CHƯƠNG IV: PHƯƠNG PHÁP TU HÀNH

Cũng như các tông phái khác  Phật giáo, sự tu hành của Mật Tông gồm có hai phương diện: Sự và Lý; hay nói theo danh từ của Mật Tông là Giáo tướng và Sự tướng.–Sự tướng là tất cả những thực hành như: tụng chú, kết ấn, cúng dường, lập đàn, v.v… Tất cả những thực hành ấy phải theo đúng khuôn phép nhất định, chứ không thể dùng ý riêng mà làm càn được.

–Giáo tướng là tất cả những ý nghĩa sâu xa mầu nhiệm mà chư Phật và Bồ-tát đã rút ra trong Sự tướng để chỉ dạy chúng ta.

–Người tu hành phải học tập và thực hành cả 2 phương diện ấy, không được thiên bỏ bên nào. Không học Giáo tướng thì không lãnh hội ý nghĩa của Sự tướng để làm cho đúng. Không học Sự tướng thì tất cả đều nói suông. Giáo tướng thì có thể nương theo kinh điển mà học hỏi, còn Sự tướng thì phải có các bậc A-xà-lê tức là các vị truyền đạo Mật Tông, truyền cho mới biết được.
Ngoài sự tu hành hằng ngày, phương pháp tu hành trọng yếu của Mật Tông là tam mật. Tam mật là phương pháp tu hành mầu nhiệm dựa trên thân mật, khẩu mật và ý mật. Trong Mật giáo, có nhiều phương cách để tu tập tam mật, tùy theo căn cơ và sở thích của hành giả. Nhưng tất cả phép thiền Mật Tông đều đặt trọng tâm vào việc hướng tư tưởng đến tinh thần đại nguyện Bồ-tát Hạnh trước khi để tự do lựa chọn phương pháp thích nghi cho mỗi cá nhân. Vì lý do đó, việc học tập và am tường giới luật để tiến lần đến việc giữ Đại Giới là điều hữu ích cho một hành giả Du-già.

I. GIỚI LUẬT
Đức Phật khi còn tại thế, tùy căn cơ, tùy hoàn cảnh mà chế ra nhiều loại Giới luật để răn dạy đệ tử và hóa độ chúng sanh. Sau khi Ngài nhập Niết-bàn, Ngài Ưu-ba-ly vị đệ tử của Phật, tinh thông về Giới luật đứng lên pháp tòa trong kỳ kết tập kinh điển lần thứ nhất để tụng đọc lại những Giới luật mà Đức Phật đã chế ra.


Đức Phật Thích-ca đang thuyết Pháp

Về sau tuần tự theo thời gian, Nguyên thủy Phật giáo lần hồi chia ra nhiều nhánh hay bộ phái. Mỗi bộ phái lại theo một bộ luật riêng, nhưng tựu chung cũng đều xây dựng căn cứ trên bốn trọng giới và Tam tụ tịnh giới (Nhiếp luật nghi giới, Nhiếp thiện pháp giới, Nhiêu ích hữu tình giới).

Theo Phật giáo, nghiệp định đoạt tất cả đời sống của chúng ta. Nghiệp có 3 loại: nghiệp của hành động, nghiệp của lời nói, nghiệp của ý nghĩ. Muốn các nghiệp được thanh tịnh, chúng sanh phải giữ gìn Giới luật. Giới luật được chế ra để ứng dụng cho từng loại căn cơ từ thấp đến cao, như: Ngũ giới cấm, Bát quan trai giới, Thập thiện, 250 giới của Tỳ-kheo, và 350 giới của Tỳ-kheo-ni, Đại giới hay Bồ-tát giới. Những giới nào có tính cách tiêu cực, tự lợi chỉ có mục đích chính là tránh tội lỗi cho riêng mình là thuộc về giới Tiểu thừa như: Ngũ giới, Bát quan trai giới, Sa-di và Sa-di-ni giới, Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni giới. Những giới nào có tính cách tích cực, nhằm vào mục đích lợi tha hơn tự lợi thì thuộc về Đại thừa giới như: Bồ-tát giới trong kinh Phạm Võng và Tam tụ tịnh giới là đại giới của các tông phái khác.

