CHƯƠNG V: QUẢ TƯỚNG

I. MỘNG CHỨNG.

Này Tô-bà-ha Đồng tử! Khi niệm tụng không nên quá chậm, cũng không được quá mau, âm thanh vừa nghe không được lớn nhỏ, chẳng nên gián đoạn, chớ xen tạp nói chuyện với người, chớ để tâm duyên nơi cảnh khác, với các tư thế chớ có sai lầm. Ví như nước sông lớn ngày đêm trôi chảy không ngừng nghỉ, người trì tụng tu các công đức như cúng dường, lễ bái, tán thán… ngày đêm tiếp tục cũng lại như vậy. Nếu hành giả thoạt tưởng đến các cảnh tạp nhiễm, hoặc khởi niệm giải đãi, ái dục, nên mau hồi tâm quán văn tự của chơn ngôn; hoặc quán bổn tôn hay thủ ấn. Ví như người tu Tỳ-bạt-xá-na trụ tâm nơi chót mũi hoặc giữa đôi mày, lần lần tâm được thuần thục, khi đối cảnh không còn loạn động. Đó gọi là quán hạnh thành tựu. Bậc Du-già hành giả cũng thế, nếu đối với cảnh sở duyên về chơn ngôn tâm không lay động, tức được “Trì minh” thành tựu. Cho nên muốn cầu tất địa hành giả nên nhiếp tâm nơi một cảnh. Khi tâm đã được điều phục sự hoan hỷ tự phát sanh, tùy nơi hoan hỷ thân liền nhẹ nhàng, tùy nơi nhẹ nhàng thân được an vui, tùy nơi an vui tâm liền được định, tùy nơi được định, không còn nghi lực khi niệm tụng, tùy nơi niệm tụng tội liền tiêu diệt, tùy nơi tội tiêu diệt tâm được thanh tịnh. Vì tâm thành tựu nên thành tựu pháp chân ngôn. Cho nên Như Lai nói: “Tất cả các pháp vui thù thắng của nhân thiên. Do tâm tạp nhiễm mới bị nỗi khổ tam đồ cho đến cảnh gian nan nghèo khổ.” Nếu tâm thanh tịnh cùng cực, hành giả sẽ xa lìa đất, nước, gió, lửa, sanh già bệnh chết, không chấp hai bên, đi vào cảnh giải thoát vắng lặng. Như tâm được một ít phần thanh tịnh, pháp chơn ngôn cũng dễ thành, hành giả sẽ xa lìa sự vui vô thường, biến hoại. Các pháp đều từ tâm sanh, chẳng do thời gian, không phải tự nhiên xuất hiện, không phải do tự nhiên tạo tác, chẳng phải không nhân duyên, cũng chẳng từ nơi ngã mà sanh, chỉ vì vô minh nên chúng sanh lưu chuyển trong nẻo luân hồi, do 4 đại hòa hợp giả gọi là Sắc, sắc chẳng phải ta, ta chẳng phải sắc. Do đó suy diễn ra, 4 uẩn kia cũng không. Sắc uẩn vô thường như cụm bọt, Thọ như bóng nước, Tưởng như hơi nóng, Hành như chuối cây, Thức dường trò huyễn. Nhận xét như thế mới là chánh kiến, nếu khác là tà kiến.

Lại nữa, Tô-bà-ha Đồng tử! Nếu hành giả trì tụng chân ngôn đủ số lượng, tự biết mình gần với Tất Địa. Tại sao thế? Vì trong giấc mơ, kẻ trì tụng tất thấy một hoặc nhiều hóa tướng như sau: Thấy mình bước lên lầu cao đẹp, đi lên đỉnh núi cao hoặc leo lên cây to. Thấy mình cưỡi ngựa bạch, cưỡi cọp bạch, cưỡi con tê ngưu, cưỡi bạch tượng, cưỡi trâu trắng hoặc trâu vàng. Nghe giữa hư không có tiếng sấm lớn, nghe tiếng thuyết pháp. Thấy mình có được tiền của, được tràng hoa, được áo ngũ sắc sạch đẹp, được rượu thịt, được các thứ trái cây có nước, được hoa sen xanh, vàng, đỏ, trắng, được tôn dung của Như Lai, được xá-lợi của Phật, được kinh điển Đại thừa, được lạc đà, được trâu nghé, được đầy xe đồ vật, được cây phất trần, được dép giày, được gươm đao, được cây quạt làm bằng lông đuôi chim công, được chuỗi vàng, chuỗi ngọc, được châu báu, được gái xinh đẹp đoan chánh, thấy mình ở trong đại hội, được cùng Phật, Bồ-tát, chư Thánh Tăng đồng tòa mà thọ thực. Thấy mình gặp cha mẹ được những đồ trang sức, được nằm giường ngà có nệm trắng lót phủ. Thấy mình đi qua biển cả, qua sông lớn, đầm rộng, qua hồ ao. Thấy tắm gội thân thể, thấy mình vào chùa vào tháp, vào tăng phòng. Thấy Như Lai ngồi nơi tòa báu vì hàng Nhơn, Thiên, Bát Bộ thuyết pháp, mình cùng đồng dự nơi Pháp hội nghe lời Phật dạy. Hoặc thấy hàng Duyên giác nói pháp Thập Nhị Nhân Duyên, thấy Thánh tăng nói về bốn quả chứng, thấy Bồ-tát nói pháp Lục độ Ba-la-mật, thấy Đại Lực Thiên Vương nói pháp khoái lạc ở cõi trời, thấy Ưu-bà-tắc nói pháp chán lìa thế tục, thấy Ưu-bà-di nói pháp chán lìa nữ nhân. Hoặc thấy Quốc vương, thấy chúng A-tô-la Đại Lực, thấy Bà-la-môn đại tịnh hạnh, thấy bậc trượng phu anh tuấn, thấy hàng phu nhân đoan chánh, thấy bậc trưởng giả chánh trực, giàu sang, hiền lành. Trong giấc mộng, hành giả thấy mình cùng quyến thuộc tụ hội một chỗ, thấy khổ hạnh tiên nhơn, thấy các trì minh tiên nhơn, thấy người trì tụng nhiệm mầu, thấy nuốt mặt trời, mặt trăng, thấy mình nằm trên biển cả, chúng sanh ở biển trôi vào bụng. Hoặc thấy mình uống nước bốn biển đại châu, thấy mình cưỡi con rồng phun nước tưới nhuần khắp bốn châu lớn, thấy mình bay lên hư không, thấy mình ngồi ở núi Tu Di, Long Vương bốn châu đều đến đảnh lễ. Hoặc thấy mình vào trong đám lửa lớn, thấy người nữ ẩn vào thân mình.

Này Tô-bà-ha Đồng tử! Khi người trì chơn ngôn công hạnh sắp thành tựu, tất thấy những điềm mộng thù thắng như thế. Lúc thấy như thế rồi, nên biết thời gian nửa tháng hoặc một tháng sắp tới, hành giả sẽ được tất-địa. Nếu luận về mộng tưởng của người trì tụng chơn ngôn thì thật không kể xiết, ta chỉ lược thuật thế thôi. Như hành giả tinh tấn không lui sụt, quyết định sẽ thấy cảnh giới thượng thượng (Kinh Tô-bà-ha Đồng Tử).

 

II. QUẢ TƯỚNG TU TRÌ.

Nếu hành giả trì môn bí mật này, tu tập được tinh thuần rồi, tất cả sở cầu đều được như ý, thông hiểu nghĩa mầu tối thượng của các pháp chứng Vô Ngại Tuệ, không còn phân biệt, lòng tin đầy đủ, có thể biết việc ba đời của người khác. Hành giả lại được chư Phật, Bồ-tát hiện thân đến trước, khai thị về đạo lý xuất sanh tất cả các Pháp môn và có thể soi biết tự tánh của ngã pháp. Du-già Hành nhơn, khi đã được như thế rồi, có thể biến hóa các tướng, như hiện ra thân Chấp Kim Cang Đại Phẫn Nộ Vương hay điều phục tất cả loại khó điều phục, hoặc hiện các sắc thân có đại quang minh để cứu độ chúng sinh, làm lợi ích lớn. Hành nhơn lại có thể thành tựu tất cả minh chú, ấn tướng tam-muội, cùng pháp Mandala, trở thành bậc Đại Chú Minh Vương Tối Thắng. Tất cả các thần Tỳ-na-dạ-ca cực hung mãnh, cho đến ma hoặc ma tộc, ngày đêm thường theo ủng hộ hành giả, ở tất cả các chỗ mà không hiện thân, không cho các loại ác rình rập, chờ dịp thuận tiện để làm hại. Người trì chú thường kiến lập nghiệp thân, ngữ, ý trụ nơi chánh pháp, được tất cả chư Phật, Bồ-tát xót thương nhiếp thọ, được tài biện luận không sợ hãi đối với tất cả pháp và hay quán soi tự tánh vô ngã. Tất cả Phạm Vương, Đế Thích, cùng chư Thiên ở thế giới này, cho đến Hộ Thế chư Thiên ở mười phương ngày đêm cũng thường hộ vệ, khiến cho hành giả khi đi, đứng, nằm, ngồi thường được yên ổn (Kinh Phật Thuyết Tối Thắng Diệu Kiết Tường Căn Bản Trí Tối Thượng Bí Mật Nhất Thế Danh Nghĩa Tam-ma-địa Phần).

 

III. CHÍN PHẨM THÀNH TỰU CỦA MẬT CHÚ.
Công phu tu tập thành tựu, hành giả sẽ đạt được một trong chín phẩm sau đây của mật chú:

1. HẠ PHẨM.
a) Hạ Hạ: Năng nhiếp phục tất cả tứ chúng, phàm có sở cầu, cử ý tùng tâm, tất cả Thiên Long thường đến thăm hỏi, lại hay hàng phục tất cả trùng thú và quỷ mỵ.
b) Hạ Trung: Có công năng sai sử tất cả Thiên Long Bát bộ hoặc ra vào A-tô-la cung hoặc Long cung, đi ở tùy tâm.
c) Hạ Thượng: Liền được Tiên đạo, thừa nương hư không bay đi qua lại. Trên trời dưới đất đều được tự tại: thế gian xuất thế gian chẳng việc gì mà không đạt đến.

2. TRUNG PHẨM.
a) Trung Hạ: Làm vua trong các Tiên chú, Phước đức, Trí tuệ, ba cõi không gì có thể so kịp.
b) Trung Trung: Liền được thần thông qua lại các thế giới, làm chuyển luân vương, trụ thọ một kiếp.
c) Thượng Trung: Hiện chứng từ Sơ địa Bồ-tát trở lên.

3. THƯỢNG PHẨM.
a) Thượng Hạ: Được đến Ngũ địa Bồ-tát trở lên.
b) Thượng Trung: Được đến Bát địa Bồ-tát trở lên.
c) Thượng Thượng: Tam mật biến thành tam thân, chỉ trong đời này chứng quả Vô thượng Bồ-đề.

Đây là tóm lược chín phẩm thành tựu tu trì của người hành giả tu Mật pháp.

Chia Sẻ bài Viết
0 0 votes
Article Rating
Nhận Thông Báo
Thông báo khi
0 Comments
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận