CHƯƠNG II: I – LƯỢC SỬ MẬT-TÔNG TÂY-TẠNG

I. LƯỢC SỬ MẬT-TÔNG TÂY-TẠNG

Trước khi Mật Giáo được truyền sang Tây Tạng, dân chúng nơi đây chưa có tôn giáo đứng đắn. Đạo Bon, một tôn giáo có tính cách thấp hèn là nền đạo giáo cổ truyền của dân bản xứ. Thời đó người ta chỉ biết kính trọng và sùng mộ chư thần, kể cả hung thần và ác quỷ. Họ van vái khẩn cầu bất cứ ai để kêu gọi sự giúp đỡ cho những tham dục tối tăm. Các nhà đạo tại đây thì sinh sống bằng cách cho mua bùa, thỉnh phép, lãnh mướn thư phù, ếm đối và có trăm, nghìn cách chước khác nhau mà dối gạt dân ngu và tạo nhiều điều mê tín thấp kém.

Sử Tây Tạng còn ghi lại rằng, vào năm 137 trước D.L., Phật giáo đã bắt đầu được truyền bá vào đây. Nhưng với căn trí thấp thỏi, dị đoan nên dân chúng còn lạt lẽo thờ ơ với đạo Phật. Tại Tây Tạng bấy giờ đã có một ngôi chùa đầu tiên. Nhưng vì giáo thuyết của Phật quá cao siêu khó hành so với căn cơ của phần đông dân chúng và phần thì họ còn ưa chuộng những tham dục thấp hèn, nên công cuộc hoằng hóa Phật pháp tại đây lần đầu đã thất bại.

Kế đó năm 371 sau D.L, có một số nhà truyền giáo khác lại vào Tây Tạng. Các Ông truyền bá đạo lý Từ, Bi, Hỷ, Xả của đạo Phật. Kỳ này cũng chưa được mấy kết quả. Dân chúng tin theo Phật cũng còn rất ít.

Đến thế kỷ thứ 7, vua Tây Tạng SRONG TSAN GAMPO bắt đầu mến mộ Phật pháp, nên phái sứ sang Ấn để tham khảo về Phật giáo, thỉnh kinh và rước chư tăng sang Tây Tạng để giảng giải Phật pháp và dịch kinh chữ Phạn ra tiếng bản xứ.


Tượng Bồ tát Quán Thế Âm tại Nālandā, Ấn Độ, thế kỷ 9

Tương truyền vua nằm chiêm bao thấy Bồ-tát Quan Thế Âm hiện đến nhắc nhở tiền căn, nên từ đó vua dốc lòng theo đạo và muốn Phật pháp được lưu truyền sâu rộng trong xứ. Nhà vua còn có 2 vị hoàng hậu rất mộ đạo, một người là công chúa Bạch Ly người Nê-bạc-nhĩ (NEPALAISE) và một người là công chúa Văn Thánh, con vua Đường Thế Tôn. Cả 2 Bà đều có công lớn trong việc xây dựng nền Phật pháp tại Tây Tạng. Sau này các ngôi chùa ở Tây Tạng đều có thờ vua SRONG TSAN GAMPO và 2 bà hoàng hậu của ông để tưởng niệm công đức hỗ trợ ngôi Tam bảo của các Ngài.

A. PHÁI CỔ MẬT:
Đến thế kỷ thứ 8, vua TI SONG DE TSEN (740-786) có rước về Tây Tạng 2 nhà cao tăng Ấn Độ là ANTARAKSHITA và PADMA-SAMBHAVA.


Đạo Sư Antarakshita

Đạo Sư Padma-Sambhava và tám hóa thân của ông

Hai vị này là những nhà sư đắc đạo vừa có tài biện luận, tuyên truyền Pháp lý vừa có phép thần thông biến hóa cao siêu. Cả hai ông đều làm cho dân chúng và các đạo sĩ bản xứ thủ cựu1 rất kính mộ. Hai Ngài đã truyền bá đạo lý rất đắc lực. Từ đây trở về sau Tây Tạng mới ưng chịu văn minh nhà Phật. Nền học thuật và đạo lý ở trong nước đã được mở mang rất sâu rộng. Lúc đó Trường phái Cổ Mật tông ADIYOGA đã được thành lập. Tông phái này chính thức được sáng lập bởi nhà hiền triết Ấn PADMA-SAMBHAVA vào năm 749. Người Tây Tạng sau này gọi ông là GURU-RIMPOCHE (vị Đạo sư quý báu) hay PADMA JUNGNE (Liên Hoa Sanh). Ngài là một giáo sư danh tiếng về các khoa học thần bí ở viện đại học Nalanda Phật giáo. Được lời mời của nhà vua, ông đến Samye Tây Tạng vào năm 747 và lập một tu viện ở đó, dạy những giáo lý Mật Thừa của Đại thừa cho người Tây Tạng.

Nước Tây Tạng được tấn bộ rất nhiều, Phật lý được đa số dân chúng học hỏi, tinh thần đạo đức của dân chúng phát triển rất cao, văn minh học thuật trong nước tiến bộ nhanh chóng. Cứ như vậy trải qua thời gian hơn 500 năm, nước Tây Tạng đã tiến hóa rất nhiều nhờ ảnh hưởng của đạo Phật.

B. PHÁI HOÀNG MẠO (MADHYAMIKA)
Vào thế kỷ 14, một nhà sư đứng ra cải cách nền đạo. Ngài tên là TSONGKHAMPA, quê ở tỉnh Am Đô, miền bắc nước Tây Tạng. Kể từ khi đạo Phật hưng thịnh kéo dài đến 500 năm, nhất là trong một trăm năm sau cùng, đạo Phật càng lúc càng suy vi đến mức độ lo ngại. Tăng lúc bấy giờ không giữ mình trong sạch, bận bịu với đoàn thê nhi. Họ ít tham thiền, tưởng đạo mà trong Phật pháp nhờ có tham thiền con người mới được thông minh giải thoát. Thay vì để tâm vào đạo, họ chuyên về phù phép, ếm quỷ, trừ tà, vẽ bùa, vấn niệt, xem vận mạng, đoán thiên cơ, không phải nương phương tiện khéo để cứu nhân độ thế, cảm hóa lòng người mà lại dùng chước tà mê muội người thế để thiên hạ nể sợ, khẩn cầu và cúng dường, biến giáo pháp của Như Lai thành tín điều huyễn hoặc. Nhà sư thì như thế, còn cư sĩ thì kém học, lầm lạc, tham lam, bạc nhược. Thật là kẻ tăng và người tục đều làm sai lạc đạo lý của Đức Thích Tôn.


Đạo Sư Tsongkhampa

Thấy tình hình nhà Phật tiêm nhiễm lắm sự mê muội, mờ ám, Ngài TSONGKHAMPA tự mình suy xét và nẩy ý chỉnh đốn, quyết ra tay dẫn dắt kẻ tăng, người tục trở về với chánh giáo. Ngài khuyên kẻ nhà thiền nên ăn ở trong sạch, giữ luật đạo nghiêm chỉnh. Ngài kích bát cách thờ phượng và tế lễ chư Thần vô lối, không cho bày bố những điều tà mị, bài bác những hủ tục, khuyên nhủ các sư nên tinh tấn tu hành, tham thiền hỏi đạo, trai giới đạo hạnh2.

Hết dùng lời nói hùng hồn, lời biện luận sâu xa, tiếng cảnh tỉnh dịu hòa khôn khéo, Ngài TSONGKHAMPA lại dùng đến huyền bí thần thông để cảm kích lòng người. Bấy giờ dân chúng thấy Ngài đạt được nhiều hiển hách anh linh, thấy Ngài có tư tưởng cao sáng, nên họ theo về với Ngài càng lúc lại càng đông. Sự trật tự trong nhà chùa, sự tu hành thanh tịnh được duy trì trở lại.