A. NGŨ GIỚI CẤM VÀ CÁC ÍCH LỢI THỰC TIỄN.
1) Giới không sát sinh hại vật: hiện đời không làm người hung dữ khỏi bị tù tội, về sau khỏi đọa trong 3 đường dữ là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.
2) Giới không tà dâm: hiện tại thành người tốt, gia đình mình và người không bị rầy rà, đánh đập, khổ sở vì ghen tuông.
3) Giới không trộm cướp: hiện đời làm người lương thiện, khỏi bị giam cầm xiềng xích, đời sau không mắc quả báo bị người giựt của cướp nhà.
4) Giữ giới không nói dối: không nói láo xược, thèo lẻo, đâm thọc, không nói hung ác và thô tục, thì không bị người khinh khi, trí tuệ tăng trưởng.
5) Giữ giới không cờ bạc, hút sách, rượu chè: thì khỏi mất tiền, thiếu nợ, khỏi say sưa làm điều tội lỗi và khỏi bị người khinh khi.

B. BÁT QUAN TRAI GIỚI
Gồm có Ngũ giới cấm kể trên và cộng thêm ba giới:
– Không nằm giường cao, đẹp, rộng.
– Chẳng làm và nghe ca kịch âm nhạc.
– Chẳng dùng các món trang sức, dầu thơm.
Đây là 8 giới mà Phật chế ra cho người tại gia tập sống như người xuất gia.

C. MƯỜI GIỚI (Sa-di và Sa-di-ni)
Bát quan trai giới cộng thêm 2 giới:
a. Chẳng giữ vàng, bạc, tiền.
b. Chẳng ăn trái giờ.

Mười giới là cơ sở của người xuất gia trì giới, tức là tu các việc thiện và diệt những điều ác.

Ngũ giới, Bát quan trai giới, Thập giới trên đây đều thuộc về giới Tiểu thừa. Bốn giới đầu: sát, đạo, dâm, vọng gọi là giới căn bản hễ phạm đến thì tội lỗi rất nặng. Nếu y theo pháp Tiểu thừa thì không thể sám hối được, còn y nơi pháp Đại thừa thì cho sám hối theo pháp “Vô sanh sám hối” mới dứt đặng. Rượu hay giúp làm phạm đến 4 giới căn bản nên đồng gọi là giới căn bản. Các giới tại gia, xuất gia, Tiểu thừa, Đại thừa đều lấy 5 giới đây làm căn bản.

D. HAI GIỚI BỔN CỦA CÁC TỲ-KHEO VÀ TỲ-KHEO-NI (Cụ túc giới)
a. Ba-la-di: (Tăng 4 điều; Ni 8 điều) phạm đến 4 giới này: sát, đạo, dâm, vọng tội không cho sám hối bỏ hẳn ra ngoài Phật pháp.
b. Tăng-già-bà-thi-sa: (Tăng 13 điều; Ni 17 điều) phạm đến một trong các giới này, tỷ như năm căn bị tàn khuyết.
c. Ni-tát-kỳ-ba-dật-đề: (Tăng 120 điều; Ni 208 điều) phạm đến một trong các giới này thì xả thân bị đoạ.
d. Ba-la-đề-đề-xá-ni: (Tăng 4 điều; Ni 18 điều) phạm đến giới này có thể đến Tỳ-kheo kia xin sám hối.
e. Đột-kiết-la: (Tăng 100 điều; Ni 100 điều) pháp giới rất nhiều và nhỏ nhặt cần phải mỗi giờ mỗi phút cẩn phòng gìn giữ.

E. BỒ TÁT GIỚI HAY GIỚI ĐẠI THỪA CỦA KINH PHẠM VÕNG (10 giới trọng và 48 giới khinh).
Mười món trọng cấm giới là:
1) Chớ vì vui mà sát sanh.
2) Chớ trộm cướp của người.
3) Chớ cùng với phái nữ mà hành dục (xuất gia), tà dâm (tại gia).
4) Chớ có ý nói dối.
5) Chớ mua hay bán rượu.
6) Chớ nói lỗi của tứ chúng.
7) Chớ tự khen mình mà chê người.
8) Chớ bỏn xẻn pháp với kẻ cầu pháp mà còn hủy nhục họ.
9) Chớ vì lời can mà giận dữ và chẳng phục thiện.
10) Chớ hủy báng Tam bảo.
Phạm phải 10 giới trọng này, lỗi rất nặng. Bốn mươi tám giới khinh nếu phạm có thể sám hối.

F. GIỚI ĐẠI THỪA CỦA MẬT GIÁO: (Bồ-đề Tâm Bồ-tát Giới Yết-Ma Nghi Quỹ).
Tại miền trung Thiên Trúc, nước Ma-đà-già (MAGADHA), thành Vương Xá (RAJAGRAHA), chùa Nalanda Trúc Lâm, Có vị Tam tạng Sa-môn huý DUBACALA, Trung Hoa gọi là Thiện Vô Uý (SUBHAKARASIMHA). Ngài vốn con nhà hào quý, thuộc dòng Sát-lỵ (KSATRYA), rất thông về pháp nghĩa Đại thừa. Sau khi sang Trung Hoa, có một độ Thiện Vô Uý A-xà-lê cùng với một Đại đức Thiền sư ở chùa Hội Thiện tại Tung Nhạc là Kính Hiền Hòa Thượng, đối biện về Phật pháp, luận sâu đến yếu chỉ của Đại thừa. Lời biện luận của ngài đã mở rộng tâm giới nhãn giới của quần sanh, khiến cho nhiều người mộ đạo. Trong đó có nghi quỹ thọ Bồ-đề Tâm Bồ-tát Giới Yết-ma Nghi Quỹ của Mật pháp được truyền đến ngày nay. Có thể tóm lược đại nét như sau:
1- Kính Lễ Môn.
2- Cúng Dường Môn.
3- Sám Hối Môn.
4- Quy Y Môn.
5- Phát Bồ-đề Tâm Môn.
6- Giá Nạn Môn.
7- Thỉnh Sư Môn.
8- Yết-ma Môn (Tam tụ tịnh giới:
Nhiếp luật nghi giới, tránh các điều ác 10 giới.
Nhiếp thiện pháp giới: làm các việc thiện.
Nhiêu ích hữu tình giới: làm các việc lợi ích cho người.)
9- Kiết Giới môn.
10- Tu Tứ Nhiếp Môn.
11- Thập Trọng Giới (riêng của Mật Giáo).

II. DƯ NGÔN
Tuy hành giả đã thọ Bồ-tát giới, nhưng cũng nên thọ giới pháp nội chứng thanh tịnh Vô lậu của Chư Phật mới có thể vào Định Môn. Giới pháp đó chính là Đarani bí mật mà Chư Phật đã nương vào để đi đến biển Nhất thế trí. Pháp bí mật này khó được nghe nay chỉ đối với người hữu duyên mà khai thị một đôi phần thiết yếu.

Đarani thứ I: (……….)
Chân ngôn này tụng qua ba lần, có thể nghe và đi vào cấm giới thanh tịnh cùng các pháp bí mật khác, có đầy đủ luật nghi thanh tịnh của tất cả Bồ-tát.

Đarani thứ II: (……….)
Chân ngôn này tụng ba biến, có thể phát tâm Bồ-đề kiên cố cho đến khi thành Phật không bị thoái chuyển.

Đarani thứ III: (……….)
Tụng ba biến liền được tất cả Giới tạng rất sâu và đầy đủ nhân Nhất thế chủng trí.

Đarani thứ IV: (……….)
Tụng ba biến, có thể vào tất cả ngôi quán đảnh Mandala, đối với các pháp bí mật khi nghe không còn bị chướng ngại, kham vào vị quán đảnh của Bồ-tát và thọ trì các Định môn.
(Thiện Vô Uý Tam Tạng Thọ Giới Sám Hối Văn và Thiền Môn Yếu Pháp).

III. NGHI THỨC TRÌ NGŨ BỘ CHÚ – TINH HOA CỦA MẬT-TÔNG PHẬT-GIÁO
GIAI ĐOẠN I: Hành trì trong vòng 100 ngày (108 biến mỗi thời công phu).
GIAI ĐOẠN II: Hành trì trong thời gian một năm (5×108=540 biến mỗi thời công phu).
GIAI ĐOẠN III: Hành trì trong thời gian ba năm ba tháng ba ngày (5×108=540 biến mỗi thời công phu).

Hình ảnh

Chọn ngày rằm, trước tượng Phật, mua một tấm kiếng chưa từng đối trước mặt, kiết Ấn Chuẩn-đề trì 108 biến “Ngũ Bộ Chú” trong Kiếng Đàn. Sau mỗi lần công phu để “Kiếng Đàn” trước mặt ngồi bán già hay kiết già trì chú theo nghi thức sau: (trì niệm trong tâm để thiền định trong Mật Tông).

A. NGHI THỨC KÍNH LỄ MƯỜI PHƯƠNG PHẬT, PHÁP, TĂNG.
1. Chí tâm đảnh lễ Nam-mô Thập Phương Pháp Giới Thanh Tịnh Diệu PHÁP THÂN TỲ-LÔ-GIÁ-NA PHẬT (tức Thượng Đế). (1 lạy)
2. Chí tâm đảnh lễ Nam-mô Thập Phương Pháp Giới Viên Mãn BÁO THÂN LÔ-XÁ-NA PHẬT. (1 lạy)
3. Chí Tâm Đảnh Lễ Nam-mô Thập Phương Pháp Giới Giải Thoát TƯỚNG NGHIÊM THÂN NHỨT THIẾT ỨNG HÓA PHẬT. (1 lạy).
4. Chí Tâm Đảnh Lễ Nam-mô Thập Phương Pháp Giới Thâm Diệu Mật Tạng Nhất Thiết Đà-ra-ni Môn. (1 lạy)
5. Chí Tâm Đảnh Lễ Nam-mô Thập Phương Pháp Giới Pháp Trí Nhị Nghiêm Thân Nhất Thiết Hải Chúng Bồ-tát. (1 lạy).

B. NGHI CÁCH TRÌ NGŨ BỘ CHÚ:
Kiết Ấn Chuẩn Đề niệm thầm:
ÚM LAM – ÚM XỈ LÂM – ÚM MA NI PAD MÊ HUM – ÚM CHIẾC LỄ CHỦ LỄ CHUẨN ĐỀ TA BÀ HA – BỘ LÂM. (đọc toàn bộ 5 câu chú này 108 lần).

C. HỒI HƯỚNG CÔNG ĐỨC TRÌ CHÚ:
1. Phục nguyện:
Tam Bảo Chứng Minh. Oai Thần Hộ Niệm. Bồ-tát Thanh văn. Phạm Thiên Đế Thích. Tứ Thiên Vương Chúng. Thiên Long Bát Bộ. Hộ Pháp Thần Vương. Nhất Thiết Thiện Thần. Đồng Thuỳ Chứng Giám. Đệ Tử Chúng Đẳng. Chí Tâm Trì Chú. Hồi Hướng Công Đức. Sơn Lâm Thủy Lục. Không Dã Thị Thành. Oan Hồn Yểu Tử. Nhất Thiết Hương Linh. Cầu Sanh Tịnh Độ.

2. Thứ Nguyện:
Đệ Tử Chúng Đẳng. Tiêu Trừ Nghiệp Chướng. Tà Ma Ngoại Đạo. Yêu Quái Ác Tinh. Ly My Vọng Lượng. Áp Từ Chú Trở. Tật Bệnh Tội Khiên. Tai Nạn Hoạnh Ương. Nhất Thiết Ác Duyên. Tất Giai Tiêu Diệt.

3. Phổ Nguyện:
Tứ Thới An Lạc. Sở Trụ Phong Nhiêu. Phước Huệ Tăng Long. Tùy Tâm Mãn Nguyện.

NAM-MÔ CÔNG ĐỨC LÂM BỒ-TÁT
(Đọc 3 lần lạy 3 lần)

IV. BẢY PHÁP MÔN TU TẬP THIỀN ĐỊNH CỦA MẬT GIÁO:
Nghiên cứu tỷ giảo về nhiều loại kỹ thuật thiền định của các tôn giáo, học phái và tông phái khác nhau là một chủ đề khó khăn và hấp dẫn vượt quá phạm vi của sách này. Nhưng những pháp môn tu tập thiền định chánh của Phật giáo Đại thừa có thể tóm tắt trong bảy nhóm:

1. Tu thiền bằng Sổ Tức Quán. Theo lý thuyết căn bản “Tâm Khí Bất Nhị”, nếu ta có thể điều phục được hơi thở ta có thể điều phục được tâm. Do đó, luyện thở là một trong những lối nhập định (Samadhi) hay nhất.

Thiền định

Chữ “Sổ tức quán” ngụ ý tập điều ngự hơi thở theo một phương pháp đã được quy định. Các phương pháp thông thường nhất là đếm hơi thở, hoặc là đình chỉ, hoặc giữ nó lại. Trong hai cách này, có lẽ cách thứ nhất là cách dễ dàng và an toàn nhất. Cách này vẫn được các Thiền sư tha thiết tiến dẫn và được rất nhiều hành giả tu tập suốt hàng thế kỷ. Không giống các loại khác, loại thiền định này có thể tu tập mà không cần dựa tuyệt đối vào sự hướng dẫn của Đạo sư (GURU) nếu ta thâm hiểu về những kỹ thuật thở và hiểu nguyên tắc căn bản của pháp môn tu tập thiền định. Đại Sư Trí Khải Khai Tổ Thiên Thai Tông Trung Hoa giải thích phép luyện thở “Sổ và Tùy” rất minh bạch trong tập sách lừng danh của ngài “Lục Diệu Pháp Môn” hay 6 lối tuyệt diệu vào giác ngộ.

2. Tu thiền bằng cách chuyên tâm vào một điểm. Đây là một lối tu thiền có vẻ giản dị, nhưng thực ra khó khăn. Nhiều Đạo sư (GURU) khuyên hành giả trước tiên phải tinh thông các phép luyện thở đến một mức độ nào đó trước khi khởi sự pháp tu thiền “chuyên tâm vào một điểm” này, nếu không hành giả hẳn thấy nó khó khăn và chán nản. Chuyên tâm vào một điểm ngoài thân thể, nghĩa là tập trung sự chú ý vào bất cứ một đối tượng nào trước mặt ta thì an toàn hơn, nhưng không hữu hiệu bằng chuyên tâm vào một điểm đặc biệt nào đó trong thân thể. Tập trung chú ý vào bất cứ thành phần nào trong thân thể hẳn đưa lại những kết quả phi thường và đôi khi lạ lùng. Chuyên tâm vào một trọng tâm thân thể đặc biệt nào đó hẳn luôn luôn đem lại một kinh nghiệm tâm linh đặc biệt. Chẳng hạn chuyên tâm vào một điểm giữa hai chân mày sẽ đưa lại kinh nghiệm ánh sáng và chuyên tâm vào lỗ rún đem lại một kinh nghiệm an lạc. Khi chuyên tâm vào trái tim, các nguồn lực tích cực của thân thể sẽ chóng trở nên hợp nhất và vì thế sẽ kịp thời đưa lại kinh nghiệm “không chiếu diệu” hay “không an lạc”. Những nhà Phật giáo Mật tông xác nhận rằng mỗi trung tâm trong năm trung khu (Chakras) chính của thân thể có những chức vụ đặc biệt và những công dụng ưu biệt của nó. Chỉ có một Đạo sư (GURU) đã đắc đạo mới giải thích được chúng một cách mật thiết, có thẩm quyền tài liệu chi tiết hơn về vấn đề này có thể tìm thấy trong văn học Mật Tông Tây Tạng.

3. Tu thiền bằng cách quán tưởng. Nếu ta nhắm mắt và quán tưởng một hình ảnh ta sẽ khám phá ra ngay là việc ấy khó khăn biết bao. Hình ảnh ấy luôn luôn mập mờ và dao động: nó phai mờ, phù trầm và không chịu đứng yên hay hiện ra hoàn toàn. Quán tưởng là một trong những pháp môn hay nhất để chế phục tâm và khí (prana). Mật Tông đặc biệt nhấn mạnh tính cách hữu dụng của nó và áp dụng nó trong hầu hết các hình thức thiền định. Hàng trăm quán tưởng tu tập pháp khác nhau được cung ứng cho các nhu yếu cá nhân và cho các ứng dụng đặc biệt. Quán tưởng một đối tượng tĩnh hoặc một hình ảnh bên ngoài thân thể được xem là một cách luyện tập sơ bộ và chuẩn bị, quán tưởng một đối tượng lưu hành trong một quỹ đạo hữu hạn trong thân thể được xem là một pháp môn tu tập cao hơn. Cố quán tưởng một hình ảnh hết sức phức tạp với những chi tiết của nó tuyệt cho những người sơ cơ đang học cách thắng ngự cái tâm loanh quanh của mình, và những thiền định cao hơn thì nên quán tưởng một hình ảnh giản dị hơn. Trong các loại quán tưởng tiến bộ hơn hành giả phải quán tưởng một hình ảnh lớn trong một không gian rất nhỏ. Nhiều đạo sĩ Tây Tạng có thể quán tưởng rõ rệt một Mạn-đà-la (Mandala) lớn trong khoảng một hạt đậu nhỏ xíu. Do đó, quán tưởng một mặt có thể khai mở cái tiềm lực vĩ đại và linh động của tâm và mặt khác có thể đem hành giả đến trạng thái định cao.

4. Tu thiền theo Mantram Yoga (niệm hay tụng các minh chú hay huyền môn). Trong khi “Quán Tưởng” là một pháp môn tu tập thiền định sử dụng tâm nhãn, Mantram Yoga, sử dụng tâm nhĩ. Âm thanh cũng như thị giác, có thể sử dụng như là một phương tiện đưa ta nhập định. Niệm một lời cầu nguyện hay Mantram, hoặc niệm một chữ đơn độc linh thiêng như “OM” hay “AH” là một pháp môn tu tập rất được phổ cập ở Đông phương. Mặc dù Phật giáo không nhấn mạnh sự quan trọng của âm thanh đến mức như “Ấn Độ Giáo”, thế nhưng “Yoga âm thanh” xưa nay vẫn là một trong các trụ cột thiền định Phật giáo và được tu tập sâu rộng với các tu sĩ và cư sĩ Phật giáo. Nó được phổ cập như vậy là vì 3 lý do:

Nó là loại thiền định dễ dãi và an toàn nhất, nó là loại thiền định có tính cách sùng mộ và nó thỏa mãn các nhu yếu tôn giáo của quần chúng. Pháp môn tu tập thiền định bằng cách niệm một lời cầu nguyện, một Mantram, hoặc danh hiệu một vị Phật là loại thiền định phổ cập và ảnh hưởng nhất trong các thiền định khác nhau và được Phật giáo đồ đủ mọi trình độ tu tập.

5. Tu thiền bằng cách vận động. Samadhi là một tâm trạng mà ta có thể đạt đến được bằng rất nhiều phương pháp mà trong đó, nói tổng quát, loại trực tiếp nhất là loại “tinh”. Nhưng như thế không hề có ý nghĩa đó là cách độc nhất để nhập định. Một vài lối vận động đặc biệt nào đó cũng có thể đưa đến nhập định. Chẳng hạn Thái Cực Quyền danh tiếng của Đạo giáo Trung Hoa do Đạo sĩ vĩ đại, Trương Tam Phong thời nhà Minh sáng chế, là một pháp tu tập thiền định tuyệt diệu cũng như Thiếu Lâm của Mật tông Phật giáo là một pháp môn độc đáo nhằm khai mở những quyền năng vô hạn của con người. Các loại quyền này do Tiên Thánh mật truyền và là một lối luyện tập rất ôn nhu, được phát minh một cách tinh xảo để đem các nguồn lực tiêu cực và tích cực đến chỗ hài hòa viên mãn, do đó tự điều hòa tâm, chế phục khí và còn có thể đưa ta đến nhập định trực tiếp.

Có một pháp môn tu tập thiền định độc đáo khác do các Đạo gia phát minh, gọi là “Nhất Tự Quyết” hoặc các loại Yoga xác thân của Mật giáo, nhờ đó mà hành giả có thể đánh thức dậy cái KUNDALINI (Sinh Lực) trong một vài ngày bằng một số cách vận động đặc biệt của hai ngón tay cái. Cách chính xác của vận động này được giữ tuyệt đối bí mật và chỉ được mật khải khi hành giả tiến hóa đến một trình độ tâm linh nào đó. Nói tổng quát, Phật giáo không nhấn mạnh đến sự áp dụng vận động cho các mục đích thiền định, mặc dù Phật không bác bỏ sự hữu dụng của nó và còn áp dụng nó trong những trường hợp nhất định nào đó như là một lối luyện tập phụ trợ rất hay.

6. Tu tập thiền bằng cách chuyện tâm vào thiện ý (hay những tư tưởng sùng mộ). Theo quan điểm tâm linh, lối thiền định này quan trọng hơn hết trong 5 lối thiền định chúng ta vừa bàn đến. Có một giáo lý, được rất nhiều hành giả Phật giáo tu tập, gọi là “Tứ Vô Lượng Tâm” dùng để tôi luyện thiện tưởng và thiện ý đối với tất cả chúng sanh và giảm bớt những chướng ngại giữa mình và người khác, những chướng ngại đã gây ra quá nhiều bất hạnh cho thế gian. Lối thiền định này được các Phật tử xem là nền tảng và chuẩn bị cho các lối thiền định khác. Ở Tây Tạng những bài kệ về “Tứ Vô Lượng Tâm” này được tụng niệm và chiêm nghiệm trước khi bắt tay tu tập bất cứ lối thiền định nào. Thiếu sự chuẩn bị tâm linh phát sinh nhờ sự rèn luyện thiện ý và sùng mộ, bất cứ loại nào cũng khó mà có kết quả lành mạnh được, thay vì vậy nó còn có thể đưa ta đi lạc đường. Các hành giả không ngộ được sau thời kỳ tu thiền dài đăng đẳng thường khám phá ra rằng công trình chuẩn bị trong phạm vi sùng mộ và tâm linh của họ thiếu sót. Khi ấy họ hẳn trở lại tu tập pháp căn bản như là “Tứ Vô Lượng Tâm”, “Bồ-tát Nguyện” cầu nguyện, lễ bái, v.v… để trừ bỏ khiếm khuyết của họ trong phạm vi này. Những người nỗ lực nghiêm nghị để giác ngộ không bao giờ được sao lãng nó.

7. Tu thiền bằng cách đồng nhất tâm tánh: Đây là lối thiền định “dễ dãi” của thiền và “Đại Thủ Ấn” (MAHAMUDRA). Đó là một lối thiền không có một đối tượng gì để chuyên tâm vào cả, tác động đột khởi và tuyệt diệu của tâm, tuyệt đỉnh và và cốt tủy của tất cả giáo lý. Đối với những kẻ chưa vào cổng thì đây là một pháp môn khó nhất. Nhưng đối với một kẻ đã vào thì đây là một pháp môn dễ nhất. Tất cả những luyện tập và tu tập khác chỉ là những chuẩn bị cho nó. Điểm cốt yếu của pháp môn này là nhận ra được bản tánh của tâm mình, hoặc ít ra thoáng thấy được nó. Một khi đã nhận ra được tâm tính, hành giả hẳn cố thâm nhập vào nó bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu không chút khó khăn. Trong động hoặc trong tĩnh, cái ý thức “không chiếu diệu” hẳn luôn luôn chiếu sáng trong hành giả. Mặc dù sau khi nhận ra hoặc thấy tâm tính vẫn còn một con đường dài để đi, cái “thoáng thấy” đầu tiên được tất cả các hiền triết Phật giáo xem là điều quan trọng nhất, mà tất cả các hành giả thoạt tiên phải cố đạt được. Một khi đã vào được cái “cổng không cổng”, thiền định không còn là một tu tập hoặc một nỗ lực. Bấy giờ nó đã trở thành một tác động tự nhiên ngẫu phát của đời sống. Nhưng để đạt được cái “cổng không cổng” này, ta phải tu tập chăm chỉ pháp môn “không có gì để tu này” hoặc theo con đường thiền, hoặc theo con đường Đại Thủ Ấn. (“Tạng Thư Về Đại Giải Thoát” hay Tibetain Book of The Great Liberation và “Yoga Tây Tạng và Giáo Lý Bí Truyền” hay Tibetain book Yoga and Secret Doctrine cuốn II của Evans-Wentz).

Chia Sẻ bài Viết
0 0 votes
Article Rating
Nhận Thông Báo
Thông báo khi
0 Comments
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận