Mến chào các bạn.
Mật Phước Tự xin giới thiệu đến quý đạo hữu bài giảng của Thầy Quảng Nghệ về Phẩm Phật Đạo trong kinh Duy Ma Cật.
Sau đây là bản sách nói từ bản chép tay của Thầy Quảng Nghệ, kính mời quý đạo hữu cùng lắng nghe.
Bấy giờ Ngài Văn-Thù Sư-Lợi hỏi ông Duy-Ma-Cật rằng:
– Bồ-tát thế nào là thông đạt Phật-đạo?
– Bồ-tát thật-hành phi-đạo (trái đạo) là thông đạt Phật-đạo.
– Lại hỏi: Thế nào là Bồ-tát thật-hành Phi-đạo?
– Nếu Bồ-tát gây năm tội Vô-gián mà không buồn giận, đến ở trong địa ngục mà không có tội cấu; đến trong loài súc-sanh mà không có những lỗi Vô-minh kiêu-mạn; đến trong ngạ-quỉ mà vẫn đầy đủ công-đức; đến cảnh sắc vô-sắc giới mà không cho là thù thắng; hiện làm tham dục mà không nhiễm đắm; hiện làm giận dữ mà đối với chúng-sanh không có ngại gì; hiện cách ngu-si mà dùng trí-tuệ điều-phục tâm mình; hiện làm hạnh tham-lam bỏn-sẻn mà bỏ tất cả của cải, không tiếc thân mạng; hiện phá giới cấm mà ở trong tịnh-giới, đến như tội bé nhỏ cũng hết lòng sợ sệt; hiện làm giận dữ mà thường từ-bi, nhẫn nhục; hiện làm lười-biếng mà siêng tu các công-đức; hiện làm loạn ý mà thường niệm định; hiện làm ngu-si mà thông đạt trí-tuệ thế-gian và xuất-thế-gian; hiện làm dua dối mà phương tiện thuận theo nghĩa các Kinh; hiện làm kiêu mạn mà đối với chúng-sanh mình cũng như cầu, đò; hiện làm tất cả phiền-não mà lòng thường thanh tịnh; hiện vào trong chúng ma mà thuận theo trí tuệ của Phật, không theo đạo-giáo khác; hiện làm hàng Thinh-Văn mà nói các pháp chưa từng nghe cho chúng-sanh; hiện vào hàng Bích-chi-phật mà thành tựu lòng đại bi, giáo-hóa chúng sanh; hiện vào hạng nghèo nàn mà tay có đầy đủ của công đức; hiện vào hạng tàn tật mà đủ tướng tốt để trang-nghiêm thân mình; hiện vào hạng hèn hạ mà sanh trong giòng giống Phật, đầy đủ các công-đức; hiện vào hạng người ốm yếu xấu xa mà được thân na-la-diên (Kim Cang), tất cả chúng-sanh đều muốn xem; hiện vào hàng già bịnh mà đoạn hẳn gốc bịnh, không còn sợ chết; hiện làm hàng giàu có mà xem là vô thường, không có tham đắm; hiện có thê thiếp, thế-nữ mà tránh xa bùn lầy ngũ dục; hiện nơi hạng đần độn mà thành-tựu biện-tài, vẫn giữ tổng trì; hiện vào tà-tế mà dùng chánh-tế độ chúng sanh; hiện vào khắp các đạo, để đoạn dứt nhơn-duyên; hiện vào Niết bàn mà Không sanh-tử. Thưa ngài Văn-Thù Sư-Lợi! Nếu Bồ tát làm được những việc trái đạo như thế, đấy là thông-suốt Phật đạo.
Bấy giờ ông Duy-Ma-Cật hỏi ngài Văn-Thù Sư-Lợi rằng:
– Thế nào là giống Như-Lai?
Ngài Văn-Thù Sư-Lợi nói:
– Có thân là giống; vô-minh có ái là giống; tham, sân, si là giống; 4 món điên đảo; 5 món che ngăn là giống; 6 nhập là giống; 7 chỗ thức là giống; 8 pháp tà là giống; 9 món não là giống; 10 điều bất thiện là giống; nói tóm lại 62 món tà kiến và tất cả phiền-não đều là giống phật cả.
Ông Duy-Ma-Cật hỏi:
– Tại sao thế?
– Nếu người thấy Vô Vi mà vào chánh-vị (Niết-bàn) thời không thể còn phát tâm vô thượng chánh-đẳng chánh-giác nữa, vì như chỗ gò cao không thể sinh hoa sen, mà nơi bùn lầy thấp ướt mới có hoa sen. Như thế, người thấy Vô Vi, vào chánh vị không còn sanh trong phật pháp được, mà ở trong bùn lầy phiền-não mới có chúng-sanh nghĩ đến Phật-pháp mà thôi. Lại như gieo hột giống trên hư-không thì không sinh được, ở đất phân bùn mới tốt tươi được. Như thế, người đã vào Vô-Vi chánh-vị không sanh được trong Phật-pháp, kẻ khởi ngã-kiến như núi Tu-di còn có thể phát tâm vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác mà sinh trong phật pháp. Cho nên phải biết tất cả phiền-não là giống Như-lai. Ví như không xuống bể cả, không thể đặng bảo-châu vô-giá, cũng như không vào biển cả phiền-não thời làm sao mà có ngọc báu “nhứt-thiết-trí”.
Lúc bấy giờ Ngài Đại-Ca-Diếp khen rằng:
– Hay thay! Hay thay! Ngài Văn-Thù Sư-Lợi. Lời nói thích quá. Thật đúng như lời ngài nói những bọn trần lao là giống Như-lai. Hôm nay, chúng tôi không còn kham phát tâm vô-thượng chánh-đẳng chánh-giác. Đến như người đủ 5 tội vô-gián còn có thể phát ý mong sanh trong Phật-pháp, mà nay chúng tôi hoàn toàn không phát được. Ví như những người 5 căn đã hư, đối với 5 món dục-lạc chẳng còn cảm xúc. Cũng như hàng Thinh-Văn đã đoạn hết Kiết-sử. Ở trong Phật-pháp không còn có lợi ích gì mấy, bởi không còn có chí nguyện.
Thưa Ngài Văn-Thù Sư-Lợi! Vì thế nên phàm-phu ở trong Phật pháp còn có ảnh hưởng, mà hàng Thinh-Văn thời không vì sao? Vì phàm-phu nghe Phật nói pháp khởi được đạo tâm vô-thượng, chẳng đoạn Tam-bảo, còn chính như Thinh-Văn trọn đời nghe Phật pháp: 10 lực, 4 món vô úy v.v.. mà hoàn toàn cũng không phát được đạo-tâm Vô-thượng.
Chú thích Phẩm Phật Đạo
1) Phật-đạo: Tiếng Phạn là Phật-đà Bồ-đề, nghĩa là đạo giác ngộ như thật, lại chỉ tất cả các điều phước-huệ thanh-tịnh thuần thiện của Phật đã thành-tựu viên-mãn, đều gọi là Phật đạo.
2) Phi đạo: chẳng phải Phật-đạo, nghĩa là những phiền-não tạp-nhiễm, tập nghiệp của tất cả chúng-sanh trong ba cõi, ba đời và đạo pháp Nhị-thừa đều chẳng phải phật-đạo. Tỷ như thật-hành các việc trong đời, mà không sa mắc vào đời, cho đến thật-hành các việc trong đời, cho đến thật-hành hiện nhập Niết bàn của Nhị-thừa, mà chẳng dứt sự sanh-tử; độ sanh. Đó là ở nơi phi-đạo mà tự-tại Siêu Xuất phi đạo, nên tức nơi phi-đạo mà thông-đạt Phật-đạo.
3) Năm tội Vô-gián:
- Giết cha.
- Giết mẹ.
- Giết A-La-Hán
- Phá hòa hiệp của chúng tăng
- Làm cho thân phật ra máu.
Người tạo ra năm tội này, phải đọa vào địa ngục vô-gián (A-Tỳ) chịu các sự khổ bức, không khi nào hở dứt, nên gọi là vô-gián.
4) Như cầu đò: ý nói rất khiêm-nhượng hạ mình, nghĩa là dù bị người đời lấn lướt khinh khi, nhưng vẫn nhẫn chịu không khinh mạn lại, cũng như cầu đò cứ chịu họ dày đạp qua lại.
5) Tà-tế, chánh-tế: Ngoại-đạo gọi là tà-tế, ví như chỗ hiểm nạn dối gạt người. Phật-đạo gọi là chánh tế, ví như chỗ bến đò có thể đưa người qua được.
6) Bốn món điên-đảo:
1) Sự vật trong thế-gian là Vô-thường mà chấp là thường.
2) Ngũ-dục-lạc, không phải vui mà chấp là vui.
3) Thân này không phải ta mà chấp là ta
4) Thân này nhơ nhớp mà chấp là sạch
Đây là 4 món chấp của phàm-phu.
7) Bảy chỗ thức:
- Sơ-thiền
- Nhị-thiền
- Tam-thiền
- Tứ-thiền
- Vô-biên-xứ-thiền
- Thức-biên-xứ-thiền
- Vô sở-hữu-xứ-thiền
Là bảy cảnh-giới không có thống-khổ bức não, thần thức được an-trú. Trừ cõi Vô tưởng và phi-phi-tưởng Không Kể, là vì này tâm tưởng quá vi tế, muội lược, tư lược không rõ ràng
8) Chín món não: Về quá khứ ai quấy nhiễu mình, quấy nhiễu thân thích mình, thì sanh-não, ai khen ngợi kẻ oán của mình, mình cũng Sanh não, Quá khứ như thế thì hiện tại và vị lai cũng thế, nên gọi là chín chỗ não.
9) Năm căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân.
10) Trí-độ: một độ trong 6 độ, nghĩa là trí tuệ viên-mãn hay vượt qua biển sanh-tử đến bờ Niết-bàn rốt ráo.
11) Pháp-hỷ: Nghe pháp lãnh hội được, sanh lòng vui mừng gọi là Pháp-hỷ.
12) Trần lao: Trần là nhiễm ô, nghĩa là các thứ tà-kiến phiền-não hay làm nhiễm ô chơn-tánh. Lao là nhọc-nhằn, nghĩa là các tà-kiến phiền-não làm cho chúng-sanh trôi lăng mệt nhọc trong đường sanh-tử.
13) Đạo-Phẩm: Tức phương pháp giúp người tu hành, thành tựu đạo quả Bồ đề, như 37 phẩm trợ-đạo v.v.
14) Các độ: 6 độ, 10 độ.
15) Tổng-trì: gồm nhiếp các pháp.
16) Giác-ý: ý-niệm giác sát cho tâm điều hòa thích trung, không cao không thấp, không phóng tán, không hôn trầm
17) Bát-giải: Tức Bát giải thoát.
18) Bảy thứ tinh hoa:
1) Giới-tịnh: động-tác của thân, khẩu ý thanh-tịnh.
2) Tâm-tịnh: tâm thanh-tịnh không còn nhiễm trước.
3) Kiến-tịnh: Thấy được chơn-tánh các pháp không còn khởi vọng chấp.
4) Độ-nghi-tịnh: Hiểu biết thấu đáo không còn ngờ vực.
5) Phân biệt đạo-tịnh: phân biệt rõ ràng tà-đạo, chánh-đạo.
6) Hành-đoạn tri-kiến-tịnh: Tri-Kiến thật-hành thiện-pháp, các ác-pháp bị đoạn-trừ, được thanh-tịnh sáng suốt
7) Niết-Bàn-tịnh: chứng được Niết-bàn xa lìa mọi cấu nhiễm.
19) Ngũ-thông: lục thông trừ lậu-tận-thông.
20) Thượng-phục: Đồ y phục quý đẹp. Đoạn này, ý nói lấy sự hổ thẹn để ngăn ngừa lỗi quấy, cũng như đồ y phục che được gió lạnh.
21) Bảy của báu:
- Tín
- Giới
- Văn
- Xả
- Tuệ
- Tâm
- Quý
Do tin pháp lành nên mới giữ giới. Do giữ giới thì ngăn được các việc ác, việc ác đã dứt, việc lành mới tinh-tấn làm thêm. Nhưng có tinh-tấn làm việc lành cốt do sự học rộng nghe nhiều. Có nghe nhiều đạo pháp, thì tâm-niệm mới xả bỏ không còn chấp trước; do xả bỏ nên trí-tuệ phát-sanh. Còn tâm và quý cũng như hai người phụ-lực để thành tựu 5 pháp trên.
22) Bốn thứ ma:
- Phiền-não-ma: tham, sân, si v.v.. hay làm não hại thân tâm.
- Ấm-ma: sắc, thọ, tưởng, hành, thức.
- Tử-ma: chết hay đoạn-tuyệt mạng căn của người.
- Thiên-ma: Ma-Vương ở trên từng trời Tha-hóa tự tại thứ 6 của Dục-giới, hay làm hại mất việc phúc-thiện của người đời.
- 5 ấm đó thường sanh các thứ khổ-não.
Bài giảng đến đây là hết.
Bài Viết Liên Quan
TẬP SAN MẬT PHƯỚC SỐ 15
TẬP SAN MẬT PHƯỚC SỐ 15 CÂU CHUYỆN TÂM LINH: Thế giới tâm linh của Hồ Cáp Ngô Duy Lâm...
Bài Pháp Số 15: Bồ Tát Văn Thù Thăm Bệnh Ngài Duy Ma Cật
Mến chào các bạn,Mật Phước Tự xin giới thiệu với quý đạo hữu, bài giảng của Thầy Quảng Nghệ, về...
Bài Pháp Số 4: Đại Bồ Tát Duy Ma Cật khai thị cho Xá Lợi Phất
Xá Lợi Phất (Sāriputta) là một trong mười đại đệ tử xuất sắc của Phật Thích Ca , được biết...
Bài 11: Hồng Ân Cho Đất Việt
Phật Quyền đào tạo hiền tài Giúp dân giúp nước mai này đi lênHồng ân từ Đấng Bề TrênBan cho...
Câu Chuyện Số 15: NIỆM DANH CỤ HỒ
Khoảng 5 năm trước, Thầy già có một đệ tử nữ, cô có điểm đạo cho một anh, là con...
Bài Pháp Số 5: Đại Bồ Tát Duy Ma Cật nhắc nhở Đại Ca Diếp về chân lý tu hành
Đại Ca Diếp (Mahākāśyapa) là một trong mười đại đệ tử của Phật Thích Ca , nổi tiếng với danh...
2. Phong Thần Và Huyền Bí Học (Cư Sĩ Triệu Phước)
Nhóm Mật Giáo xin giới thiệu đến các đạo hữu quyển sách Phong Thần Và Huyền Bí Học bao gồm...
3. Những Tư Tưởng Về Đạo (Cư Sĩ Triệu Phước)
Loạt bài những tư tưởng về đạo xuất hiện trong tập san Mật Giáo do Hội Thân Hữu Mật Giáo tại...