Tiếng tăm của Đức TSONGKHAMPA vang dội khắp nơi. Trong các cõi Á châu miền Trung, các nhà danh sư khắp nơi và các nước gần đến thọ giáo với Ngài rất đông. Năm 1409, Ngài lập ở Lhassa, một cảnh chùa to tát là chùa Gadan. Sau đệ tử càng đông, Ngài phải dựng thêm 2 ngôi chùa nữa ở DREPONG và DERA. Lúc Ngài về Niết-bàn 3 nhà chùa ấy hiệp lại có trên 30 ngàn tăng đồ. Người Tây Tạng và người Mông Cổ đều cho ngài là Phật giáng thế để gây dựng lại nền đạo ở Tây Tạng. Cho đến nay ở Tây Tạng, người ta còn truyền tụng câu này: “Tiền THÍCH-CA, hậu Tông-Cáp-Ba.”

Cuộc cải cách tôn giáo của TSONGKHAMPA có hiệu quả vững bền. Cho đến hậu đại3, phái của Ngài thành lập được mệnh danh là phái Madhyamika hay “Trung Quán”, phái này phát sanh ra phái Kahdampa tức là giáo hội có vị lãnh đạo là Đạt-lai Lạt-ma4. TSONGKHAMPA trước khi nhập Niết-bàn đã truyền đạo cho đệ tử là Đức GEDUNGRUBPA nắm giữ giềng mối đạo mà Ngài đã chấn chỉnh và đặt tên là Lạt-Ma giáo. Sau này chức vua ở Tây Tạng do Đức Đạt-lai Lạt-ma (DALAILAMA) là người trên trước của Lạt-ma giáo nắm giữ. Vua cầm quyền cai trị dân chúng vừa trông nom nền Đạo. Khi vua gần băng hà, Ngài cho biết trước sẽ chuyển kiếp vào nhà nào, hội Lạt-ma sẽ đi thỉnh ấu chúa về để giao quyền Thiên tử cho.

Đức Đạt-lai Lạt-ma được dân Tây Tạng coi như là một Đức Phật sống (Phật La-hán)5. Ngài chưởng quản Lạt-ma giáo và ngự tại điện POTALA nơi thành LHASSA (Lạp-tát), một trong các nghiêm từ vinh diệu6. Dưới Đức Đạt-lai một bậc có Đức Ban-Thiền7 Lạt-ma (PANCHENLAMA) mà người dân cũng coi như là một Đức Phật sống. Ngài trông nom chùa chiền, cai quản các sư để tiếp sức với Đức Đạt-lai. Ngài ngự tại Điện Trashi Lumpo ở thành SHIGATSE.


Potala – Cung điện của Đức Đạt-lai Lạt-ma

Ở Tây Tạng, quan chức các nơi, trong triều ngoài quận cũng đều từ các sư tuyển ra. Tại kinh đô LHASSA có nhiều ngôi chùa vĩ đại mà một vài ngôi có cả đến hàng muôn tăng đồ. Người dân Tây Tạng tất cả đều quy y với Tam bảo. Đạo Phật trở thành Quốc giáo.

C. PHÁI NHỮNG NGƯỜI ÁO VẢI (KARGYUTPA):
Những người tu định8 của phái KARGYUTPA là những người theo phái MAHAMUDRA hay Đại Thủ Ấn9. Phái này vẫn sử dụng chơn ngôn, pháp ấn và linh phù trong việc tu định.

Theo truyền thống TILOPA sống vào khoảng thế kỷ thứ 2, đã nhận những lời dạy về triết lý Đại Thủ Ấn, nguyên tắc nền tảng của phái KARGYUTPA từ sự gia trì của Đức Phật DORJE CHANG. Đến lượt Tilopa truyền cho Naropa. Naropa là một Bác học Tăng về môn Thần Bí tại viện đại học Nalanda và dạy đạo tại đất Ấn. Marpa, người Tây Tạng đã đến đây để học đạo và được Naropa truyền trao bí pháp và trở về nước lập nên tông phái KARGYUTPA.


Đạo Sư Naropa

Marpa một Đạo sư đắc đạo, bậc thầy của phương pháp điểm đạo truyền pháp, đã dạy giáo lý Mật Thừa cho người Tây Tạng. Ông đã truyền đạo cho 4 đại đệ tử, tất cả đều đạt được sự giải thoát vinh quang.

Ở phương Đông là TSURTON WANGAY, người sứ DOL, một người bản tánh Sư tử với ngọc như ý của Mật Lý. Với những móng vuốt của quả quyết ông đã nhìn lên và đạt được sự giải thoát.

Ở phương Nam là NGOGDUM CHUDOR được ví như con Hổ với bộ lông rằn Mật Lý, những móng vuốt của ông ta đã đào sâu bốn đại hạnh Bồ-tát, ngước mắt nhìn trời vì đã giã từ những gì hư ảo của thế giới hư giả và dạo chơi tùy thích vì đã giải thoát.

Trụ cao phương Tây là chim ưng vút cánh METON TSOMPO với đôi cánh vươn rộng của Mật Lý, đã vượt qua những hố bẫy trầm tư, vĩnh viễn nói lời giã từ với những gì hư giả của thế giới huyền ảo này và tung cánh tự do vì đã giải thoát.


Đạo Sư Marpa

Trụ cao phương Bắc với Linh Thứu THOGAPA, đồng thời cũng mang danh là Milarepa của xứ GUNGTHANG với Mật Lý nhuộm thắm mà cuộc đời đã phải trường kỳ chịu đựng như tảng đá mà nơi Linh Thứu làm tổ mà Bậc nam nhi vô song đã nói lời vĩnh biệt với cuộc sống thường tình và đạt được sự Đại giải thoát.

Chiếc y của Marpa đã trao xuống và môn phái của ông thịnh phát qua người kế thừa chân pháp là Milarepa. Tiểu sử lừng danh của Milarepa cũng cần được kể ra đây:

MILATHOGAPA (1055-1135). Cuộc đời đại hiệp sĩ phi thường này đã bắt đầu từ khi lên bảy, cái tuổi thơ dại đã thực sự bắt đầu bước vào địa ngục trần gian này: ngục của lòng tham không đáy; ngục của lửa hận thù phụt lên vô bờ vì bị người thân tộc cướp đoạt quyền thừa kế gia tài của dòng họ quý phái giàu sang vì cái chết quá sớm của người cha đáng kính. Cuộc đời bị đày đọa khốn cùng này của cậu bé bảy tuổi Milathogapa kéo dài chịu đựng cho đến năm 15 tuổi cái tuổi chập chững nhưng lại quá phong trần; một người một ngựa lên đường tìm thầy học huyền thuật để mong trả thù rửa hận cho thỏa lòng người mẹ già yếu đuối nhưng vẫn gây niềm kiêu hãnh vô biên.

