CHƯƠNG II: IV – MẬT TÔNG TẠI CÁC NƯỚC ĐÔNG NAM Á

Mấy xứ Tích Lan (Sri Lanka), Xiêm (Thái Lan), Cao Miên (Campuchia), Miến Điện, Lào, Nam Dương (Indonesia), Mã Lai (Malaysia) đều thuộc về Phật giáo tiểu thừa hay là Nam Tông Phật giáo.

Kinh Phật chép rằng về đời vua A-dục, đạo Phật ở Ấn đã truyền qua Tích Lan rồi. Hoàng tử con vua A-dục là Mahendra đã sang truyền đạo Phật ở Tích Lan. Ngài đem theo 3 tạng kinh, rồi các danh sư đến và dịch tiếng bản xứ. Đạo Phật được truyền đến các nước Đông Nam Á cũng chính vào đời vua A-dục. Ở các nơi này người ta tu học cũng chính đáng và nghiêm trang lắm. Mặt khác Mật Giáo được phổ biến tại các nước trên đây cùng một lúc với sự phổ biến Mật Giáo tại Trung Hoa và Tây Tạng.

Sử có ghi ngài Bất Không gặp ngài Kim Cang Trí tại Nam Dương năm 720. Sự kiện này chứng tỏ ngài Kim Cang Trí đã du hóa1 hoằng bá2 đạo pháp tại nơi đây vào lúc bấy giờ. Và cũng vào năm này Bất Không đã xin làm đệ tử của Kim Cang Trí, và ông cùng thầy sang Trung Hoa để tu tập hơn 20 năm tại Lạc Dương. Sau khi thầy mất, ông sang Tích Lan và gặp ngài Long Trí Tam Tạng và dẫn đệ tử cả thảy 37 người đến tham vấn Pháp Sư Phổ Hiền (SAMANTABHADRA) lúc bấy giờ đã có mặt tại Tích Lan nghiên cứu thêm về giáo lý của kinh Kim Cang Đảnh và Đại Nhật Thai Tạng. Ông trở về Tràng An và mang theo một số kinh điển phong phú.

Các sự kiện trên đây đã chứng minh cho sự truyền thừa Mật Giáo do các Pháp Sư Ấn Độ tại các nước Đông Nam Á cũng đồng thời điểm tại các nơi khác. Hơn nữa Mật Giáo được phổ biến tại đây cũng bằng một số lượng kinh điển Mật Giáo không kém gì tại Tây Tạng và Trung Hoa.

Ở Xiêm, Miến Điện, Lào, Campuchia, các sư đều có tu tập Mật Pháp. Đa số các vị đều nổi danh về những năng lực thần bí và được dân chúng rất kiêng nể. Một số các vị đã đạt được những năng lực kỳ bí thượng thừa mà dân gian thường truyền tụng.

Riêng tại Việt Nam sau Đinh, Lê, Lý, Trần các chùa Việt không có ai đắc truyền về Mật Giáo, nên không có sư đệ tương truyền3.

Năm 1928, cụ Khánh Hòa có thỉnh 3 tạng kinh của Tàu, Nhật đem về Việt Nam. Cho mãi đến năm 1970 không có ai dịch phần Mật Giáo trong Đại Tạng đâu; hoặc có dịch cũng rải rác, không đáng kể. Các chùa đâu đâu vào lúc 4 giờ sáng cũng có trì tụng khóa bản của Mật Giáo như Đại Bi và Thập Chú và hơn nữa trong các thời kinh sáng, trưa, tối… các sư ở Việt Nam cũng như ở Nhật bản đều có trì tụng Đại Bi để khởi đầu các thời kinh. Chú Đại Bi được rút ra trong kinh “Thiên Thủ Thiên Nhãn Đại Bi Tâm Đalani”, một bản kinh chú lớn của Mật Giáo được mỗi tín đồ Phật tử tại Việt Nam biết đến và trì tụng. Dù thế khi được hỏi về tông phái Mật Giáo, các Phật tử gần như không biết đến. Nhưng lạ hơn thế, chính ngay các thầy cũng ít người hiểu rõ nên đôi khi lại có những thành kiến sai lầm về Mật Giáo rất tai hại, mặc dù vẫn trì tụng thần chú mỗi ngày.

Thỉnh thoảng cũng có một số sư, tăng tu tập Mật Pháp nhưng đều có tính cách ai coi nấy thực hành, không được sự tương truyền từ các bậc Quán Đảnh Sư. Thế nhưng vì tâm đạo bền vững, đạo hạnh trong sáng, nguyện lực độ tha tương ứng với tâm nguyện của Chư Phật và Bồ-tát nên cũng đã đạt được các thần lực bí nhiệm của Mật Giáo từ Chư Tôn bên trên gia trì và làm hiển lộ được các sự kỳ bí thần thông để cảm hóa người thế. Các chư vị đã xứng đáng thọ hưởng pháp lạc cho riêng mình nhưng vì thiếu sự tương truyền nên không thể ban phép “Quán Đảnh” cho các đệ tử. Do đấy Mật Giáo tại Việt Nam cũng vẫn giữ mãi tính cách bí truyền mà người thọ nhận vẫn là một ít người được chọn lọc.

Thời gian qua có một số vị tu tập Mật Pháp có vị thế quan trọng ở Việt Nam được nhiều người biết đến; có thể kể ra đây:

–Thượng tọa Thích Viên Đức đã được Hòa thượng Vạn Ân và Từ Thạnh ở Phú Yên trao truyền ấn khế bí mật, Ngài đã tu tập và đạt được các thần lực đáng kể về việc trị các bệnh tim nan y bằng linh phù và nhiều việc kỳ bí khác đã được truyền tụng do Ngài thực hiện… Có thể nói thực sự ông đã có công dịch thuật và hoằng bá các bản kinh Mật Giáo thuộc phần Mật bộ của bộ Đại Tạng Kinh Trung Hoa. Việc học tập Mật Giáo bắt đầu hưng thịnh do việc mạnh dạn phổ biến các bản kinh của Mật Tông bằng tiếng Việt. Ông đã dịch thuật rất nhiều có thể kể sơ lược như:

Kinh Hiển Mật Viên Thông. Kinh Chuẩn-đề Đalani. Kinh Đại Thừa Bảo Trang Nghiêm Vương. Kinh Mạt Pháp Nhất Tự Đalani. Kinh Đại Bảo Quảng Bác Lầu Các Thiện Trụ Bí Mật Đalani. Kinh Bảo Nhiếp Ấn Đalani. Kinh Phật Đảnh Tôn Thắng và một số bản kinh quan trọng khác nhất là quyển “Đông Mật”, gồm nội dung của hơn khoảng trăm quyển kinh của Mật Giáo.

Thật sự về phần giáo pháp, Thượng tọa đã đóng góp công đức rất nhiều về mặt giáo điển cho người Việt Nam về Mật Tông Phật giáo. Tuy nhiên vì thiếu chơn truyền mạch lạc về phép “Quán Đảnh” nên Mật Giáo chỉ được hưng thịnh về phần Giáo Tướng còn về Sự Tướng thì Thượng tọa cũng không thể truyền bá được, dầu ngài đã đạt được nhiều thần lực đáng kể.

Ngoài ra còn phải kể đến Hòa thượng Thích Phổ Ứng tại Linh Quang Tịnh xá ở đường Nguyễn Khoái, Khánh Hội. Hàng ngày ông đã chữa trị công khai cho những người bị bệnh tà và đã thi triển được nhiều kỳ bí trước mặt các Phật tử. Tuy nhiên, ông không có ý hướng hoằng truyền bí pháp cả về Sự tướng và Giáo tướng. Có lẽ ông coi Mật Giáo là một pháp môn khó tu tập và chỉ dành đặc quyền cho người xuất gia và hơn thế nữa phải là những người được chọn lọc.

Còn phải kể thêm Thượng tọa Thích Thiền Tâm người hoằng truyền pháp môn Tịnh Độ. Ông đã kiêm trì4 Mật Giáo và đạt được những thần lực đáng kể; và ông cũng đã dịch được một số kinh Mật Giáo và đem ra hoằng hóa gần đây. Tuy thế ông không thể thực hiện các chi phần Quán Đảnh của Mật Giáo vì thiếu sự chơn truyền.

Tóm lại các Thượng tọa và các Đại đức khác ở Việt Nam có tu tập Mật Giáo đều không thể trông cậy nhiều vào việc hoằng truyền Sự Tướng nhất là làm lễ điểm đạo truyền pháp theo phép Quán Đảnh của Mật Tông. Do đó người trì chú khó mong đạt được những ước vọng cao và nào có khác gì những tông phái Hiển Giáo trì Đại Bi, Thập Chú.

Chia Sẻ bài Viết
0 0 votes
Article Rating
Nhận Thông Báo
Thông báo khi
0 Comments
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận