PHẦN 4: NA TRA XUẤT HIỆN NƠI ẢI TRẦN ĐƯỜNG

Đây nói về ông Thái Ất ở động Kim Quang, thuộc núi Cát Nguyên là một vị tiên sống trên cả ngàn năm (ấy bởi luật Thiên Đình, muốn dùng các tiên ra giúp Khương Tử Nha, chém tướng Phong Thần cho đủ chức sau khi nhà Châu diệt nhà Thương xong, đem lại thái bình cho muôn dân. Chừng ấy ông Nguyên Thỉ mới tiếp tục giảng kinh lại và các tiên mới được phép tu tiếp). Ngày kia ông đang ngồi trong động, bỗng thấy Bạch Hạc đồng tử đến nói:

– Ngài Nguyên Thỉ dạy rằng: “Chẳng bao lâu sẽ sai Khương Thượng ra đời, vậy ông phải cho Linh Châu Tử đầu thai xuống trần kẻo trễ.”

Thái Ất thấy có lệnh thầy mình ban xuống, liền cúi đầu đón nhận.

– Việc ấy ta đã biết rồi.

Bạch Hạc đồng tử liền giã từ ra về.

Bấy giờ tại ải Trần Đường, quan tổng binh là Lý Tịnh vốn học trò cũ của ông Độ Ách ở núi Côn Lôn, khi còn nhỏ có đi tu, sau bị đuổi về, ra phò vua Trụ. Vợ Lý Tịnh là Ân phu nhân sanh được hai con, hình dung tuấn tú. Con lớn tên là Kim Tra, con nhỏ tên là Mộc Tra. Đến nay Ân phu nhân lại mang thai nữa, hơn cả năm mà chưa khai hoa nở nhụy.

Lý Tịnh buồn bã than:

– Thai nghén khác thường chắc là loài quái thai.

Ân phu nhân cũng sợ, nhưng không biết làm sao.

Đêm kia, Ân phu nhân đang nằm ngủ trong phòng, thấy một đạo sĩ đầu chừa hai vá, tay cầm gậy, râu dài đuộc bước đến.

Ân phu nhân nạt lớn:

– Thầy là ai? Không biết phép, dám vào phòng riêng của ta?

Đạo sĩ nói:

– Phu nhân mau lãnh con quí.

Nói xong ném một vật lạ vào bụng của bà. Phu nhân giật mình thức dậy, mồ hôi ướt đẫm mình, gọi chồng thuật lại câu chuyện, vừa xong thì chuyển bụng, rên la rất dữ. Phu nhân đã đến lúc lâm bồn. Được một lúc thế nữ ra thưa cùng Lý Tịnh:

– Phu nhân đẻ ra một cái quái thai.

Lý Tịnh nghe nói thất kinh, xách gươm vào phòng, nghe mùi thơm ngào ngạt, chợt thấy trên giường phu nhân có một cái bọc lớn bằng cái bánh xe. Lý Tịnh cầm gươm chém rách cái bọc ấy, tức thì bên trong có một đứa bé, mình chiếu hào quang, mắt như dồi phấn.

Lý Tịnh vội bồng đứa bé trao cho phu nhân. Vợ chồng trầm trồ, cưng như trứng mỏng.

Hôm sau có một đạo sĩ đến trước ải xin vào ra mắt. Lý Tịnh trước kia là người tu hành, nên không dám xem thường các đạo sư, liền ra rước vào.

Lý Tịnh hỏi:

– Chẳng hay đạo sư ở núi nào?

Đạo sĩ nói:

– Ta là Thái Ất ở động Kim Quang, núi Cát Nguyên, nghe tướng quân sanh con quí nên đến chúc mừng. Vậy cho ta xem thử.

Lý Tịnh truyền thế nữ bồng đứa bé ra ngoài. Thái Ất bồng đứa bé vào lòng xem xét và hỏi:

– Sanh vào giờ nào vậy?

Lý Tịnh đáp:

– Đúng vào giờ Sửu.

Thái Ất nói:

– Không tốt.

Lý Tịnh nói:

– Khó nuôi lắm sao?

Thái Ất nói:

– Sanh nhằm giờ ấy thì phạm sát sinh. Nó giết hơn một ngàn bảy trăm mạng.

Thái Ất tiếp:

– Sau này cho nó theo tôi làm đệ tử có được không?

Lý Tịnh đáp:

– Được đạo sư thương tình như vậy còn gì quí hơn.

Thái Ất hỏi:

– Tướng quân được mấy vị công tử?

Lý Tịnh đáp:

– Tôi có ba đứa con trai. Thằng lớn tên Kim Tra đi học với Văn Thù ở núi Ngũ Long. Thằng thứ nhì tên là Mộc Tra đi học với Phổ Hiền ở núi Cửu Cung. Còn thằng thứ ba đó, nếu đạo sư muốn dùng làm đệ tử xin cứ đặt tên.

Thái Ất nói:

– Ta đặt nó là Na Tra, cũng lấy chữ hai đứa lớn.

Lý Tịnh cảm tạ, rồi truyền dọn cơm chay thết đãi.

Thái Ất nói:

– Ta có việc gấp, xin kiếu về.

Lý Tịnh đưa ra khỏi phủ.

Na Tra xuất thế (Ảnh: lovestone)

Lời bàn:

Truyện Phong Thần ở những đoạn sau có ghi rõ: Thượng Đế phó thác cho ba vị giáo chủ thời đó: Nguyên Thỉ Thiên Tôn – Thái Thượng Lão Quân – Thông Thiên Giáo Chủ xếp hạng và thông qua bảng Phong Thần để chọn các môn đệ của mình ai đắc Tiên và ai chứng quả Thần.

Bấy giờ ông Nguyên Thỉ lãnh nhiệm vụ giáo đạo cho loài người để tu lên Tiên, nên người ta gọi ông là giáo chủ của phe “Xiển giáo”, tức là phe chánh đạo. Đức Thông Thiên Giáo Chủ là thầy của phe “Triệt Giáo” hay phe tà đạo, sở dĩ bị gọi như thế là vì bên khối Triệt gồm các loài vật, cây, đá… tu để thành Tiên, nhưng vì bẩm tánh nhiều nặng trược nên thành Thần thì nhiều mà thành Tiên thì rất ít. Ông Thông Thiên đi họp ở thiên đình về có thông báo cho các môn đệ mình rõ và khuyến cáo: Bên khối Triệt nhiều người sẽ bị diệt vong, ai ở yên trên động tụng kinh Huỳnh Đình thì thành Tiên, còn bằng không cãi Trời xuống núi mà đa đoan thế sự ắt phải bỏ mạng mà lên đài Phong Thần. Đó là việc Thiên cơ đã ấn định.

Nói đến Thiên cơ tức là cơ Trời đã định sẵn, người ta thường có rất nhiều quan điểm đối nghịch nhau:

Những người tin vào thuyết định mệnh thì chấp nhận việc đó một cách dễ dàng và có khi còn đi quá xa khi cho rằng “Nhất ẩm nhất trác giai do tiền định” (miếng ăn miếng uống đều do Trời định trước cả).

Một số người khác phủ nhận thuyết định mệnh và quyền hạn của thần linh, đã đưa ra những luận cứ hết sức mạnh mẽ để bài bác Thượng Đế và Thần linh như là những nhân vật hoặc năng lực có thể chi phối đến con người và cuộc nhân sinh. Giáo thuyết Tiểu thừa Phật giáo có ghi: “Như vậy, chính do sự tạo tác của đấng tối cao mà con người trở nên sát nhân, trộm cắp, tà dâm, giả dối, phỉ báng, thô lỗ, nhảm nhí, thèm thuồng, khao khát, hiểm độc, tinh quái và hiểu biết sai lầm. Do đó nếu chủ trương có một Thần linh là nguồn gốc của tất cả những điều ấy thì sẽ không có sự cần thiết để làm, hoặc để tránh hành động ấy.” Người có mắt ắt thấy cảnh đau thương của đời sống. Tại sao Brahma (Thượng Đế) không tạo một vũ trụ hoàn toàn tốt đẹp, nếu oai lực của Ngài là vô hạn? Tại sao ít khi Ngài nâng tay để ban phước lành? Tại sao tạo vật mà chính Ngài đã sinh ra lại phải bị đọa đày trong cảnh khổ? Tại sao Ngài không ban hạnh phúc cho tất cả? Tại sao đời sống lại đầy rẫy những sự giả dối lừa đảo, si mê? Tại sao gian tham toàn thắng chơn thật, và công lý lại thất bại? Ta liệt Brahma (Thượng Đế) vào dạng bất công đã tạo nên một thế gian hư hỏng”. Trong một đoạn sách khác có chép: “Nếu có một Thần linh toàn quyền, ban phước cũng như gieo họa cho tạo vật được chính Ngài tạo ra và cho chúng nó những hành động tốt hay xấu, Thần linh ấy quả thật đầy tội lỗi. Con người chỉ thừa hành ý muốn của Ngài.”

Ngay cả trong thần học Thiên Chúa Giáo, một tôn giáo hoàn toàn tin tưởng vào sự tạo lập ra vũ trụ và muôn loài do một đấng Thượng Đế toàn năng, toàn giác cũng đã có một số ý kiến đối nghịch lại với niềm tin vào khả năng tuyệt đối của Đức Chúa Trời khi cho rằng Thượng Đế chỉ tạo ra điều thiện, nhưng Sa-Tăng đã tạo phản lại với Đức Chúa ngay từ lúc tạo lập con người (Bà Eva bị con rắn Sa-Tăng cám dỗ ăn trái cấm) trong một cuộc tranh chấp triền miên cho đến ngày nay. Đi xa hơn nữa giáo sĩ còn cho rằng các chính phủ của các nước trên thế gian từ xưa đến nay đều chịu sự sai khiến của ma quỉ, nghịch lại với nước Trời trong cuộc tranh đấu bất phân thắng bại giữa Thiện và Ác.

Đoạn sau đây trích nguyên văn trong quyển “Lẽ thật duy nhất dẫn đến sự sống đời đời”, một tác phẩm xuất bản lần thứ nhất có đến 10.000.000 bản do nhà xuất bản Watchtower Bible and Tract Society of New York, Inc., trang 59 phần “ma quỉ là vua chúa thế gian này”. (Giăng 12:31; 14:30; 16:11) Trong II Cô-rinh-cô 4:4, ma quỉ được gọi là “chúa đời nay”. Do đó, có thể suy luận rằng tất cả các nước trên trái đất này đều phục dưới quyền của Sa-Tăng, ma quỉ hay không? Kinh Thánh giải đáp: “Cả thế gian đều phục dưới quyền ma quỉ” (I Giăng 5:19). Như vậy, với tư cách “vua chúa thế gian này”, ma quỉ ảnh hưởng lớn trên loài người, dỗ dành loài người và cả đến dẫn dắt các chính phủ nữa (Khải Huyền 16: 13, 14).

Nếu bạn mở kinh Thánh và đọc Khải Huyền 12:9 bạn sẽ chú ý rằng nơi câu ấy ma quỉ được gọi là “con rồng lớn”. Đoạn tiếp theo (câu 1 và câu 2) cho chúng ta biết con rồng ấy là ma quỉ, đã lấy sức mạnh, ngôi và quyền phép lớn mà cho “con thú” tượng trưng ấy tiêu biểu sự gì? Trước hết, Sa-Tăng sử dụng quyền phép nó trên cái chi? Sa-Tăng đã đề cung gì với Jesus-Christ? “hết thảy mọi nước trên thế gian” (Luca 4:5-8) Jesus đã bác khước ngay đề cung ấy, tuy nhiên Ngài đã không phủ nhận rằng ma quỉ thống trị các nước chính trị của thế gian. Phù hợp với điều đó, Khải Huyền 13:7 nói về “con thú” tượng trưng, “nó được quyền trị mọi chi phái, mọi dân tộc, mọi tiếng và mọi nước.”

Đoạn, nhà tiên tri Danien đã làm cho nhận rõ những con thú bằng cái chi? Bằng các “nước” hay chính phủ (Danien 7:2 -7, 17, 23). Các con thú tượng trưng của sự hiện thấy của Danien và “con thú” của Khải Huyền đều có một ý nghĩa tương tợ. Bằng chứng về sự này là hai tiên tri ấy đều nói đến những con thú giống nhau: một sư tử, một con gấu, một con beo và một con thú có 10 sừng (Khải Huyền 13:1, 2). Do đó “con thú” tiêu biểu toàn thể tổ chức chính trị của ma quỉ, nó đã được thực hành một sự thống trị có tánh cách thú vật trên trái đất này trải qua nhiều thế kỷ và cho thời kỳ chúng ta. Không phải lạ lùng khi Jesus-Christ đã tuyên bố “nước của ta chẳng phải thuộc về thế gian này”, và các môn đệ Ngài cũng không thuộc về thế gian, tránh xen vào các công việc của thế gian (Giăng 18:36 17:14-16).

Không như Tiểu thừa Phật Giáo phủ nhận quyền lực của Thượng Đế và thần linh có thể ảnh hưởng đến vũ trụ và nhân loại, và cũng không như thần học Thiên Chúa Giáo khi coi rằng thế giới đã và đang bị hướng dẫn bởi các chính phủ thế gian đối nghịch lại với ý chí của nước Trời, các nhà đạo học và huyền học Đông phương đã tỏ ra hiểu biết sâu sắc hơn khi nhìn và giải thích các diễn biến của tạo vật chung quanh. Khoa luận lý hình thức (logique formelle) đã tỏ ra lúng túng khi va chạm với những cập mâu thuẫn như sau: có không, phải quấy, thiện ác, lành dữ, cương nhu, tối sáng, lạnh nóng, sanh tử, âm dương v.v… nhưng chúng không có vẻ gì kỳ lạ đối với những tư tưởng gia phương Đông. Các nhà hiền triết Á Đông đã giải thích những cập mâu thuẫn đó như sau: Ở Thiên Thu Thủy, Trang Tử viết: “Mỗi mỗi đều có hai phương diện. Muốn có phải mà không có quấy, muốn có trị mà không có loạn là chưa rõ cái lý của trời đất, cái tính của vạn vật, ấy là mơ trời mà không có đất, mơ âm mà không có dương, hai phương diện đồng có của mọi vật. Muốn phân hai phương diện tương đối ấy ra làm hai phần khác biệt, thì thật là vu phản nếu không nói là ngu xuẩn.”

Trong kinh Dịch, nho gia Châu Hy cũng có nói: “Hễ tịnh cực thì động sanh, ác cùng thì thiện sanh.”

Đạo Đức kinh cũng có viết: “Đạo sanh một, một sanh hai, hai sanh ba, ba sanh vạn vật. Trong vạn vật không vật nào là không cõng âm bồng dương. Nhân chỗ xung nhau mà hòa với nhau”, hoặc: “Họa là chỗ dựa của phúc, phúc là chỗ dựa của họa”, hay “Gió lốc không thổi suốt một buổi mai, mưa rào không mưa suốt một ngày trường” và “Mặt trời qua thì mặt trăng lại, mặt trăng qua thì mặt trời lại, mặt trời mặt trăng cùng xô đẩy nhau mà có sáng. Lạnh quá thì nóng lại, nóng quá thì lạnh lại, lạnh nóng cùng xô đẩy nhau mà năm mới thành vậy.”

Thật ra nếu nghiên cứu chu đáo, ta sẽ thấy tăm tối biết mấy khi trách: “Trời đất không có lòng nhân, xem vạn vật như loài chó rơm”. Những mâu thuẫn sẽ không còn là mâu thuẫn nữa nếu ta hiểu được: Nhục là điều kiện của vinh, nghèo là điều kiện của giàu, tối là điều kiện của sáng, quấy là điều kiện của phải, hư là điều kiện của nên, thất bại là mẹ của thành công, đau khổ là điều kiện của hạnh phúc, văn minh là điều kiện của suy tàn, động là điều kiện của tịnh, phiền não là gốc của bồ đề, Đề Bà Đạt Đa là thiện tri thức của Phật, Phật pháp bất ly thế gian pháp, sinh tử là Niết bàn, thiên ma ngoại đạo là Bồ tát thị hiện, Phật là càn thỉ quyết v.v…

Hiểu nguyên lý trên đây ta mới có thể hiểu Thiên cơ đã sắp sẵn cuộc tranh hùng cho phe Xiển và phe Triệt trong truyện Phong Thần. Riêng về việc giải thích một cách tỉ mỉ nguồn gốc và lí do của các sự việc trên, hình như hầu hết các giáo chủ đều tìm cách tránh né và viện dẫn: “Thiên cơ bất khả lậu” – “Kính nhi viễn chi” – “Đạo khả đạo phi thường đạo” – “Bất khả tư nghì” – “Ta biết rất nhiều nhưng chỉ tiết lộ được bằng nắm lá trong tay” – “Phước cho kẻ nào không thấy mà tin”, v.v…

Người học khoa Mật Giáo không bị ép uổng phải công nhận một tín điều nào cả trước khi có thể quan sát, thực nghiệm và hệ thống hóa một định luật siêu hình nào. Họ có bổn phận học hỏi tất cả các giải thích của các giáo thuyết khác nhau, nhưng họ phải được toàn quyền để kiểm chứng lại cho đến khi họ chịu chấp nhận một lời giải thích nào đó. Quan niệm như thế Mật Giáo mới được gọi là bộ môn “Khoa học siêu hình” bằng không nó chỉ là một bộ môn huyễn hoặc.

Các nhà huyền học chính mắt đã thấy những quyền năng của thần thánh có thể giáng phước cũng như chiếu họa cho con người trong rất nhiều trường hợp cụ thể. Họ có lý do xác đáng để tin tưởng và tuyên bố Thượng Đế và Thần linh có toàn quyền chi phối đến sinh mệnh của các dân tộc và toàn thể nhân loại trên quả địa cầu này… và dĩ nhiên theo một duyên do nào đó mà trí óc nhỏ hẹp của con người không thể hiểu thấu được. Tạo hóa không cần phải giải thích cho họ hiểu những sắp xếp của bộ máy Thiên cơ, ngoại trừ một số rất ít nhà tiên tri có liên hệ đến việc đó. Nhân loại cần khiêm tốn để học hỏi: “Tất cả đều có ý nghĩa, ngay những gì mà ta cho là vô ý nghĩa.”

Khoa huyền bí cũng đã xác nhận phàm những nhân vật có thiên mệnh đi xuống trần mang thể xác con người đều có những báo điềm trước khi sanh, đang sanh và sau khi sanh. Nhưng có điều người thế thường thêm bớt câu chuyện nên đã tạo dựng nhiều huyền thoại cho các bậc giáo chủ, những nhà tiên tri mà họ tôn kính, đến mức có vẻ hoang đường. Ngoài ra trong phần truyện có đề cập đến Đại trí Văn Thù Sư Lợi Bồ tát và Đại hạnh Phổ Hiền Bồ tát là hai vị Bồ tát của Mật Tông Phật Giáo bên cạnh Thái Ất Chân nhân một đạo sĩ bên Tiên Đạo; đó cũng là một minh chứng cho sự dung hòa Tiên, Phật của tác giả pho truyện Phong Thần vậy.

0 0 votes
Article Rating
Nhận Thông Báo
Thông báo khi
0 Comments
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận