Giáo tướng và Sự tướng của Mật Tông ở Trung Hoa được mang về Nhật Bản do 4 vị Đại sư và những vị khác. Ngay từ đó Mật Giáo được tổ chức và hệ thống hóa hoàn bị1 nhờ bàn tay tài tình của Không Hải (KUKAI), tức Hoằng Pháp Đại Sư (KOBO) tại Cao Dã Sơn (KOYOSAN). Hoằng Pháp Đại Sư, tổ sư của Chơn Ngôn Tông tại Nhật. Ông là nghệ sĩ đầu tiên và lỗi lạc nhất về điêu khắc và thư pháp. Thể cách văn học của ông được ngưỡng mộ ở cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản. Mật Tông hay Kim Cang Thừa có thể tiêu biểu nơi Hoằng Pháp Đại Sư, là người tập thành2 toàn bộ Mật Giáo tại Nhật. Để tìm hiểu vị trí của Mật Giáo cần lược khảo lịch sử của Phật giáo trong quá trình văn minh do Phật pháp mang đến cho xứ này.
1. PHẬT GIÁO NHẬT BẢN:
Phật giáo được truyền vào Nhật Bản từ Triều Tiên vào năm 552 hay 538. Đầu Tây lịch, khi vua KUDARA cống hiến Khâm Minh Thiên Hoàng (KIMMEI) một tượng Phật Thích-ca bằng đồng cùng một số kinh điển và đạo cụ. Khoảng 50 năm sau khi du nhập chính thức, Thánh Đức Thái tử (574-622) lên ngôi nhiếp chính và Ngài đã xây nhiều ngôi chùa mỹ lệ ở Nại Lương (NARA) và vùng phụ cận, trong số đó có chùa HORYYUJI (Pháp Long Tự) nay vẫn còn tồn tại. Thái tử lại là một đại học giả và đã sớ thích3 nhiều bản kinh như Pháp Hoa (PUNDARIKA), kinh Thắng Man (SRIMALA) và kinh Duy-ma-cật (VIMALAKIRTI).
Phật giáo thời này chưa chia thành các tông phái rõ rệt như ngày nay. Nhưng có đến 6 trường phái đã phát huy trong thời Nại Lương (NARA). Đó là: A-tỳ-đạt-ma câu xá (Kusha), Thành thật (Jojisu), Pháp Tướng (Hosso), Tam luận (Sanron), Luật (Ritsu), Hoa Nghiêm (Kegon). Tất cả đều là những sản phẩm bác học, một nền triết học mới, một khoa học mới, một tôn giáo mới, một văn hóa mới và là kho tàng vô tận cho những động lực nghệ thuật. Chùa Phật là các trường học, bệnh viện, thí dược viện, cô nhi viện, dưỡng lão viện mà chư tăng là các nhân viên điều hành và tất cả chi phí đều do nhà vua tài trợ. Có lẽ sự trưởng thành của Phật giáo, trong thời buổi đầu đã được nuôi dưỡng quá lãng phí và quá hời hợt. Vào thế kỷ thứ VIII nó trở thành gánh nặng cho quốc gia. Phần các tăng ni được đặc ân lại đã tỏ ra quá ích kỷ. Phần trong đạo giáo, những cái chính yếu bị hy sinh cho những cái thứ yếu được trưng bày ra. Nên đã đến lúc Phật giáo phải được chuyển hướng. Phật giáo Nại Lương (NARA) phải được thay thế bởi Phật giáo Bình An (HELAN).
Cuối thế kỷ thứ VIII, Hoàng Vũ Thiên Hoàng (KWAMMU) thiên đô4 từ Nại Lương (NARA) đến kinh đô Tokyo. Trái với truyền thống từ trước, Ngài bỏ lại tất cả những đền đài ở Nại Lương và cho thiết lập những đền đài mới trên núi “Tỉ Duệ” (HIEI) ở về phía nam kinh đô. Những nhà lãnh đạo mới Phật giáo, Truyền Giáo Đại Sư và Hoằng Pháp Đại Sư, 2 ngôi sao lớn nhất, sáng chói, đã tiến bước lên vũ đài. Mật Giáo khởi đầu hưng thịnh.
2. MẬT TÔNG TẠI NHẬT:
Ở tại Nhật có đến 2 phái Mật Giáo: Thai Mật (TAIMISU) được truyền từ Thiên Thai Tông bởi Truyền Giáo Đại Sư và Chơn Ngôn Tông được truyền vào Đông Tự (TOJI) bởi Hoằng Pháp Đại Sư. Cả 2 không khác nhau lắm, nhưng về sự tướng thực hành thì Đông Mật là một tông phái đặc biệt vì nó phổ biến hơn Thai Mật; còn về Giáo Tướng thì không có gì khác nhau giữa hai phái cả. Thí dụ cả hai cùng đồng quan niệm về Phật Thích-ca và Đại Nhật và thêm nữa trong việc áp dụng lý thuyết này vào Thần Đạo (SHINTO) ở Nhật. Học giả tham khảo về sự liên hệ giữa Thần Đạo và Phật giáo cần thông rõ điều này, vì từ ngữ Thần Đạo như Lương Bộ (RYOBU) và Nhất Chân (ICHIJTSU) bắt nguồn từ sự sai biệt về tư tưởng của 2 phái Mật Tông này.
A. THAI MẬT.
Truyền Giáo Đại Sư (DENGYODAISHI 767-823) là sơ tổ của Thai Mật. Khách đến thăm Kyoto sẽ dễ dàng nhận ra ngọn núi Tỉ Duệ (HIEI) đứng ở đầu, vì nó cao nhất, sừng sững ở phía đông của đô thị. Đó là vị trí được Truyền Pháp Đại Sư chọn để thiết lập Thiên Thai Tông của Phật giáo, còn được gọi tại Nhật là Thai Mật. Ngài là một trong những nhà tu Phật đầu tiên nhận chân được những nguy hiểm của đời sống đô thị, mà những người đi trước ngài thụ hưởng quá nhiều. Ngài không những là một bậc thầy thông suốt nền triết lý rắc rối của Thiên Thai Tông mà còn là một học viên sâu sắc về các nghi điển thần bí của Mật Giáo Trung Hoa và phép tu thiền định. Tham vọng của ngài là dung hội hết thảy các tông phái của đạo Phật thịnh hành đương thời. Tất cả những phái mới của đạo Phật sau này trong thời Kiếm Thương (KAMAKURA) có thể tìm thấy dấu vết trên núi Tỉ Duệ, thủ phủ của Truyền Giáo Đại Sư. Truyền Giáo hình như quá tách biệt với thế gian, Tỉ Duệ vẫn cô liêu dù ở gần thị tứ. Những tông phái cũ của triều đại Nại Lương cố nhiên là những đối thủ của các nhà lãnh đạo mới, không chỉ vì lý do tình cảm mà còn cả về những tông chỉ sai biệt. Truyền giáo thuộc Thiên Thai Tông chủ truyền đường lối Nhất Thừa5 của kinh Pháp Hoa trong khi các tông phái bảo thủ cũ lại theo tông chỉ Pháp Tướng (YOGACARA), bất đồng ý về việc quy nguyên6 Thanh văn7, Duyên giác8 và Bồ-tát thừa9 vào một thừa duy nhất của kinh Pháp Hoa.
Hoằng Pháp Đại Sư thuộc một mẫu thiên tài khác. Ông là người đa tài nhất trong số các vĩ nhân: một học giả uyên áo10, một nhà khổ tu, một du khách lịch lãm, một nghệ sĩ lỗi lạc, một người hoạt bát và một tay thư pháp cừ khôi. Chủ đích nghiên cứu của ông là kinh Đại Nhật (MAHAVAIROCANA SUTRA) và kinh Kim Cang Đảnh (VAJRASEKHARA SUTRA). Đó là hai khóa bản11 lớn của Chơn Ngôn Tông. Ở Trung Hoa, ngài là môn đệ của Huệ Quả (KEIKNA) và kế thừa làm đệ Bát tổ của Chơn Ngôn Tông ở Trung Hoa và là sơ tổ của Mật Tông tại Nhật. Khi về nước ngài đã chọn Cao Dã Sơn (KOYASAN) làm thủ phủ cho chơn ngôn Mật Giáo tại Nhật. Ngài thích có một tăng viện trong các núi non nhưng lại vẫn giữ mối liên lạc với thế gian một cách chặt chẽ. Đông Tự (TOJI) ở phía nam Kyoto thường là nơi ghi lại những dấu chân của ngài tại Kinh Đô. Cao Dã Sơn hoàn toàn là một địa điểm không thể đến so với núi Tỉ Duệ của Truyền Giáo, nhưng khách hành hương tụ hội về đó mỗi năm nhiều biết mấy! Núi ấy trong khi đó ở tại vùng xa xôi của một thành phố nhỏ. Tiểu sử linh diệu của Hoằng Pháp Đại Sư thường được nhiều người hâm mộ. Ngài sanh năm 774, thuộc con nhà quý tộc. Ông là một người hay lạ, huyền bí, khác phàm vừa là một nhà triết học, mỹ thuật, thông thái vừa lại nổi tiếng về các phép thần thông. Có nhiều việc linh do chính tay người làm. Trong lúc mới tu, còn ở trong thời kỳ Sa-di Ngài đã từng chống cự với đám quỷ đến phá Ngài. Lần khác ở tại mũi biển xứ MURATO, có một đám rồng ở dưới nước hiện lên khuấy Ngài trong khi thiền định. Ngài liền niệm chơn ngôn mà đuổi chúng nó và thâu ánh sáng của vì sao hôm vào miệng và phun lên mình bọn rồng đó. Dịp khác, Ngài ngồi nhập định tại một cái Am do Ngài tự cất, một đám hung thần liền đến làm rộn Ngài, liền khi ấy Ngài vẽ một vòng phép, rồi Ngài ngồi điềm nhiên trong ấy, bọn hung thần chẳng làm chi được và không thể lướt vào. Nhiều khi trong óc của Ngài đã chế ra nhiều kiểu vòng phép, nhiều lá linh phù sử dụng rất hiệu quả. Buổi thiếu niên, cũng như các thanh niên quý tộc khác, Ngài vào học trường đại học để sau này ra làm quan. Nơi ấy Ngài chịu ảnh hưởng tinh thần đạo Khổng. Song Khổng Giáo với phong hóa12 lễ nghĩa chẳng vừa với cái tâm của Ngài. Ấy là cái tâm muốn thấu qua kinh tạng Phật và cõi đời đặng đạt đến cái chỗ ẩn mật của tư tưởng Phật và cuộc thần bí13 bao giăng chung quanh con người.
Kế đó Ngài học qua Lão giáo, tự học lấy một cách sốt sắng chớ chẳng cần tới thầy. Thấy Lão Tử rõ thông nhiều chỗ sâu thẳm huyền bí, Ngài ngụ ý mà biết một cách quả quyết rằng mỗi vật đều có hai bề. Một bề ngoài và một bề trong, một bề Hiển và một bề Mật, một cái chơn lý phát hiện và một cái chơn lý ẩn nhẹm. Tư tưởng của Phật cũng ở trong cái luật ấy. Các nhà thành đạo là những người đã đứng vào mặt trong. Sức mạnh của các Ngài dầu lớn, song chưa đủ giải thoát cho loài người. Vậy các Ngài nương lấy tông Chơn ngôn mà cứu nhân độ thế và dùng các phương tiện dẫn độ, những cuộc hành lễ mà đưa sự huyền diệu anh linh trong vũ trụ vào tâm của mọi người. Năm 24 tuổi, Hoằng Pháp giác ngộ sau nhiều cuộc trầm tư mặc tưởng, nhân một hôm nhập định phép Đại Hải Tam-muội14, Ngài thấy Phật hiện đến cho Ngài.
Năm 804, Ngài sang Tàu thọ lãnh chơn truyền, nối dây liên lạc của chư Tổ từ Đức Thế Tôn. Lần gặp Ngài đầu tiên, Huệ Quả Thất Tổ Chơn Ngôn Tông dạy rằng: “Ta chờ ngươi đã lâu”. Bốn tháng sau, Tổ ban phép Quán Đảnh cho Hoằng Pháp và nói rằng: “Đức Thế Tôn truyền đạo cho Đức Kim Cang, Đức Kim Cang truyền đạo cho Ngài Long Thọ, truyền nối như vậy mãi đến ta; ta nay thấy ngươi đáng thọ pháp, nên ta truyền cho ngươi để ngươi về phổ độ nơi quê hương.”
Năm 806, Hoằng Pháp trở về Nhật. Được nhà vua khuyến khích, Ngài liền lập một tu viện tại Cao Dã Sơn để hoằng hóa15 Chơn Ngôn Tông. Ngài truyền bá học thuyết Chơn Ngôn và độ thế rất mạnh. Danh tiếng của Ngài thật lẫy lừng.