Sau khi học thành tài, Milathogapa đã dùng tài nghệ huyền thuật của mình giết hàng bốn năm chục người có liên hệ với 2 kẻ tử thù chính là ông chú và bà thím độc ác của chàng và phá hoại không biết bao nhiêu của cải, hoa màu của người khác… Milathogapa bị lương tâm cắn rứt, cõi lòng xao xuyến bất an và chỉ mong tìm thầy học đạo mong được giác ngộ, giải thoát đến độ hy sinh bất cứ thứ gì, kể cả thân mạng của chính mình. Định mệnh của Milathogapa là thứ định mệnh đại hạnh nhưng quá khốc liệt khắc khe. Cuối cùng ông đã gặp được Đạo sư định mệnh của mình, Đại Dịch giả Marpa, sư tổ khai sáng tông phái KARGYUTPA của Phật giáo Tây Tạng. Sau tám lần được bậc Đại sư ném tận đáy hố tuyệt vọng, Mila đã được Thánh thần tẩy thể, gột sạch ác nghiệp và thọ lãnh tất cả những chân lý tối mật của môn phái để rồi một mình một bóng lang thang trong các vùng thâm sơn cùng cốc để thiền định và tu tập giáo lý giải thoát vô thượng. Sau khi đã quỳ lạy từ giã Đạo sư với sứ mạng vĩ đại trên vai là phải giác ngộ để cứu độ chúng sanh, Milathogapa khi bước chân vào chốn thâm sơn heo hút đã lập lời đại thề như thái tử Tất-đạt-đa trước đó khoảng 17 thế kỷ dưới gốc cây Bồ-đề xứ Thiên Trúc, nếu không đạt được giác ngộ và giải thoát tại nơi này thì vĩnh viễn không trở lại với loài người.

Sau khoảng 10 năm trong thâm sơn cùng cốc tuyết phủ giá lạnh của vùng Hy-mã-lạp Sơn với thân thể suy nhược đến cùng độ vì thiếu thức ăn và quần áo thích hợp, Milarepa đã hiến dâng trọn vẹn cho chân lý phối hợp nhân tâm với thiên tâm tiểu ngã với đại ngã thành nhất thể chân như của bản thể vũ trụ kỳ ảo, Milarepa đã đạt được giác ngộ và giải thoát cho chính mình để rồi cất tiếng hát phổ độ chúng sanh ba cõi; tiếng hát vừa trầm hùng vừa thanh thoát như tiếng chim “Ca-lăng-tần-già”10, vừa rạt rào như lời cây tiếng lá, vừa cao thâm như lời của đỉnh núi và hố thẳm. Tiếng ca phát xuất đầu tiên trên các triền núi âm u hoang vắng của dãy Hy-mã-lạp Sơn và dần dần lên mãi tuyệt đỉnh Everest tuyết phủ, tiếp giáp với mây trời vần vũ thiên thu. Tiếng hát lời ngâm này phát nguồn từ một loại trí tuệ và nghệ thuật viên dung11 siêu việt của một bậc Thánh tăng Bồ-tát Tây Tạng với mảnh vải che thân mỏng manh rách rưới và chiếc tích trượng12 nhỏ bé nhưng rắn chắc vô biên nện vang từng tiếng rõ ràng theo nhịp chân, leo lên từng phiến đá trắng ngần sau hơn mười năm tu luyện các năng lực thượng thừa và tu tập thiền định không ngừng theo các diệu lý của Mật Tông Phật giáo. Giọng hát của JESUN MILAREPA, đại hành giả Du-già Tây Tạng.


Đạo Sư Milarepa

Người kế vị MILAREPA không phải là RE-CHUNG người đã ghi lại tiểu sử của MILAREPA, mà là người đệ tử thứ nhất của MILAREPA là DVA-GPOLHARJE mà người Tây Tạng thường gọi là “JE-JAMPOPA”. JEJAMPOPA mất năm 1152, hai năm sau ngày thành lập nên tu viện T’SURIKA, tổ đình của phái KARGYUTPA và từ đấy dòng GURU của phái này tiếp tục không gián đoạn.

Phật Giáo Tây Tạng gồm các phái Mật Giáo. Tất cả ba trường phái Cổ Mật ADIYOGA, MADHY-MIKA, KARGYUTPA đã thích hợp với môi trường Tây Tạng và sớm sanh sôi nẩy nở và ăn sâu vào đầu óc của dân bản xứ và biến Tây Tạng thành một quốc gia Mật-Giáo lớn nhất trên thế giới cho đến giữa Thế Chiến I và II thì đã lần hồi suy vi.

Chia Sẻ bài Viết
0 0 votes
Article Rating
Nhận Thông Báo
Thông báo khi
0 Comments
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận