Mến chào các bạn,
Mật Phước Tự xin giới thiệu với quý đạo hữu, bài giảng của Thầy Quảng Nghệ, về Phẩm Văn Thù Sư Lợi Thăm Bịnh, trong kinh Duy Ma Cật.
Sau đây là bản sách nói, từ bản chép tay của Thầy Quảng Nghệ. Kính mời quý đạo hữu cùng lắng nghe.
Lúc bấy giờ, Phật bảo Văn-Thù-Sư-Lợi:
– Ông đi đến thăm bịnh ông Duy-Ma-Cật.
Văn-Thù-Sư-Lợi bạch Phật:
– Bạch Thế-Tôn! Bực Thượng-nhơn kia khó bề đối đáp, vì ông ấy rất thâm đạt thật-tướng, khéo nói pháp mầu, trí-tuệ vô ngại, biện tài thông-suốt, rõ thấu phương-pháp tu trì của tất cả Bồ-tát, thâm nhập kho tạng bí mật của chư Phật, hàng phục các ma. Thần thông tự-tại và trí-tuệ phương tiện đều đặng rốt ráo. Tuy thế, con xin vưng Thánh-chỉ của Phật đến thăm bịnh ông.
Lúc ấy, Trưởng-giả Duy-Ma-Cật thầm nghĩ:
“Nay đây Ngài Văn-Thù-Sư-Lợi cùng đại-chúng đồng đến viếng thăm, ông liền dùng sức thần thông làm cho trong nhà trống rỗng không có vật chi và cũng không có người thị-giả nào, chỉ để một chiếc giường cho ông nằm bịnh”.
Ngài Văn-Thù-Sư-Lợi vào nhà ông Duy-Ma-Cật rồi, thấy trong nhà trống rỗng không có vật chi, chỉ có một mình ông nằm trên giường mà thôi. Khi ấy ông Duy-Ma-Cật chào rằng:
– Quí quá thay! Ngài Văn-Thù-Sư-Lợi mới đến! Tướng không đến mà đến, tướng không thấy mà thấy.
Ngài Văn Thù Sư Lợi nói:
Phải đấy, cư sĩ! Nếu đã đến tức là không đến, nếu đã đi tức là không đi. Vì sao? Đến không từ đâu đến, đi không đến nơi đâu, hễ có thấy tức là không thấy. Thôi việc ấy hãy để đó – Cư-sĩ bịnh có chịu nổi được không? Điều-Trị có bớt không? Bịnh không đến nỗi tăng ư? Thế-Tôn ân cần hỏi thăm chí xiết. Bịnh cư-sĩ nhơn đâu mà sanh, sanh đã bao lâu, phải thế nào mới mạnh được?…
Ông Duy-Ma-Cật đáp:
Từ nơi si mà có ái, bịnh tôi sanh, vì tất cả chúng-sanh bịnh, nên tôi bệnh. Nếu tất cả chúng-sanh không bịnh, thì bịnh tôi lành. Vì sao? Bồ-tát vì chúng sanh mà vào đường sanh-tử, hễ có sanh-tử thời có bịnh, nếu chúng sanh khỏi bịnh, thì Bồ tát không có bịnh. Ví như ông Trưởng giả chỉ có một người con, hễ người con bịnh, thì cha mẹ cũng bịnh, nếu bịnh của con lành, cha mẹ cũng mạnh. Bồ-tát cũng thế! Đối với tất cả chúng sanh, thương mến như con, nên chúng-sanh bịnh, Bồ-tát cũng bịnh, chúng-sanh lành, Bồ-tát cũng lành – Ngài lại hỏi bịnh ấy nhơn đâu mà sanh? Bồ tát có bịnh là do lòng đại-bi.
Ngài Văn-Thù Sư-Lợi hỏi:
– Cư-sĩ! Nhà này vì sao trống không và không có thị-giả?
Ông Duy-Ma-Cật đáp:
– Cõi nước của chư Phật cũng đều không
– Lấy gì làm Không?
– Lấy không làm Không.
– Đã không, cần gì phải Không?
– Vì Không Phân-biệt, nên Không.
– Không, có thể phân-biệt được ư?
– Phân biệt cũng Không.
– Không, phải tìm nơi đâu?
– Phải tìm trong sáu mươi hai món Kiến-chấp.
– Sáu mươi hai món Kiến-chấp phải tìm nơi đâu?
– Phải tìm trong các pháp giải thoát của chư Phật.
– Pháp giải-thoát của chư phật phải tìm nơi đâu?
– Phải tìm nơi tâm hạnh của tất cả chúng-sanh. Ngài lại hỏi vì sao không thị giả?
– Tất cả chúng ma và các ngoại-đạo đều là thị-giả của tôi. Vì sao? Vì các ma ưa sanh-tử, mà Bồ-tát ở nơi sanh-tử không bỏ. Còn ngoại đạo ưa các Kiến-chấp, mà Bồ-tát ở nơi các Kiến-chấp không động.
Ngài Văn-Thù Sư-Lợi hỏi:
– Bịnh của Cư-sĩ tướng trạng thế nào?
Ông Duy-Ma-Cật đáp:
– Bịnh của tôi không hình, không tướng, không thể thấy được.
– Bịnh ấy hiệp với thân hay hiệp với tâm?
– Không phải hiệp với thân, vì thân tướng vốn lìa, cũng không phải hiệp với tâm, vì tâm như huyễn.
– Địa-đại, thủy-đại, phong-đại, hỏa-đại, trong bốn đại bịnh về đại nào?
– Bịnh ấy không phải địa đại, cũng không lìa địa đại, thủy, hỏa, phong đại cũng như thế. Nhưng bệnh của chúng-sanh là từ nơi tứ-đại mà khởi, vì chúng-sanh bịnh nên tôi có bịnh.
Khi ấy ngài Văn-Thù Sư-Lợi hỏi ông Duy-Ma-Cật.
– Phàm Bồ-tát an ủi Bồ-tát có bịnh như thế nào?
Ông Duy-Ma-Cật đáp:
– Nói thân vô thường, không nói nhàm chán thân, nói thân có khổ, không nói ưa thích Niết-bàn. Nói thân Vô-ngã mà khuyên dạy dìu dắt chúng-sanh. Nói thân không tịch, không nói là rốt ráo tịch-diệt. Nói ăn năn tội trước, không nói vào nơi quá-khứ. Lấy bịnh mình mà thương bịnh người. Phải biết cái khổ vô số kiếp trước, phải nghĩ sự lợi ích cho tất cả chúng-sanh, nhớ đến việc làm phước, tưởng đến sự sống trong sạch, chớ nên sanh tâm buồn rầu, phải thường Khởi lòng tinh-tấn, nguyện sẽ làm vị y-vương điều-trị tất cả bịnh chúng sanh. Bồ-tát phải an ủi Bồ-tát có bịnh như thế để cho được hoan-hỷ.
Ngài Văn-Thù Sư-Lợi hỏi:
– Cư-sĩ! Bồ-tát có bịnh phải điều-phục tâm mình như thế nào?
Ông Duy-Ma-Cật đáp:
– Bồ-tát có bịnh phải nghĩ thế này: ta nay bịnh đây đều từ các món phiền-não, điên-đảo vọng-tưởng đời trước ra, là pháp không thật có, lấy ai chịu bịnh đó. Vì sao? Vì tứ-đại hòa-hợp giả gọi là thân, mà tứ-đại không chủ, thân cũng không ngã. Lại nữa, bịnh này khởi ra đều do chấp ngã, vì thế ở nơi ngã không nên sanh lòng chấp đắm. Đã biết gốc bệnh, trừ ngay ngã-tưởng và chúng-sanh tưởng, phải khởi pháp tưởng. Nên nghĩ rằng: “Thân này chỉ do các pháp hiệp thành, khởi chỉ là pháp khởi, diệt chỉ là pháp diệt. Lại các pháp ấy đều không biết nhau, khi khởi không nói nó khởi, khi diệt không nói nó diệt”. Bồ-tát có bịnh muốn trừ diệt pháp-tưởng phải tưởng phải nghĩ rằng: “Pháp-tưởng này là điên đảo, điên đảo tức là bịnh lớn, ta nên xa lìa nó” – Thế nào là xa lìa? Lìa ngã và ngã-sở – Thế nào là lìa ngã và ngã-sở? Là lìa hai pháp – Thế nào là lìa hai pháp? Là không nghĩ các pháp trong, ngoài, mà thật-hành theo bình-đẳng – Sao gọi bình đẳng? Là ngã bình đẳng, niết-bàn bình đẳng. Vì sao? Ngã và Niết-bàn hai pháp đều không – Do đâu mà không? Vì do Văn-tự nên không. Như thế, hai pháp không có tánh quyết định. Nếu đặng nghĩa bình-đẳng đó thì không bịnh chi khác, chỉ còn có bịnh không, mà bịnh không cũng không nữa. Vì Bồ tát có bịnh dùng tâm Không Thọ mà thọ các món thọ, nếu chưa đầy đủ Phật-pháp cũng không diệt thọ mà thủ chứng (như Nhị Thừa). Dù thân có khổ, nên nghĩ đến chúng-sanh trong ác-thú mà khởi tâm đại-bi. Ta đã điều-phục được Tâm ta, cũng nên điều-phục cho tất cả chúng sanh. Chỉ trừ bịnh (chấp) mà không trừ pháp, dạy cho dứt trừ gốc bịnh – Sao gọi là gốc bịnh? Nghĩa là có phan-duyên, do có phan-duyên mà thành gốc bịnh. Phan-duyên nơi đâu? Ở trong ba cõi – Làm thế nào đoạn Phan-duyên? Dùng Vô-sở-đắc; nếu vô-sở-đắc? Nghĩa là ly hai món chấp – Sao gọi là món chấp? Nghĩa là chấp trong và chấp ngoài; ly cả hai đó là vô-sở-đắc – Ngài Văn-Thù Sư-Lợi! Đó là Bồ tát có bịnh, điều-phục tâm mình để đoạn các khổ: già, bịnh, chết là Bồ đề của Bồ Tát. Nếu không như thế chỗ tu hành của mình không được trí-tuệ thiện lợi. Ví như người chiến thắng kẻ oán tặc mới là dõng, còn vị nào trừ cả già bịnh, chết như thế mới gọi Bồ-tát. – Bồ tát có bịnh nên nghĩ thêm thế này: “Như bịnh của ta đây, không phải thật, không phải có; bịnh của chúng-sanh cũng không phải thật, không phải có”. Khi quán-sát như thế, đối với chúng-sanh nếu có khởi lòng đại-bi ái kiến, thì phải bỏ ngay. Vì sao? Bồ-tát phải trừ dứt khách-trần phiền não mà khởi đại-bi chớ đại-bi ái-kiến đối với sanh-tử có tâm nhàm chán, nếu lìa được ái-kiến thì không tâm nhàm chán, sanh ra nơi nào không bị ái-kiến che đậy, không còn bị sự ràng buộc, lại nói pháp cởi mở sự ràng buộc cho chúng-sanh nữa. Như Phật nói: “Nếu mình bị trói mà mở trói cho người khác, không thể được; nếu mình không bị trói mới mở trói cho người khác được”. Vì thế, Bồ-tát không nên khởi những sự ràng buộc – Sao gọi là ràng buộc? Sao gọi là giải thoát? Tham đắm nơi thiền vị là Bồ-tát bị ràng buộc. Dùng phương tiện thọ sanh là Bồ tát được giải thoát, lại không có phương-tiện-huệ thì buộc, có phương-tiện-huệ là giải. Sao gọi không có phương-tiện-huệ thì buộc? Bồ-tát dùng ái-kiến trang-nghiêm Phật-độ, thành-tựu chúng-sanh, ở trong pháp “Không, vô-tướng, vô-tác” mà điều-phục lấy mình, đó là không có phương-tiện huệ thì buộc. – Sao gọi có phương-tiện-huệ thì giải? Bồ-tát không dùng ái-kiến trang-nghiêm Phật-độ, thành-tựu chúng-sanh, ở trong pháp “Không, vô-tướng, vô-tác”, điều phục lấy mình, không nhàm chán mỏi mệt, đó là phương-tiện-huệ thì giải – Sao gọi không có huệ phương-tiện thì buộc? Bồ-tát trụ nơi các món phiền não, tham dục, sân-hận, tà-kiến.v.v. mà trồng các cội công-đức, đó là không có huệ-phương-tiện thì buộc – Sao gọi có huệ-phương-tiện thì giải? Là xa lìa các thứ phiền-não, tham-dục, sân-hận-tà-kiến v.v. mà vun trồng các cội công-đức, hồi hướng Vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác, đó là có huệ-phương-tiện thì giải – Ngài Văn-Thù Sư-Lợi! Bồ-tát có bịnh đấy, phải quán-sát các pháp như thế (quán phi chơn, phi hữu…). Lại nữa, quán thân vô-thường, khổ, không, Vô-ngã, đó là “huệ”. Dù thân có bịnh vẫn ở trong sanh-tử làm lợi-ích chúng-sanh không nhàm mỏi, đó là “phương tiện”. Lại nữa quán thân: Thân không rời bịnh, bịnh chẳng rời thân, bịnh này, thân này, không phải mới, không phải cũ, đó là “Huệ”. Dù thân có bịnh mà không nhàm chán trọn diệt-độ, đó là “phương-tiện”.
Ngài Văn-Thù Sư-Lợi! Bồ-tát có bịnh nên điều-phục tâm mình như thế, mà không trụ trong đó, cũng không trụ nơi tâm không điều-phục. Vì sao? Nếu trụ nơi tâm không điều phục là pháp của phàm phu, nếu trụ nơi tâm điều phục là pháp của Thinh-văn, cho nên Bồ tát không nên trụ nơi tâm điều phục hay không điều phục, lìa hai pháp ấy là hạnh Bồ-tát. Ở trong sanh-tử mà không bị nhiễm-ô, ở nơi niết-bàn mà không diệt độ hẳn là hạnh Bồ tát, không phải hạnh phàm-phu, không phải hạnh Hiền-Thánh là hạnh Bồ tát, không phải hạnh nhơ, không phải hạnh sạch là hạnh Bồ-tát. Tuy vượt khỏi hạnh ma mà hiện các việc hàng phục ma là hạnh Bồ tát. Cầu nhứt-thiết-trí, không cầu sái thời là hạnh Bồ-tát. Dù quán các pháp không sanh mà không vào chánh-vị (chơn như) là hạnh Bồ-tát. Quán mười hai duyên khởi mà vào các tà-kiến là hạnh Bồ-tát. Nhiếp-độ tất cả chúng-sanh mà không mê đắm chấp trước là hạnh Bồ tát. Ưa xa lìa mà không nương theo sự dứt đoạn thân tâm là hạnh Bồ tát. Tuy ở trong ba cõi mà không hoại pháp tánh là hạnh Bồ-tát. Tuy quán “Không” mà gieo trồng các cội công-đức là hạnh Bồ-tát. Dù thật-hành vô-tướng mà cứu độ chúng-sanh là hạnh Bồ tát. Dù thật-hành vô-tác mà quyền hiện thọ thân là hạnh Bồ tát. Dù thật-hành Vô-Khởi mà khởi tất cả hạnh lành là hạnh Bồ-tát. Dù thật-hành sáu pháp ba-la-mật, mà biết khắp các tâm, tâm-sở của chúng-sanh là hạnh Bồ tát. Dù thật-hành sáu pháp thần-thông mà không dứt hết lậu-hoặc (phiền não) là hạnh Bồ-tát. Dù thật-hành bốn tâm vô-lượng mà không tham đắm sanh về Phạm Thế (Phạm-Thiên) là hạnh Bồ-tát. Dù thật-hành thiền-định, giải thoát, tam-muội, mà không theo thiền-định thọ sanh là hạnh Bồ-tát. Dù thật-hành bốn pháp niệm xứ mà không hoàn toàn lìa hẳn thân, thọ, tâm, pháp là hạnh Bồ tát. Dù thật-hành bốn pháp chánh-cần mà không rời thân tâm tinh-tấn là hạnh Bồ-tát. Dù thật-hành bốn pháp như-ý-túc mà đặng thần-thông tự-tại là hạnh Bồ Tát. Dù thật hành năm căn mà phân-biệt rành rẻ các căn lợi độn của chúng-sanh là hạnh Bồ-tát. Dù thật-hành năm lực mà ưa cầu thập lực của Phật là hạnh Bồ-tát. Dù thật-hành bảy pháp giác-chi mà phân biệt rõ-rệt trí tuệ của Phật là hạnh Bồ tát. Dù thật-hành tám pháp chánh-đạo mà ưa tu vô-lượng Phật-đạo là hạnh Bồ-tát. Dù thật-hành các pháp chỉ-quán trợ-đạo mà trọn không thiên hẳn nơi tịch-diệt (niết-bàn) là hạnh Bồ-tát. Dù thật-hành các pháp bất-sanh bất diệt, mà dùng tướng hảo trang-nghiêm thân mình là hạnh Bồ-tát. Dù hiện oai-nghi theo Thinh-Văn, Duyên-Giác mà không rời Phật-pháp là hạnh Bồ tát. Dù tùy theo tướng hoàn toàn thanh-tịnh của các pháp mà tùy theo chỗ sở ứng hiện thân là hạnh Bồ-tát. Dù quán-sát cõi nước của chư Phật trọn vắng lặng như hư-không mà hiện ra rất nhiều cõi Phật thanh-tịnh là hạnh Bồ Tát. Dù chứng đặng quả Phật, chuyển pháp-luân, nhập Niết bàn mà không bỏ đạo Bồ-tát là hạnh Bồ-tát vậy.
Bài giảng đến đây là hết.
Bài Viết Liên Quan
TẬP SAN MẬT PHƯỚC SỐ 9
Độc giả nhấn vào nút bên dưới để xem bản đầy đủ của Tập San Mật Phước Số 9. Xuất...
Bài 88: Thế Nào Là Thành Công?
Học trò tham vấn lão già:“Thế nào mới được gọi là thành công?”Người tu nhìn nhận thành côngSẽ không giống...
Trộm Pháp (Phần 3)
Sau đây cũng là một câu chuyện khác về “trộm pháp” của một anh bạn người Việt Nam mà tôi...
SẤM GIẢNG NGƯỜI ĐỜI (SƯ VÃI BÁN KHOAI)
Vào khoảng năm Tân Sửu (1901) và Nhâm Dần (1902), có một người đàn ông có hình dạng nhỏ bé...
Linh Phù Độ Mạng May Mắn
Tất cả những linh phù này đều có công năng linh dị, những người được Điểm đạo và được Tổ...
Xăm Quan Thánh 38
Xăm Quan Thánh 38: Hạ Hạ 第三十八号簽 下下蛩吟唧唧守孤幃千里懸懸望信歸等得榮華公子到秋冬括括雨霏霏碧仙注不宜問事不宜行九日常憂十日驚一段榮華如一夢俩家覆去總無情 Âm: Cùng ngâm tịch tịch thủ cô vi,Thiên lý huyền huyền vọng...
Xăm Quan Thánh Số 11: Hạ Hạ
Xăm Quan Thánh Số 11: Hạ Hạ 第十一号簽 下下今年好事不番新富貴榮華萃汝身誰道機関難料䖏到頭獨立轉傷神碧仙注作事須宜慎人心隔肚皮用心防算險百事允相宜 Âm: Kim niên hảo sự bất phiên tânPhú quí vinh hoa...
Bài Pháp Số 13: Đại Bồ Tát Duy Ma Cật Thuyết Pháp Cho Bồ Tát Trì Thế
Bồ Tát Trì Thế là một vị Bồ Tát được nhắc đến trong kinh điển Phật giáo, đặc biệt trong...