CHƯƠNG III: I- TÔN CHỈ VÀ GIÁO LÝ CĂN BẢN

Giáo thuyết của Mật Pháp được ghi chép lại trong nhiều bộ kinh khác nhau. Tất cả được tập thành trong phần “Mật Bộ” thuộc bộ Đại Tạng Kinh của Trung Hoa và bằng các loại chữ khác. Tuy thế phần Mật Giáo được ghi chép bằng chữ Hán do các vị Pháp Sư vâng chiếu của các vị vua Trung Hoa sùng đạo dịch từ chữ Phạn sang chữ Hán được coi là có tính cách truyền thống và đầy đủ hơn cả. Trong đó phải kể 3 bộ kinh được coi là quan trọng hơn hết vì nó trình bày gần đầy đủ những tôn chỉ và giáo lý căn bản của Mật Giáo. Đó là kinh Đại Nhật (MAHAVAIROCANA SUTRA) thuyết về Mandala được truyền bá mạnh nhất tại miền Nam Ấn, và tông đồ lập thành phái Thai Tạng Giới và bộ kinh Kim Cang Đảnh (VAJRASEKHARA SUTRA) lập thành phái Kim Cang Giới được truyền bá tại mạn Đông và bộ thứ ba là kinh “Tô Tất Địa” để chỉ bày chơn ngôn, đàn pháp, luật tắc cho hành giả tu tập để đắc thành tất địa1. Ngoài ra hằng trăm bộ kinh khác của Mật Giáo cũng đã được đúc kết trong Mật Tạng trên cả ngàn năm nay, tuy thế ít phổ biến về giáo thuyết mà lại thuyết minh nặng về phần phương cách thực hành và oai lực của thần chú do kinh tuyên thuyết. Các bộ kinh này có thể kể một ít như sau: Bí Mật Tạng Đarani, Kinh Bảo Tịnh Đarani, Thủ Hộ Quốc Giới Chủ Đarani Kinh, Diệp Y Quán Tự Tại Bồ-tát Kinh, Kinh Tô-bà-ha Đồng Tử, Kinh Bồ-đề Trường Trang Nghiêm Đarani, Kinh Tối Thắng Tổng Trì, Kinh Đại Bảo Quảng Bác, Kinh Mạt Pháp Nhất Tự Chú, Kinh Thánh Lục Tự, Kinh Phổ Hiền Đarani, Kinh Văn Thù Nhất Tự Chú, Kinh Diệu Tý Đồng Tử, Kinh Bất Không Quyến Sách, Kinh Bạch Tán Cái Đarani, Kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà-ra-ni, Kinh Như Ý Bảo Luân, Kinh Đại Phật Đảnh, Kinh Nhất Thập Diện Quan Thế Âm, Kinh Quán Tự Tại Nghi Quỹ, Kinh Nhất Tự Đảnh Luân, Thần Biến Sớ, Mâu Lê Chú Kinh, Kinh Cầu Tức Đắc Đarani, Kinh Vô Cấu Tịnh Quang, Kinh Quán Thế Âm Bồ-tát Bí Mật Tạng Thần Chú, Kinh Đại Thừa Bảo Trang Nghiêm Vương, Kinh Trì Minh Tạng Nghi Quỹ, Kinh Bát-nhã Sớ, Kinh Mạn-đà-la Sớ, Bạch Tán Cái Tụng, Phật Đảnh Tụng, Phật Đảnh Sớ, Kinh Ngũ Tự Đarani, Kinh Đại Giáo Vương… Để tìm hiểu tổng quát Mật Giáo không gì hơn là tham chiếu hai bộ kinh quan trọng là Đại Nhật và Kim Cang Đảnh cũng như sẽ khảo sát sơ lược toàn bộ các bản kinh khác trong Mật Tạng.
I. MẬT GIÁO QUA HAI BỘ KINH ĐẠI NHẬT VÀ KIM CANG ĐẢNH:
Đại Nhật Kinh là lược gọi của kinh “Đại Tỳ-lô-giá-na Thành Phật Thần Biến Gia Trì2” gồm 7 quyển, được dịch từ Phạn văn sang chữ Hán vào đời Đường, do ngài Thiện Vô Úy và Nhất Hạnh dịch chung. Kinh Kim Cang Đảnh là tên ngắn của “Kim Cang Đảnh Nhất Thế3 Như Lai Chân Thật Nhiếp4 Đại Thừa Hiện Chứng5 Đại Giáo Vương Kinh6” gồm ba quyển do Đường Bất Không Tam Tạng Pháp Sư dịch. Hai bộ kinh này trên mặt giáo tướng đã giải bày chơn lý, thật tướng của các pháp: Lục Đại, Tứ Mạn, Tam Mật, Thập Trụ Tâm… mà chúng ta cần duyệt xét sau đây:
1. LỤC ĐẠI:
Mật Tông chủ trương Lục Đại là chơn thật thể7 của vũ trụ. Lục Đại là Địa Đại, Thủy Đại, Hỏa Đại, Phong Đại, Không Đại và Thức Đại. Lục Đại là bản nguyên8 của các tánh năng sinh (sinh ra) năng lưu (lưu xuất ra). Trong Lục đại thì 5 Đại trước thuộc về vật, Đại cuối cùng thuộc về tâm (Thức đại). Sáu Đại này mỗi mỗi đều dung thông9, không ngăn ngại, thâu nhiếp lẫn nhau, làm nhân làm duyên cho nhau mà sanh ra các pháp.Lục Đại bao gồm 3 phương diện:
Thể Đại: tức là bản thể chung của vũ trụ
Tướng Đại: tức là hình tướng của sự vật và chúng sanh
Dụng Đại: tức là ngôn ngữ, động tác, công dụng của mỗi sự vật.Như vậy vũ trụ vạn hữu không có gì ngoài Thể đại, Tướng đại, Dụng đại. Thể, Tướng, Dụng là chúng ta dùng trí lực chia chúng ra như thế để quan sát. Chứ thực ra, ba phương diện ấy không thể rời nhau, không thể tồn tại riêng rẻ được. Ngoài Thể đại thì Tướng đại và Dụng đại cũng không thể có được. Vậy xét một phương diện thì rõ được cả ba.Như chúng ta thấy ở trên: Sáu Đại dung thông, thâu nhiếp lẫn nhau và ba phương diện: Thể, Tướng, Dụng, cũng không thể rời nhau. Nên vũ trụ vạn hữu, mặc dù muôn hình vạn trạng, rộng lớn vô biên, vẫn có cái lý dung thông vô ngại10, châu biến11 khắp tất cả. Cái đó gọi là lý tánh hay chơn như12. Lý tánh hay chơn như là nồng cốt của Sự tướng. Nhưng nếu không có Sự tướng, thì chơn như hay lý tánh cũng không thể biểu dương được. Lý tánh và Sự tướng là hai khía cạnh tĩnh và động của Nhất Như13. Nói tóm lại có Lý tức có Sự, có Sự tức có Lý.Lý tánh của vũ trụ vạn hữu cũng tức là Phật tánh. Như vậy Phật tánh đều có sẵn trong mỗi chúng sanh, trong mỗi hình thức. Muốn chứng ngộ Phật tánh, muốn thể nhập Chân như, trước tiên phải quan sát Sự tướng. Sự tướng có thể gồm trong 4 loại sau đây, tức là bốn Mandala.

2. BỐN MANDALA:
Mandala có nghĩa là tròn trịa đầy đủ, rộng lớn không lường. Bốn pháp Mandala hay gọi tứ mạn tướng đại là bốn tướng rộng lớn, đầy đủ của bản thể do sáu đại mà biến hiện ra. Bốn pháp Mandala là:a. Đại Mandala (Maha-Mandala). Nghĩa rộng là thân của các loài hữu tình trong mười phương pháp giới, là sắc tướng muôn pháp trong mười phương vũ trụ, y theo lục đại mà hiện. Nghĩa hẹp là chỉ cái sắc tướng trang nghiêm của Phật, Bồ-tát… được thể hiện trong các pho tượng chạm trổ, tô vẻ v.v…b. Tam-muội-gia Mandala (Samaya Mandala). Nghĩa rộng là hết thảy cơ khí trong vũ trụ, những vật dụng thường ngày của chúng sanh hay rộng hơn nữa là cái đặc tánh riêng biệt của mỗi pháp: Núi, sông, cây, cỏ… Nghĩa hẹp là chỉ những vật mà Bồ-tát và Phật thường dùng như hoa sen, ngọc Bửu châu, cành dương liễu, chày Kim Cang… để tiêu biểu cho thệ nguyện hay các đặc tánh thù thắng14 riêng của quý ngài trong việc cứu độ chúng sanh.c. Pháp Mandala (Dharma Mandala). Nghĩa rộng là hết thảy các loại âm thanh, lời nói, hình ảnh, tên gọi, ký hiệu trong vũ trụ. Nghĩa hẹp là chỉ cho những chủng tử tự hay chơn ngôn của các đức Phật hay Bồ-tát. Chủng tử ở đây tức là chữ Cái, chữ tiêu biểu cho bản thể của Phật và Bồ-tát, như chủng tử của Đức Đại Nhật Như Lai chữ “A”, chủng tử của Ngài Kim Cang Tát-đỏa là chữ “HUM”. Còn chơn ngôn (tức là Mật chú) và danh hiệu của Phật và Bồ-tát cùng tất cả văn nghĩa trong kinh điển.


HUM

d. Yết-ma Mandala (Karma Mandala): Yết-ma nghĩa là cử động làm các sự nghiệp. Vậy nghĩa rộng của Yết-ma là chỉ cho hết thảy động tác của chúng sanh và muôn vật. Nghĩa hẹp là chỉ cho hết thảy oai nghi, động tác của chư Phật và Bồ-tát để làm các sự nghiệp độ sanh. Bốn Mandala trên đồng thời tồn tại, đã có một Mandala tức phải có 3 Mandala kia. Bốn Mạn này Phật, Bồ-tát, chúng sanh đều có. Bốn Mạn của Phật không lìa bốn Mạn của chúng sanh, 4 Mạn của chúng sanh không lìa 4 Mạn của Phật. Vì thế kinh thường gọi là 4 Mạn không lìa nhau.

3. TAM MẬT:
Phương pháp tu hành trọng yếu của Mật Tông là Tam Mật. Tam Mật là phương pháp tu hành mầu nhiệm dựa trên thân, ngữ, ý. Tam mật gồm có: Thân mật, ngữ mật, và ý mật. Như trên đã nói, chúng sanh và Đức Như Lai đều do sáu đại làm thể, bốn pháp Mandala làm tướng, không sai khác. Như Đức Đại Nhật có tam pháp giới là thân mật, hết thảy tiếng tăm là ngữ mật, cái thức lớn bao trùm tất cả là ý mật. Còn chúng sanh thì tay bắt ấn là thân mật, miệng niệm chơn ngôn là ngữ mật, tâm chuyên vào Tam-ma-địa15 (thiền định) là ý mật. Nhưng Phật và chúng sanh khác nhau ở tịnh và nhiễm, ngộ và mê, giải thoát và ràng buộc. Vậy chúng sanh muốn được như Phật phải tu hành theo pháp tam mật. Nhờ tay bắt ấn mà tịnh được thân nghiệp, miệng niệm chơn ngôn mà tịnh được khẩu nghiệp, trí quán tưởng Đức Đại Nhật hay các chủng tử tự hoặc linh phù mà dẹp được vọng tưởng, ý nghiệp được thanh tịnh.Sự tu hành Tam Mật có thể chia làm 2 giai đoạn lớn:
Giai đoạn đầu là Tam Mật Gia Trì. Trong giai đoạn này, sau khi hành giả đã làm chủ được thân, ngữ, ý rồi thì tâm thủy của mình (tâm vắng lặng như nước đứng yên) được ánh sáng mầu nhiệm của Đại Nhật Như Lai chói rọi vào, tức là “gia” và tâm thủy mình cùng cảm chịu, thu nhận được ánh sáng mầu nhiệm ấy, tức là “trì”. Một bên thì gia, một bên thì trì, hai bên thừa tiếp nhau nên gọi là “Tam Mật Gia Trì”.
Giai đoạn hai gọi là Tam Mật Du-già. Khi tam mật gia trì đã thuần thục, thì ánh sáng của Đức Đại Nhật và ánh sáng trong tâm thủy của hành giả hiệp nhau (DU-GIÀ) không sai khác thì gọi là “Tam Mật Du-già”. Đến đây tức là công phu tu hành hữu tướng tam mật đã thành tựu.
Học thuyết Chơn Ngôn Tông coi ba cái Mật này là trọng đại: thân, khẩu, ý. Mỗi vật đều có thân thể, lời nói và tư tưởng. Con người thì nói được, song trong bầu trời những vật khác cũng nói được. Ta chưa nghe và chẳng tầm mà nghe, ta chớ cho vật là câm. Vật vẫn nói, song ta chưa biết nghe, ta không nghe, thế nên Tông Chơn Ngôn mới gọi là thân, khẩu, ý của vạn vật trong vũ trụ là 3 cái mật ẩn, ba cái bí thuật.
Cây cối, cỏ hoa đều nói được hết. Lá xào xạc trên cây, cành khua rắc rắc dưới chiều gió; có khi ta nghe như tiếng ca ngâm; có khi ta nghe như tiếng luận bàn; có khi ta nghe như tiếng nạt nộ. Có dịp ngồi trong một đám rừng sâu và lẵng lặng mà nghe, quý ngài sẽ nhận ra rằng cây cối giống hệt như người, bàn bạc, nói năng, chào mời đủ cách. Tiếng suối trên non rỏ rẽ, kẻ thế thường nhận có bấy nhiêu. Các nhà có cảm, các bậc thi nhân mới mở cái tâm ra, nên nhận là tiếng đờn êm ái, dịu dàng. Mấy trang học đạo biết rõ ràng tiếng suối là lời nói đủ âm, đủ dạng. Một đôi khi ngồi dưới bãi biển, ta nghe sóng vỗ vào gành; có khi chúng nó gọi to, có lúc chúng nó ầm ĩ, dường như bàn tính một sự việc gì.
Mọi vật chung quanh ta. Gia cầm, chim chóc đều nói chuyện và ca mừng rất có ý nghĩa. Vạn vật nào phải là câm. Ấy tại loài người chẳng biết nghe đó. Tiếng nói loài người là một thứ tiếng nói trong bao nhiêu những tiếng nói của vũ trụ. Nếu ta biết tu dưỡng, nếu ta biết để riêng nơi ta một chỗ tinh khiết, nghiêm trang, nếu ta biết giữ luật đạo, thì ta sẽ hiểu tiếng của vật, cho đến Thần, Thánh, Tiên v.v… ta cũng sẽ thấy hình và tiếng nữa. Điều kiện cần thiết là giữ cái tâm trong sạch, những khiếu16 trong người ta sẽ mở thông và nhận được các sự ẩn kín trong vũ trụ.
Vì người ta thường chấp theo văn tự, học theo sách vở nên chỉ thấy biết những cái bề ngoài mà thôi. Những môn học thường cho họ biết cái bên ngoài của vạn vật, chớ nào có phân giải với họ về những vấn đề siêu hình, huyền bí, ẩn mật và nào có chỉ cho họ được cái chỗ tuyệt đích mà ta mò không tới, trông không ra, suy không nổi đâu! Thật ra đó mới là cái chỗ loài người rất mong. Họ chỉ thấy vật có hình có thể, chớ họ đâu biết mà nhận ra rằng vật cũng có tư tưởng và lời nói. Vạn vật trong vũ trụ, không trừ vật nào, hễ có hình thể thì có tư tưởng và nói được. Vật nào sống cũng tại tư tưởng, vật là sự phát hiện thành chất của tư tưởng mà tư tưởng lộ ra bằng lời nói, tiếng tăm và dấu hiệu. Không bao giờ có sự lặng thinh mà sự im lặng chính là lời nói ở trong tâm trí. Vậy nên nhờ sự im lặng mà lắm khi vật với vật mới hiểu nhau. Ai mà nhập diệu17 được hoàn toàn 3 cái thân mật, khẩu mật và ý mật thì đắc ngay quả Phật. Chúng ta phải xét kỹ và học hỏi cho lâu mới thấy 3 cái mật đó. Từ đây về sau chúng ta đừng phân giai cấp, đừng khinh rẻ vật có mạng sống và vật không có mạng sống.
4. THẬP TRỤ TÂM.
Những nhà Phật giáo Đại thừa tin rằng giáo lý dị biệt giữa các tông phái và tôn giáo khác nhau đều có ích và cần thiết cho những người có khả năng và viễn ảnh18 khác nhau. Một số những giáo lý này có tính chất quyền biến19, bày ra cho tâm thức non nớt của quần chúng; một số khác mới thật là giáo lý tối hậu20 chỉ thích hợp cho một giai đoạn tiến hóa nào đó và cho một thiểu số người có một trình độ tâm thức cao hơn. Nhưng tất cả những giáo lý và các tôn giáo đã đóng vai trò xây dựng của chúng trong việc xúc tiến an lạc và phát triển tâm linh nhân loại. Những giáo lý linh thiêng chỉ có một sự dị biệt giữa giáo lý sơ bộ và giáo lý tiến bộ; giữa giáo lý quyền biến và giáo lý tối hậu chứ không giữa giáo lý “đúng” và giáo lý “sai”. Hoằng Pháp Đại Sư (KOBO 774-835) người tập thành toàn bộ Mật Giáo đã phân tích sự phát triển của tâm thức con người và xếp loại thành 10 giai đoạn phát triển của tâm, tức “Thập Trụ Tâm”. Mười bậc tư tưởng trên có ghi trong quyển Đại Nhật Kinh. Đức Hoằng Pháp Đại Sư ví mười bậc ấy như những thời kỳ của một đóa sen dưới hồ:1) Dị Sanh Kỳ Dương Tâm: Những nẻo đường của cuộc sống mù quáng do bản năng điều khiển. Bậc đầu này là lúc con người còn trong cảnh ngu muội; chẳng hơn gì bọn ở 3 cảnh: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Người ta nói rằng những kẻ này sanh ra khác người hiền. Họ sống dưới quyền sai khiến của các sở dục21, không biết phân biệt sự phải quấy, thiện ác và chẳng hiểu luật nhơn quả. Họ chỉ biết thỏa thích về ăn uống và dâm dục mà thôi. Ở bên Thiên Trước, người ta gọi hạng này là bọn dê, vì giống vật này khờ khạo và ngu muội hơn hết.
Kìa dưới hồ sen, trước khi nở ra và mọc lên, hoa sen còn là một cái mầm vùi dưới bùn. Ấy là tư tưởng bậc đầu.2) Ngu Đồng Trì Trai Tâm (Nhân Thừa): Cố gắng vươn lên cho một đời sống đạo đức. Bậc thứ hai là cảnh người biết giữ giới, bậc chung của loài người. Ở đây người ta chưa thông hiểu, song tuân theo giáo điều. Người ta giữ lễ tục theo kinh sách và lời truyền dạy từ xưa. Người theo đạo Phật thì trì giữ ngũ giới cấm: tránh sát sanh, trộm đạo, tà dâm, vọng ngữ, và ẩm tửu, nhờ đó khỏi tạo cái nghiệp về miệng và thân. Người theo Khổng Giáo thì giữ Tam Cang và Ngũ Thường: quân thần, phụ tử, phu thê, nhơn, nghĩa, lễ, trí, tín. Bên Chơn Ngôn Tông, ở bậc này, kẻ học đạo tham thiền về 3 cái ẩn-mật: thân mật, khẩu mật, ý mật. Trổi bước lần đầu, người ta cũng như cọng sen cất mình lên khỏi lầy. Song còn yếu ớt.

3) Anh Đồng Vô Úy Tâm (Thiên Thừa): Giai đoạn chúng sanh ở cõi Thiên, nỗ lực cho một sức mạnh siêu nhiên. Bậc này là cảnh trí22 của người trai trẻ không sợ. Đã qua khỏi thời kỳ đáng lo. Tới đây con người tránh được 3 cảnh: Địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, họ lại ngó thấy cảnh tốt của thần tiên. Họ cố gắng trì thập giới của nhà Phật và ưa gần gũi với thiện tri thức, nên chắc khỏi cảnh sa ngã. Người ta cũng kể vào đây phái đồ đạo Lão và Đạo Bà-la-môn chân chánh, hành giả Chơn Ngôn Tông, bậc này tấn hóa khá lắm về thân mật, khẩu mật, và ý mật. Cảnh này ví như hoa sen mà cành đã ra khỏi nước, vượt lên ánh sáng mặt trời.

4) Duy Uẩn Vô Ngã Tâm (Thanh Văn Thừa): Thừa của người vươn lên đời sống tâm linh cao đẳng như trong các bộ phái tiểu thừa. Câu-xá Tông23 và Thành Thật Tông24. Ở bậc thứ tư, con người không còn giữ cái “bản ngã”. Con người là một cái tâm trí, biết tham xét để tìm cầu chơn lý. Người ta hiểu được: Không có cái tôi, cái bổn ngã, mà có năm cái uẩn: Sắc (những gì thuộc về vật chất có thể nhìn được hoặc không, còn trong thân thì những gì không thuộc vào các trạng thái tâm lý đều gọi là Sắc), Thọ (những cảm giác về khổ hay vui, những tâm lý vui hay buồn), Tưởng (suy nghĩ hay tưởng tượng), Hành (ý định, suy tư, cân nhắc trước một quyết định, bao gồm tất cả các chủ tâm trước khi một hành động được hình thành), Thức (cái biết của trí, thành phần phân biệt đối tượng của tâm lý). Cái bản ngã tự cao, nguyên nhân của các sự bào ảnh25, chính nó cũng là bào ảnh nữa, cái bản ngã ấy cũng không thật có nên phải bỏ nó. Cảnh trí này ví như cánh sen còn búp. Chờ khi nắng tới, cái bông búp sẽ nở ra thành một cánh hoa đẹp.

5) Bạt Nghiệp Nhân Chủng Tâm (Độc Giác Thừa): Tự tu tự hưởng nhưng còn vị kỷ26. Ở bậc này đã thành Phật Duyên giác. Các Ngài tống ra khỏi tâm những cái tham dục. Các ngài tham thiền về những nhân duyên của lòng tham. Tất cả là 12 cái nối dài27 với nhau và cái đầu đảng, cái mầm móng là cái vô minh. Nhờ tham thiền các ngài mới lôi chúng ra khỏi mình. Các ngài trở nên minh, đắc quả Phật Duyên giác. Đứng về Tông Chơn Ngôn, bậc thứ tư và thứ năm là cảnh trí của nhà tham thiền về cái chẳng có đích thật. Sự vật tựa hồ như hình rọi vào kính và trăng soi dưới nước. Đời người và cuộc thế tựa hồ như giấc mộng mau qua. Như trên mặt hồ, bông sen rọi xuống rõ ràng, song chẳng qua là bào ảnh.

6) Tha Duyên Đại Thừa Tâm: Tới đây là bậc của các nhà tu Đại thừa đủ lòng bác ái giúp đời. Tuy cuộc thế là mộng ảo chớ cái tư tưởng chẳng phải là ảo mộng. Cái tư tưởng là có thật và mỗi vật đều ở trong đó mà ra ấy là học thuyết của Pháp Tướng Tông. Cái tướng ta thế nào, đời ta thế ấy. Nó lành thì đời ta êm ái, nhẹ nhàng; nó dữ thì đời ta bối rối phiền lo. Và bao giờ tư tưởng ai thấp kém thì đời người ấy không bao giờ thanh cao được. Lại như ta biết cái bí thuật giải thoát mà không độ thoát cho chúng sanh hưởng nhờ, thời ta không thành Phật được. Giá như đức Phật, không đem giáo lý cứu khổ mà độ cho đời thoát ra khỏi bến mê vô tận thì ngài đâu xứng danh là Phật, là danh Đại Từ Bi được. Tư tưởng dễ tấn phát, cần phải lo cho người khác tấn phát với. Ví như hoa sen nó dưới hồ, bị cỏ lá bấu vào, mấy cọng sen mới họp nhau lại mà vượt ra khỏi và lướt lên bầu trời một cách vẻ vang.

7) Giác Tâm Bất Sanh Tâm: Đến bậc này con người đã đạt tới cái tư tưởng “Chân Không”28, tức là không phải có và không phải không, cái mực trung thuyết Tam Luận Tông29. Người ta tham thiền về 8 cái không: Không sống, Không chết, Không đến, Không đi, Không giống, Không khác, Không có, Không không. Cố sức mà thiền định như vậy cái tưởng bèn thoát khỏi những chỗ thấp thường mà lên chí những đảnh cao nghiêm, vượt tới cõi trời Trung đạo, trong trẻo và êm đềm. Các nhà tu chơn ngôn, bậc thứ 6 và thứ 7 nhập định pháp Du-già (YOGA: Hiệp một với Thượng Đế) một cách tự do và dễ dàng. Bậc này như hoa sen lên khỏi mặt nước, tuy không phải là thực hẳn chớ không phải là cái bóng rọi trên mặt gương của cái hồ. Không phải thật mà chẳng phải không thật.

8) Nhất Đạo Vô Vi Tâm: Ở bậc thứ 8, người ta tưởng đến nền đạo chung cho tất cả, Nhất Thừa Vô Vi thuộc theo thuyết Thiên Thai Tông30. Mọi vật đều như nhau, đều có cái Phật tánh. Cái gì cũng có thể thành Phật hết. Ở đây ví như dưới hồ mà hoa sen mọc lên hứng lấy bóng mặt trời. Khắp cả hồ sẽ có đầy hoa sen! Xinh lịch thay!

9) Cực Vô Tự Tánh Tâm: Bậc thứ 9 đi với thuyết Hoa Nghiêm là thuyết về Hiển giáo cao hơn hết. Tông Hoa Nghiêm giải rằng cái tuyệt đối cũng là một với cái tương đối, nên nó không giữ cái tánh của nó. Ta ví bậc tư tưởng này: hoa sen đến lúc đẹp đẽ, sáng rỡ cực điểm, dường như chứa vào nó biết bao sự bi thiết31 tinh vi.

10) Bí Mật Trang Nghiêm Tâm (Kim Cang Thừa): Tông chỉ của Chơn Ngôn Tông. Bậc thứ 10 là cái tư tưởng tô điểm bằng sự ẩn mật. Đó là tánh chất của Chơn Ngôn Tông. Sự ẩn mật ở đây là ba cái mật: Thân, Khẩu, Ý. Nếu hiểu sự ẩn mật của vũ trụ, thông ba cái mật đó thì thành Phật trong khi sanh tiền, cũng như khi xem hoa sen, ta chẳng phải thích bằng con mắt không mà thôi. Lại khi thấy hoa sen trải qua nhiều thời kỳ từ lúc còn là một hạt giống cho đến lúc hoàn toàn, nếu ta thấy biết có bấy nhiêu, thì ta là người mờ ám đó. Ta phải hiểu cái cuộc đời bề trong linh hoạt và nhiệm mầu. Cũng như ta hiểu rằng ta có một cái tâm như Phật và hoa sen cũng có cái tâm như ta.

5. TRIẾT HỌC MANDALA.
Kinh Đại Nhật và kinh Kim Cang Đảnh đã thuyết minh về hai đại-hội bí mật là Thai Tạng Giới và Kim Cang Giới Mandala. Hai Mandala này Chư Tôn, Chân Ngôn, Ấn Khế và các chủng tử tự đều khác nhau.Năm phương Phật trong Thai Tạng Giới là:
–Trung ương Đức Tỳ-lô-giá-na.
–Đông phương Bảo Tràng Như Lai.
–Nam phương Khai Phu Hoa Vương Như Lai.
–Tây phương A-di-đà Như Lai
–Bắc phương Thiên Cổ Lôi Âm Như Lai và các chư tôn Bồ-tát.Năm phương Phật của Kim Cang Giới là:
–Trung ương Đức Đại Nhật Như Lai.
–Đông phương A-súc-bệ Như Lai.
–Nam phương Bảo Sanh Như Lai.
–Tây phương Vô Lượng Thọ Như Lai.
–Bắc phương Bất Không Thành Tựu Như Lai và các chư tôn Bồ-tát.Về mặt triết học Thai Tạng Giới lấy Đại Viên Cảnh Trí32 làm tối sơ33, lấy Pháp Giới Trí làm sao rốt. Trái lại Kim Cang Giới lấy Pháp Giới Trí làm đầu tiên và lấy Thành Sở Tác Trí34 làm chung kết. Triết lý về hai Mandala này được trình bày như sau:
1. Thai Tạng Giới.
Theo Đại Nhật Kinh Sớ:
–Thứ nhất “A” ở phương Đông, cứ tiếng Phạn chữ Đông có nghĩa là Phát Động. Theo không gian, thì trong các phương, phương Đông là hơn hết. Đây dụ cho Bồ-đề tâm là bước đầu tiên của muôn hạnh thuộc về Phật Bảo Tràng. Bảo Tràng Phật là Bồ-đề tâm cũng như trong quân ngũ, ngọn cờ là hướng đạo của binh sĩ, khi tới lui đều phải theo hiệu lịnh đó. Cũng thế muôn hạnh của Bồ-tát cũng đều phải lấy Bồ-đề tâm làm tiêu chuẩn.
Hình ảnh
Năm phương Phật của Thai Tạng giới. Ở giữa là AØH, phương Đông là A, phương Nam là AØ, phương Tây là AM và phương Bắc là AH

 

– Thứ hai là chữ “A`” (thuộc loại chữ A) có nghĩa là hạnh Bồ-đề ở phía Nam, thuộc về Khai Phu Hoa Vương. Khai Phu Hoa Vương Như Lai là hoa sen mãn giác35. Nếu chỉ có Bồ-đề tâm mà không thực hành 10 độ, muôn hạnh thì giác hoa36 không nở. Nếu y theo Bồ-đề tâm tu tập Bồ-tát hạnh37, hoa Viên giác38 được sức tự trưởng lần nở tròn trịa tốt tươi.
–Thứ ba chữ “AM”, có nghĩa là thành tựu Bồ-đề tâm ở phương Tây, thuộc về Phật A-di-đà. A-di-đà là Thọ dụng Phật. Đây là chỉ cho khi thành tựu đạo quả, tức được hưởng pháp lạc chân thật vô lượng không thể nghĩ bàn.

Hình ảnh
Thai Tạng Giới Mandala

 

–Thứ tư chữ “AH” có nghĩa vào Niết-bàn ở phương Bắc thuộc về Phật Thiên Cổ Lôi Âm. Thiên Cổ Lôi Âm Phật có nghĩa là phương tiện. Đây chỉ cho khi thành tựu đại quả, không những Như Lai riêng mình thọ dụng mà còn dùng “Thành Sở Tác Trí” diễn vô số phương tiện hóa độ chúng sanh và sau rốt lại cũng phương tiện mà vào Niết-bàn. Bồ-đề Tâm luận có nói: “Phật A-di-đà thành tựu Bồ-đề, thọ dụng pháp quả, Phật Thiên Cổ Lôi Âm việc làm đã xong vào Đại Niết-bàn là ý nghĩa này.”
-Thứ năm chữ “AH” (hay Ô) có nghĩa: đầy đủ phương tiện ở Trung ương thuộc Tỳ-lô-giá-na. Bản thân và thể hoa-đài của Phật Đại Nhật siêu tuyệt 8 cánh cùng các phương sở39, chẳng phải cảnh giới tâm tư, chỉ Phật với Phật mới biết rõ hết. Nhưng vì nghĩ đến bản thệ40 nên Đức Đại Nhật mở tạng Đại Bi để hướng dẫn chúng sanh vào Phật Tuệ, dùng thần lực gia trì hiện thân, khẩu, ý khắp trong các đường sanh tử. Đây tức là phương tiện vậy.

2. Kim Cang Giới.
Mandala ngũ trí Như Lai41này được trình bày như sau:

Hình ảnh
Năm phương Phật của Kim Cang giới. Ở giữa là VAM, phương Đông là HUM, phương Nam là TRAH, phương Tây là HRIH và phương Bắc là AH.

 

– Đại Nhật Quang Như Lai (Vairocana), biểu tượng cho Pháp giới thể tánh trí42. Chủng tử của Ngài là chữ “ÚM” (OM), tượng trưng cho kinh nghiệm vô biên toàn thể. Chữ ÚM cũng như những chủng tử tự khác mang sức mạnh sáng tác và cũng vì vậy có những lý thuyết về nguyên ngôn43 tạo hóa (LOGOS: Le verbe créateur) và lý thuyết về thế giới chấn động (Théories des vibrations). Trong ngũ uẩn, uẩn liên hệ với Ngài là thức. Thức hay ý thức chấp ngã của cá nhân sau khi kinh nghiệm được pháp tánh vô biên, biến thành ý thức vũ trụ dưới hình thức ngài Đại Nhật Quang. Ý thức vũ trụ hay pháp giới thể tánh trí được tượng trưng bằng không gian vô biên vừa xanh thẳm vừa xanh thắm, điều kiện tiên quyết của hiện hữu vì nó bảo toàn tất cả không phân biệt. Không gian ở đây là không gian của kinh nghiệm tâm linh, của 5 uẩn: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, toàn bộ chứ không phải chỉ riêng cho uẩn sắc dưới hình thức không gian toán học. Trong Mandala Ngũ Trí Như Lai, Ngài Đại Nhật Quang ở trung tâm thân hình màu trắng trong, ngồi trên tòa Sư tử, tay bắt ấn Chuyển Pháp Luân (DHARMA CAKRA MUDRA).

 


Kim Cang Giới Mandala – Ngũ Trí Như Lai

 

–Bất Động Như Lai (AKSOBHYA) hay A-súc-bệ Như Lai, ở hướng Đông biểu tượng cho Đại Viên Cảnh Trí. Chủng tử của Ngài là chữ Hồng (HUM), tượng trưng cho sự nhập thể và thành tựu. Úm và Hồng là 2 giá trị bổ túc. Úm là giải thoát còn Hồng là đem lại cứu độ. Úm đi vào Tổng thể còn Hồng từ Tổng thể trở về hố thẳm của Tâm hồn. Yếu tố nhân thế và tình cảm của chữ Hồng biến Đức Phật thành Bồ-tát, cấp bậc nhỏ hơn nhưng đậm đà hơn, nhỏ hơn nhưng Đại thừa hơn, Hồng là vô biên trong hữu hạn, không thời gian trong thời gian, thiên thu trong chốc lát, “không” trong “sắc” (sắc tức thị không, không tức thị sắc).


A-súc-bệ Như Lai (Aksobhya –HUM) – Tượng thời nhà Minh, thế kỷ 14-17

 

Ngài Bất Động Như Lai là vị Phật huyền bí trong 5 vị Phật thiền (DHYANI BUDDHAS), tượng trưng cho 2 khía cạnh của thực tại Không và Sắc. Trong Kim Cang Thừa (VAJRAYANA), hai Ngài Đại Nhật và Bất Động có thể đổi vị trí cho nhau tùy thích ứng của tâm hồn mình lúc tọa thiền. Chú trọng về Không hay Sắc, giải thoát hay cứu độ. Ấn Ngài sử dụng là Xúc Địa Ấn (BHUMI SPARCA MUDRA).
Trong Mandala của Kim Cang Giới, hình vẽ Ngài Bất Động Như Lai thân sắc xanh đậm tay cầm kim cương xuất hiện ngồi trên cặp Bạch tượng oai nghi ở phương Đông lúc mặt trời mới mọc, hào quang của Ngài lại trong sáng như nước (Thủy Đại).

–Bảo Sanh Như Lai (RATNASAMBHAVA), biểu tượng cho Bình đẳng tánh trí44. Chủng tử của Ngài là chữ Trạm, tượng trưng cho sự giác ngộ của tâm thức, của Vô phân biệt trí. Giác ngộ là một sự biến chuyển tâm linh, biến chuyển không phải là thay đổi trái bây giờ, khác trước kia theo một chiều hướng suy luận nào đó nhưng mà lại theo tiếng gọi của uẩn Thọ, nghĩa là sống động với tình thương, với Từ, Bi, Hỷ, Xả. Ngài là vị Như Lai ở phương Nam, thân sắc vàng chói như ánh mặt trời buổi trưa đúng ngọ, tượng trưng cho sự sung mãn của đời sống tâm linh. Màu sắc của đất, của bình đẳng cũng là vàng. Ấn quyết của Ngài, bàn tay mặt ngửa ra chạm đất (DANAMUDRA) biểu tượng cho sự bố thí, cho sự tặng cho chúng sanh 3 bảo vật (Tam bảo) để nương theo đó mà đạt Không tính45 của Ngài Bất Động và đạt vô ngã của Ngài Bảo Sanh, hầu tiến tới hòa đồng mật thiết với nhau.


Bảo Sanh Như Lai
(Ratnasambhava –TRAH) – Tượng thời nhà Minh, thế kỷ 14-17

 

Trong Mandala này, hình vẽ của Ngài Bảo Sanh, kim thân tựa trên ngai ngựa, sắc thân vàng chói của Địa đại, Ngài ngự tại hướng Nam.

–Vô Lượng Quang Như Lai (AMITABHA), biểu tượng cho Diệu Quan Sát Trí46. Vô Lượng Quang Như Lai lại là Đức A-di-đà, chủng tử của Ngài là chữ HRIH và câu chú của Ngài là OM AMITABHA HRIH. HRIH là bản chất của Hỏa đại, sôi nóng bừng cháy, phóng hào quang hồng chiếu khắp nơi. Thân Ngài Vô Lượng Quang cũng đỏ thẳm như ánh nắng chiều của mặt trời lặn phương Tây. Hoàng hôn là giờ của Thiền định nên Ngài bắt Ấn Thiền định (DHYANA MUDRA). Cầm hoa sen nở tượng trưng cho quán tưởng. Uẩn liên hệ với Ngài là Tưởng. Từ óc phân biệt của Ý thức, Tưởng trở thành quán tưởng của Diệu Quan Sát Trí. Diệu Quan Sát Trí là trí phân biệt cùng tột của trí tuệ trong lộ trình đi từ Lý qua Sự. Con mắt là tượng trưng cho quan sát cho nên ngôi Ngài Vô Lượng Quang được đặt trên lưng con công, lông cánh đầy cả mắt. Trí quan sát phân tích ở đây hoàn toàn trực giác, không phải lý luận vì căn bản của nó là Bình Đẳng Tánh Trí, tổng hợp những tương quan của vũ trụ. Đứng trên bình diện cá thể và hành động (thế giới của Sự), Chủng tử HRIH sống động, tỏa và nở ra trong câu chú UM MA NI PAD ME HUM. Đó là sức mạnh huyền bí của phản ứng không thời gian tính, ấy là tiếng nói của nội tâm, của tâm pháp (BODHIDHARMA) trực chỉ, bộc phát không lý trí. HRIH là chủng tử của Bồ-tát hạnh, của hành động không tính kết quả vì đã khước từ mọi quyền lợi cá nhân, trước sự cứu độ toàn thể chúng sanh. HRIH là tư tưởng kinh Kim Cang thành tựu trong hành động. Ánh sáng hồng chói của Hỏa đại cùng với Ngài Vô Lượng Quang xuất hiện trên lưng con công ở phương Tây.

 


Vô Lượng Quang Như Lai
(Amitabha –HRIH) – Tượng thời nhà Minh, thế kỷ 14-17

 

– Bất Không Thành Tựu Như Lai (AMOGHASIDDHI) biểu tượng cho Thành Sở Tác Trí, chủng tử của Ngài là chữ “A”, tượng trưng cho hành động. Nếu UM là tánh thể của vũ trụ, HỒNG là thành tựu của sự sống, thì AH là hành động tác thành. Những tràng phan ở các chùa Tây Tạng đều có viết ba chữ chủng tử: “UM AH HỒNG”, biểu tượng cho Thể, Ngôn và Tánh. Ngài Bất Không Thành Tựu là vị vương của Phong đại, của gió, của chuyển động, của hơi thở, của sự sống động, Ngài Bất Không còn là một hóa thân của Ngài A-di-đà, vì vậy là vị Như Lai của sự biến hóa vô song nối liền nội tâm và ngoại cảnh, biến chuyển tâm thành sắc, sắc thành tâm, bắc cầu giữa Chân đế và Tục đế47. Bất Không (Amagha) là Sự, là thế giới của thành tựu, của pháp thuật (Siddhi), của cứu độ, thực hiện Bồ-tát hạnh. Ngài Bất Không là bí mật nhất trong 5 vị Như Lai. Ngay cả phương tiện Ngài cỡi cũng khác thường. Người chim hay “mệnh mệnh điểu” (Garuda), tượng trưng cho biến hóa và Phong đại.

 


Bất Không Thành Tựu Như Lai
(Amoghasiddhi–AH) – Tượng thời nhà Minh, thế kỷ 14-17

 

Uẩn liên hệ với Ngài là Hành, có nghĩa là ý chí, hay sức mạnh tinh thần, phần sống động nhất của tâm hồn chuyển biến thành Thành Sở Tác Trí. Thành Sở Tác Trí nghĩa là trí tuệ biến thành tác dụng, chuyển nghiệp thành duyên, chuyển ý niệm lý tưởng thành sống động sáng tác, chuyển thiên thu thành chốc lát, chuyển khổ hạnh thành giải thoát. Thành Sở Tác Trí lại chuyển những ý niệm khô khan về Lục đại thành những nguyên lý năng động. Địa là tiềm năng (Einstein), Thủy là điện năng, Hỏa là quang năng, Phong là động năng, Không là thời năng (Kuzyref), Thức là tâm năng (Carljung). Thành Sở Tác Trí là hành động của pháp thuật nhiệm mầu của trí tuệ và giải thoát.

Ngài Bất Không trong thế giới của Sự, ngoài bi và trí sẵn có, còn có thêm dũng để kiện toàn sứ mệnh. Chữ dũng của Ngài là khởi nguyên của lòng tin tưởng sắt đá rằng “Vạn Pháp Duy Tâm tạo48” biểu tượng bằng “Vô Úy Ấn” (ABHAYA MUDRA) và bằng ứng thân của Ngài là Đức Di-Lạc (MAITREYA) hay Ngài Thích-ca của tương lai. Tinh thần Vô Úy49 của Phật giáo có nghĩa là sẵn sàng nhẫn nhục chấp nhận mọi đau khổ của thế gian để có thể giải thoát chúng sanh bằng cách tự giải thoát. Đó là một hành động huyền bí của Mật Tông: Nhảy vào cứu người ta mà lại cứu chính mình vì Đại Nguyện.

Trong Mandala, Ngài Bất Không là vị Như Lai ở phương Bắc của gió lạnh, với mặt trời nửa đêm, của thế giới tâm linh huyền bí, hào quang của Ngài màu lục, kết tinh của màu xanh pháp tánh, vũ trụ của Ngài Đại Nhật và màu vàng tình thương muôn loài của Ngài Bảo Sanh.

Chia Sẻ bài Viết
0 0 votes
Article Rating
Nhận Thông Báo
Thông báo khi
0 Comments
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận