Tôn giả Tu Bồ Đề (Subhūti) là một trong mười đại đệ tử của Phật Thích Ca. Ngài nổi tiếng với danh hiệu “Đệ nhất giải không” (giỏi nhất về sự hiểu biết và giảng dạy về tính Không). Ngài là một trong những vị đệ tử đã đóng góp rất lớn vào việc truyền bá và phát triển tư tưởng sâu sắc về tánh Không trong Phật giáo.
Phật bảo Tu-Bồ-Đề
– Ông đi đến thăm bịnh ông Duy-Ma-Cật
Tu-Bồ-Đề bạch Phật:
– Bạch Thế-Tôn! Con không kham lãnh đến thăm bịnh ông. Vì sao? Nhớ lại thuở trước, con vào khất-thực nơi nhà ông, lúc đó trưởng-giả Duy-Ma-Cật lấy cái bát của con đựng đầy cơm rồi nói với con rằng: “Thưa ngài Tu-Bồ-Đề! Đối với cơm bình đẳng, thì các pháp cũng bình đẳng, các pháp bình đẳng thì cơm bình đẳng, đi khất thực như thế mới nên lãnh món ăn. Như Tu-Bồ-Đề không trừ dâm nộ si cũng không chung cùng với nó, không hoại thân mình mà theo một tướng, không dứt si ái sanh ra giải thoát, ở tướng ngũ-nghịch mà đặng giải thoát, không mở cũng không buộc, không thấy tứ đế, cũng không phải không thấy tứ đế, không phải đắc quả cũng không phải không đắc quả, không phải phàm phu cũng phải rời phàm-phu, không phải thánh-nhơn, không phải không thánh nhơn, tuy làm nên tất cả các pháp mà rời tướng các pháp, thế mới lấy món ăn. Như Tu-Bồ-Đề không thấy Phật không nghe pháp, bọn lục sư ngoại đạo kia như Phú-Lan-Na-Ca-Diếp, Mạc-Dà-Lê-Câu-Xa-Lê-Tử-San-Xà-Dạ-Tỳ-La-Chi-Tử,
A-Kỳ-Đa-Xý-Xa-Khâm-Ba-La, Ca-La-Cưu-Đà-Ca-Chiên-Diên, Ni-Kiền-Đà-Nhã-Đề Tử là thầy của ngài. Ngài theo bọn kia xuất-gia, bọn lục sư kia đọa, ngài cũng đọa theo, mới nên lấy món ăn. Tu-Bồ-Đề! Nếu ngài vào nơi tà-kiến, không đến bờ giác, ở nơi tám nạn, không được khỏi nạn, đồng với phiền não, lìa pháp thanh-tịnh, ngài được vô-tránh tam-muội, tất cả chúng-sanh cũng được tam-muội ấy, những người thí cho ngài chẳng gọi phước-điền, những kẻ cúng-dường cho ngài đọa vào ba đường ác, ngài cùng với ma nắm tay nhau làm bạn lữ, ngài cùng với các ma và các trần-lao như nhau không khác, đối với tất cả chúng-sanh mà có lòng oán-hận, khinh-báng Phật, chê bai pháp, không vào số chúng (tăng) hoàn toàn không được diệt độ, nếu ngài được như thế mới nên lấy món ăn.
– Bạch Thế-Tôn! Lúc đó con nghe những lời ấy rồi mờ mịt không biết là nói gì, cũng không biết lấy lời chi đáp, con liền để bát lại muốn ra khỏi nhà ông. Ông Duy-Ma-Cật nói: Thưa ngài Tu-Bồ-Đề! Ngài lấy bát chớ sợ! Ý ngài nghĩ sao? Như Phật biến ra một người huyễn hóa và nếu người huyễn-hóa đó đem việc này hỏi ngài, chừng ấy ngài có sợ chăng? – Con đáp: “Không sợ!” Trưởng giả Duy-Ma-Cật lại nói: Tất cả các pháp như tướng huyễn hóa. Ngài không nên có tâm sợ-sệt. Vì sao? Vì tất cả lời nói năng không lìa tướng huyễn-hóa, chí như người trí không chấp văn
tự, nên không sợ. Vì sao thế? – Tánh văn-tự vốn ly, không có văn-tự, đó là giải-thoát. Tướng giải-thoát đó là các pháp vậy”.
Bài giảng đến đây là hết.