấn. Miền Nam lúc bấy giờ chịu ảnh hưởng giáo lý của Long Thọ Đề-bà1, xiển dương về Không Tôn2 rất thịnh hành. Nên ngài Thiện Vô Úy rất am hiểu về lý Nhất Pháp Giới3 của Không Tôn. Thâm hiểu Du-già (YOGA), Chơn Ngôn (DHARANA) và Ấn Quyết (MUDRA), ông khởi hành đi KASHMIR và Tây Tạng và cuối cùng vào đời Đường năm Khai Nguyên thứ 4, tức năm 716 ông đến Tràng An và được vua Huyền Tôn (685-762) tiếp đón rất nồng hậu và phong làm Quốc sư. Năm 717, Ngài dịch kinh “Kim Cang Đảnh Hư Không Tạng Cầu Văn Trì Pháp”.


Thiện Vô Úy (Subhakarasimha)

Cũng vào thời kỳ này, Vô Hành một học giả Trung Hoa, du hành sang Ấn Độ, gặp Nghĩa Tịnh tại Nalanda và thâu thập được nhiều bản kinh Phạn văn. Ông mất trên đường hồi hương. Những tài liệu thâu thập của ông vẫn được đưa đến chùa Hoa Nghiêm ở Tràng An. Khi hay tin đó, Thiện Vô Úy đã lựa chọn vài bản kinh quan trọng và vào năm 725 và 726, ông khởi dịch kinh Đại Nhật và các kinh khác. Lúc bấy giờ, mỗi khi Tôn giả Thiện Vô Úy lập đàn tràng và tác pháp4 chư Tôn đều gia trì và thị hiện nhiều điều cảm ứng phi thường. Số người có duyên lành được cảm hóa rất đông.

 

B. KIM CANG TRÍ (VAJRABODHI 663-723):
Ông là người Nam Ấn, học đạo tại Nalanda. Năm 15 tuổi ông sang Tây Ấn học tập “Nhân Minh Luận” trong 4 năm trời với Pháp Xứng (DHARMAKIRTI), nhưng rồi trở về tại Nalanda để thọ Đại giới5. Trong sáu năm trời ông chuyên cần học Luật (VINAYA) và Trung Quán Luận (MADHYAMIRA) với SANTABODHI. Ba năm kế đó ông học Tướng Tôn6 và nguyên cứu Du-già Luận (YOGACHNA) của Vô Trước, Duy Thức Luận (VIYNAPTIMARA) của Thế Thân và Biện Trung Luận của An Huệ với JINADHADRA tại Ca-tỳ-la-vệ, Bắc Ấn. Rồi 7 năm sau nghiên cứu Kim Cang Đảnh (VAJRASEKHANA) và các kinh Mật Giáo khác nơi Long Trí A-xà-lê (NAGABODHI) ở Nam Ấn.

 


Kim Cang Trí (Vajrabodhi)

 

Năm Khai Nguyên thứ 8 (720 T.L.), ông đáp thuyền theo đường Nam Hải cùng các đệ tử và Bất Không Tam Tạng, đồng đến Lạc Dương Tràng An (Kinh đô nhà Đường nay là tỉnh Thiểm Tây). Phụng sắc chỉ của vua Đường, ngài kiến lập7 2 bộ Mạn-đà-la, mở đàn truyền pháp “Quán Đảnh” cùng dịch thuật nhiều kinh điển của Mật Giáo như: Kim Cang Đảnh, Lược Xuất Kinh… Kinh điển của ngài thường có nhiều pháp ngữ8 thiên về phần Pháp Tướng9.

Mỗi khi ngài lập Đàn tràng và tác pháp, đều cảm ứng nhiều điều lành, sự cầu mưa, sai thần khiến quỷ, dẹp trừ chướng nạn đều là những việc thông thường của ngài.

 

C. BẤT KHÔNG (AMOGHAVAJRA 705-774):
Ông là đệ tử xuất sắc của Kim Cang Trí, người Bắc Ấn, thọ Sa-di10 năm 15 tuổi và đến Quảng Đông cùng với thầy, là người mà ông hầu đến tận Lạc Dương và thọ đại giới năm 20 tuổi. Trong 12 năm, ông đã thâm hiểu cả giáo tướng và sự tướng11 của Mật Giáo. Sau khi đắc pháp12 với ngài Kim Cang Trí, ông còn theo học với ngài Thiện Vô Úy về Thai Tạng Giới Mandala. Sau khi thầy mất, ông còn trở về Ấn Độ tìm thỉnh thêm nhiều kinh điển, tham vấn các bậc cao tài về Mật Giáo tại Thiên Trúc. Sau ông còn du hành sang Tích Lan gặp được ngài Long Trí A-xà-lê, thỉnh thêm kinh Du-già 18 hội pháp… Lần khác ông còn sang Tích Lan cùng với các đệ tử, cả thảy 37 người và tìm đến Pháp Sư Phổ Hiền (SAMANTABHADRA) để nghiên cứu về giáo lý của Kim Cang Đảnh Du-già (VAYRA-SEKHARA-YOGA) và Đại Nhật Thai Tạng (MAHAVAIROCANA-GHARBHAKUSA) ông trở về Tràng An vào dịp này với một số kinh điển phong phú.


Bất Không (Amoghavajra)
Bất Không là Quốc sư của 3 triều vua: Huyền Tôn, Túc Tôn và Đại Tôn. Ông dịch cả thảy 110 bộ kinh, gồm 143 quyển, trong đó có bộ quan trọng nhất là Kim Cang Đảnh. Đó là bộ kinh mà giáo sư Ý TUCCI và giáo sư ONO người Nhật tình cờ phát kiến13 đồng thời. Giáo sư TUCCI tìm thấy ở Tây Tạng bản Phạn văn và giáo sư ONO, khám phá ra tại Nhật Bản chú giải kinh đó bằng tranh ảnh, được Trí Chứng Đại Sư người Nhật mang từ Trung Hoa về từ năm 853. Dịp may khám phá này của hai giáo sư danh tiếng đã minh định14 cho sự đồng nhất của Mật Tông tại các nước Trung Hoa, Tây Tạng và Nhật Bản.

Ngài Bất Không truyền pháp cho 5 vị đệ tử: Hàm Quang, Huệ Lảng, Đàm Trinh, Giác Siêu, Huệ Quả. Sau đó Huệ Lảng truyền cho Thiên Trúc, Trúc Truyền, Đức Mỹ, Huệ Cẩn, cư sĩ Triệu Chánh. Huệ Quả truyền cho Nghĩa Quán, Chí Thanh, Nghĩa Tháo và Không Hải, một Đại sư người Nhật, sau về nước truyền giáo rất mạnh.

 

D. NHẤT HẠNH (ICHIGYO 683-727):
Ông là đệ tử của Thiện Vô Úy, tinh thông về Tam Luận15, Thiền, Thiên thai16 và lịch số17, từng giúp Thiện Vô Úy dịch kinh Đại Nhật. Nhờ nghe thầy giảng, Nhất Hạnh trước tác một bản sớ về kinh này, gọi là “Đại Nhật Kinh Sớ”, bản sớ giải kinh Đại Nhật, gồm 20 quyển, được xem là Mật Giáo yếu điển18 sau này. Vì ông là học giả uyên thâm về Thiên Thai Giáo, nên bản sớ giải của ông được xem như chứa đựng rất nhiều giáo nghĩa Thiên Thai. Bản thảo lưu truyền chưa được tu chỉnh, sau cùng được Trí Nghiễm, đệ tử của Thiện Vô Úy và Ổn Cổ, đệ tử của Kim Cang Trí, hiệu đính và đặt tựa lại là “Đại Nhật Kinh Nghĩa Thích”.


Nhất Hạnh (Ichigyo)

 

Đông Mật19 vẫn y theo bản kinh chưa được tu chỉnh, trong lúc Thai Mật19 lại dùng bản được hiệu đính này.

Nhất Hạnh theo học cả với 2 vị pháp sư Ấn Độ, Thiện Vô Úy và Kim Cang Trí và được cả hai truyền cho các nghi quỹ về Kim Cang Giới (VAJRADHATU) và Thai Tạng Giới (GARBHAKOSA), nhưng có người cho rằng ông coi Kim Cang Giới quan trọng hơn.

Nhất Hạnh là một nhà bác học, trí tuệ cao siêu, ông đã từng được vua Đường Huyền Tôn phong làm Quốc sư lúc bấy giờ. Đồ biểu sau đây sẽ chỉ rõ hệ thống truyền thừa tại Trung Hoa:

 

ĐỨC PHẬT ĐẠI NHẬT
KIM CANG TÁT ĐỎA
LONG THỌ BỒ TÁT
LONG TRÍ BỒ TÁTTHAI TẠNG GIỚI
1. Thiện Vô Úy (637-735)2. Nhất Hạnh __________________________________ 2. Bất Không
3. Nghĩa Lâm ________________________________ 3. Huyền Chiếu
4. Thuận Hiểu ___________________________________ 4. Huệ Quả
5. Truyền Giáo Đại Sư (Nhật) _________ 5. Hoằng Pháp Đại Sư (Nhật)KIM CANG GIỚI
1. Kim Cang Trí (663-723)2. Bất Không __________________________________ 2. Nhất Hạnh
3. Nghĩa Tháo ___________________________________ 3. Huệ Quả
4. Nghĩa Chân ____________________ 4. Truyền Giáo Đại Sư (Nhật)
5. Từ Giác Đại Sư (Nhật) __________________________ 5. Huệ Tắc
__________________________________________ 6. Nguyên Chánh

(còn tiếp)

Chia Sẻ bài Viết
0 0 votes
Article Rating
Nhận Thông Báo
Thông báo khi
0 Comments
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận