Mục Kiền Liên (Mahā-Moggallāna) là một trong mười đại đệ tử xuất sắc của Phật Thích Ca, được biết đến với danh hiệu “Đệ nhất thần thông”. Ngài nổi tiếng với những khả năng phi thường trong việc vận dụng thần thông để giáo hóa và giúp đỡ chúng sinh, cũng như đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và truyền bá giáo pháp.
Phật bảo Đại Mục Kiền Liên rằng:
– Ông đến thăm bịnh ông Duy Ma Cật.
Mục Kiền Liên bạch Phật:
– Bạch Thế Tôn! Con không kham lãnh đến thăm bịnh ông. Vì sao? – Nhớ lại trước kia, con vào trong thành Tỳ-Da-ly, ở trong xóm làng, nói pháp cho các hàng cư-sĩ nghe, lúc ấy, ông Duy Ma Cật đến bảo con rằng:,
Nầy ngài Đại Mục Kiền Liên, nói pháp cho bạch-y-cư-sĩ, không phải như ngài nói đó. Vả chăng nói pháp phải đúng như pháp (xứng tánh) mà nói, pháp không chúng-sanh, lìa chúng-sanh cấu; pháp không có ngã, lìa ngã cấu; pháp không có thọ mạng, lìa sanh-tử; pháp không có nhơn, làn trước làn sau đều dứt; pháp thường vắng lặng, bặt hết các tướng; pháp lìa các tướng, không phải cảnh bị duyên; pháp không danh-tự, dứt đường ngôn-ngữ; pháp không nói năng, lìa giác-quán; pháp không hình tướng, như hư-không; pháp không hí-luận, rốt-ráo là không; pháp không ngã-sở, lìa ngã-sở; pháp không phân-biệt, lìa các thức; pháp không chi so sánh, không có đối đãi;
pháp không thuộc nhân, không nhờ duyên; pháp đồng pháp tánh, khắp vào các pháp; pháp tùy nơi như, không có chỗ tùy; pháp trụ thật-tế, các bên (hữu, vô, thường, đoạn), không động được, pháp không lay động, không nương sáu trần; pháp không tới lui, thường không dừng, (trụ); pháp thuận Không, tùy Vô-Tướng, ứng Vô-Tác; pháp lìa tốt xấu; pháp không thêm bớt; pháp không sanh diệt; pháp không chỗ về; pháp ngoài mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; pháp không cao thấp; pháp thường trụ không động; pháp lìa tất cả quán hạnh. Thưa ngài Đại Mục Kiền Liên! Pháp tướng như thế, đâu có thể nói ư?
Vả chăng người nói pháp, không nói không dạy, còn người nghe, cũng không nghe không được, ví như nhà huyễn-thuật nói pháp, cho người huyễn-hóa nghe, phải dụng tâm như thế mà nói pháp, phải biết căn cơ của chúng-sanh có lợi độn. Khéo nơi tri-kiến, không bị ngăn ngại, lấy tâm đại-bi, ngợi khen pháp Đại-thừa, nghĩ nhớ đền trả ơn phật, chớ để ngôi Tam-bảo dứt mất, như vậy mới nên nói pháp.