Khi bắt đầu nghiên cứu về tôn giáo người ta thường phải băn khoăn suy nghĩ không ít khi thấy các tôn giáo đưa ra nhiều lý thuyết mâu thuẫn nhau rất trầm trọng về vấn đề nguồn gốc của đời sống và vũ trụ. Lý thuyết này phê bình lý thuyết nọ làm ra vẻ như chỉ có lý thuyết đó là đại diện chân chính cho chân lý. Thật sự tôn giáo nào đã nhìn thấy được sự thật về những sự mật ẩn của vũ trụ và đời sống? Hay họ cũng chỉ là kẻ mù rờ voi rồi phóng đại nó lên là con voi như thế này, thế kia!
Đối với những tín đồ cả tin thì việc đó rất giản dị, họ không cần tìm hiểu, chỉ nhắm mắt tin theo giáo thuyết ấy là đủ. Nhưng đối với những người bàng quan một chút thì khi học đạo, họ vẫn phải tìm hiểu về những lý thuyết mà các tôn giáo đề ra có hợp lý hay không. Những kẻ dè dặt đó thừa hiểu có những vấn đề không thể tìm hiểu bằng luận lý trí thức suông, vì nó thuộc về siêu hình mà người ta chỉ có thể hiểu được nó bằng trực giác hay khả năng lý hội những sự kiện huyền bí. Nhưng dù là bằng tri thức hay siêu giác quan, những chân lý hữu hình hay siêu hình đó khi được diễn đạt lại bằng văn tự, ngôn ngữ dĩ nhiên nó cũng phải mạch lạc và hợp lý và nhất là mọi người đều có thể lãnh hội được. Giờ chúng ta thử đi vào vấn đề nguyên nhân đầu tiên của đời sống và vũ trụ qua các giải thích của những tôn giáo khác nhau và thử phê bình chúng.
Có ba lý thuyết chánh do các tôn giáo đề ra khi tìm hiểu về nguyên nhân đầu tiên của vũ trụ và con người: hoặc chấp nhận có một nguyên nhân đầu tiên, đó là thần linh toàn năng hay đấng tạo hóa hữu ngã (Thiên Chúa Giáo, Ấn Độ Giáo); hoặc chấp nhận nguyên nhân đầu tiên là một nguyên lý, một năng lực vũ trụ (Đạo Lão, Đạo Khổng); hoặc phủ nhận không có nguyên nhân đầu tiên (Phật Giáo Nguyên Thủy).
I. Thần Linh Toàn Năng hay Đấng Thượng Đế Hữu Ngã
Đấng Thượng Đế có nhân cách còn được gọi bằng nhiều danh từ khác nhau tùy theo tôn giáo. Đó là đấng tối cao, đấng tạo hóa, đức Chúa Cha, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Brahma, Jehovah v.v… Tựu chung đấng Thượng Đế là chủ tể cả vũ trụ và muôn loài. Ngài là đấng toàn chân, toàn thiện và toàn mỹ. Ngài ngự trị ở trên trời và cai quản tất cả.
Thánh kinh Thiên Chúa Giáo ghi rằng: ban đầu Chúa Trời dựng nên trời đất. Đất thì có cây cỏ, hột giống, cây trái. Ở dưới đất nơi nước tụ lại là biển thì có cá. Ở khoảng không trên trời thì có các ngôi sao, thấp hơn thì có loài chim. Trên mặt đất thì có các súc vật, côn trùng và thú rừng… Sau đó đức Chúa Trời tạo nên loài người. Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài. Ngài dựng nên người nam và lấy xương sườn của người nam mà tạo nên người nữ và mọi loại đực cái phối hợp với nhau mà sanh sản ra nhiều.
Giáo lý cổ truyền của Bà La Môn Giáo nói rằng: đấng Brahma, đấng Mahā Brahma, đấng tối thượng, toàn tri, là người cầm quyền định đoạt, là giáo chủ, là người sáng tạo, là tạo hóa, là bậc toàn thắng, là chúa tể, là chủ của chính mình, là cha của chúng sanh đã, đang và sẽ được ra đời. Chính Brahma đã tạo ra tất cả chúng sanh ấy. Tại sao vậy? Một khoảng khắc trước đây Brahma nghĩ: “Phải chi có những chúng sanh khác được ra đời! Đó là lời chú nguyện trong tâm Brahma và tức khắc có những chúng sanh chào đời.”
Hồi Giáo quan niệm Chúa là ngôi độc nhất vĩnh cửu, không dính dáng đến loài người và không có cái gì sánh kịp và bất diệt. Đó là Allah. Hồi Giáo cũng nhận Adam là thủy tổ của loài người và do đấng Allah nặn thành bằng đất sét rồi thổi sinh khí vào. Kế đó, đấng Allah lấy mảnh xương sườn của Adam để tạo ra Eva. Lúc đầu hai người ở thượng giới, nhưng sau mắc tội phải đày xuống trần gian. Ông Adam xuống đỉnh núi Adam ở Tích Lan, bà Eva xuống miền Mecca. Hai trăm năm sau họ gặp nhau ở Arafat, ông Adam cảm động phát khóc, nước mắt ông nhuộm đen viên đá hiện còn thờ ở đền Kaba. Hồi Giáo cho rằng trời đất đã được Allah cấu tạo trong sáu ngày (2 ngày đầu sinh các trái đất; 2 ngày giữa sinh muôn loài sống trên trái đất; 2 ngày cuối sinh ra các từng trời). Hồi Giáo còn cho rằng có bảy tầng trời và có sáu cảnh địa ngục.
Tóm lại Thiên Chúa Giáo, Bà La Môn Giáo, Hồi Giáo cũng cho rằng Thượng Đế là một đấng hữu ngã tối thượng là khởi nguyên của sự tạo lập nên vũ trụ, con người và muôn loài, mọi việc đều do nơi ý muốn của Ngài.
II. Không có nguyên nhân đầu tiên; Không có Đấng Thần Linh Tạo Hóa
Theo Tiểu Thừa trong toàn bộ tam tạng kinh đầu tiên của Phật Giáo tuyệt đối không thấy có đoạn văn nào đề cập đến đấng tạo hóa. Phật Giáo không chấp nhận có một đấng tạo hóa, bất luận dưới một hình thức năng lực hay chúng sanh. Còn về khởi điểm của đời sống, kinh Phật chủ trương đó là một vấn đề không thể biết được.
Cái lý do đầu tiên Tiểu Thừa Phật Giáo đưa ra để tránh né câu trả lời cho những vấn đề gai góc về siêu hình là như một người bị trúng tên, hắn ta sẽ chết trước khi đặt nhiều câu hỏi như: “Ai bắn ta? Mũi tên từ đâu tới? Nó bằng kim loại gì? Người bắn có ác ý gì với ta? Nó được tẩm loại độc nào? v.v…” Cũng thế một người băn khoăn muốn tìm hiểu về nguyên nhân của vũ trụ, đời sống, thế gian này giới hạn hay vô tận v.v… Người đó sẽ chết trước khi được nghe đức Thế Tôn giải thích. Câu chuyện sau đây do Tỳ khưu Mālunkyaputta hỏi đức Phật: ”Bạch đức Thế Tôn, những lý thuyết này chưa được Ngài giải thích rõ ràng minh bạch. Ngài đã gác vấn đề ấy qua một bên, không dạy đến. Thế gian có vĩnh cửu không? Thế gian có giới hạn hay vô tận? Nếu đức Thế Tôn giải rõ những điều ấy con sẽ tiếp tục đi theo Ngài để sống đời tu sĩ thanh cao. Nếu không con sẽ từ bỏ Ngài… Nếu Ngài biết thì nói biết; nếu không thì nói không… và chắc chắn đối với người không biết hoặc chưa giác ngộ thì điều đáng làm hơn hết là phải nói rằng: “Tôi không biết, tôi chưa giác ngộ.”
Đức Phật trả lời: “Như Lai không đề cập đến vấn đề ấy vì những vấn đề đó không tạo ích lợi cho sự giác ngộ hay niết bàn và người ấy sẽ chết trước khi được nghe giải thích.”
Cái lý do thứ hai để tránh trả lời về khởi thủy của đời sống và vũ trụ, Tiểu Thừa Phật Giáo cho là không thể khám phá được cái khởi điểm đó. Kinh Tạp A Hàm ghi: “Hỡi các đệ tử, bước đầu của cuộc hành trình xa xôi này thật không thể quan niệm được. Chúng sanh bị bao trùm kín mít trong lớp vô minh, bị dây ái dục trói buộc chặt chẽ, không thể khám phá được khởi điểm của cuộc luân chuyển triền miên, cuộc hành trình vô định” và để biện minh có người còn viện dẫn đến lập luận: “Không có lý do nào để giả định rằng thế gian có một khởi điểm. Ý niệm chủ trương sự vật phải có một khởi điểm phát sanh do trí tưởng tượng nghèo nàn” (Bertrand Russell).
Việc Tiểu Thừa Phật Giáo không có ý muốn giải quyết tất cả những vấn đề triết lý của nhân loại với hai lý do là vì những vấn đề ấy không ích lợi cho sự thoát khổ và vì nó vượt qua sự hiểu biết của con người đang lặn hụp trong dòng vô minh và ngừng tại đây thì việc đó cũng có phần hợp lý. Nhưng không thể, một mặt không chịu đào sâu vào vấn đề siêu hình, mặt khác họ lại nhúng tay vào những câu hỏi siêu hình đó bằng cách phê phán những lý lẽ thuộc về lãnh vực đó của Ấn Độ Giáo. Một lãnh vực mà mình tránh né trả lời và viện dẫn không thể biết được, bây giờ chính mình lại lún sâu vào nó.
Tiểu Thừa Phật Giáo để bác bỏ vấn đề thần linh tạo hóa đã bịa ra câu chuyện sau đây với tính cách hạ đấng Thượng Đế Brahma xuống thấp hơn đức Phật và viết ra vẻ mình rất rành rọt về vấn đề siêu hình mà trước đây mình không chịu trả lời. Câu chuyện sau đây trong cái gọi là kinh Patika Sutta chép:
Đức Phật hỏi:
– Sao chư Tôn giả lại tuyên bố về khởi nguyên thế giới theo thuyền thống là do Tự tại thiên tạo ra, do Phạm thiên tạo ra?
và khi họ không biết trả lời ra sao thì đức Phật dạy rằng:– Có một thời, thế giới này chuyển hoại. Trong khi thế giới chuyển hoại, phần lớn các loài hữu tình chuyển sanh qua Abhassara (cõi trời Quang Âm)… và họ sống ở đó một thời gian dài. Đến một giai đoạn nào đó, thế giới này chuyển thành, Phạm cung được hiện ra nhưng trống không. Lúc bấy giờ, một loài hữu tình, hoặc thọ mạng đã tận, hay phước báo đã tận, mạng chung từ cõi trời Quang Âm sanh qua Phạm cung trống không ấy. Vị ấy ở tại đấy một thời gian khá dài. Vị này, tại chỗ ấy, sau khi sống lâu một mình như vậy, khởi ý chán nản, và có kỳ vọng: “Mong sao có các loài hữu tình khác cũng đến tại chỗ này!” Lúc bấy giờ, các loài hữu tình khác, hoặc thọ mạng đã tận, hãy phước báo đã tận, bị mệnh chung và từ thân Quang Âm thiên sanh qua Phạm cung trống không để làm bạn với vị hữu tình kia.
“Lúc bấy giờ, vị hữu tình đầu tiên sanh qua cõi Quang Âm đầu tiên nghĩ rằng: “Ta là Phạm thiên, Đại Phạm thiên, Toàn năng, Tối thắng, Biến nhãn, Thượng tôn, Thượng đế, Sáng tạo chủ, Hóa sanh chủ, Đại tôn, Chúa tể mọi định mạng, đấng Tự tại, Tổ phụ các chúng sanh đã và sẽ sanh. Những loài hữu tình ấy do chính ta hóa sanh. Tại sao vậy? Vì chính do ta khởi niệm: Mong sao các loài hữu tình khác cũng đến tại chỗ này! Chính do sở nguyện của ta mà những loại hữu tình ấy đến tại chỗ này”.
Các loài hữu tình đến sau cùng thì nghĩ như thế này: “Vị ấy là Phạm thiên, Đại Phạm thiên, đấng Toàn năng, Tối thắng, Biến nhãn, Thượng tôn, Thượng đế, Sáng tạo chủ, Hóa sanh chủ, Đại tôn, Chúa tể mọi định mạng, đấng Tự tại, Tổ phụ các chúng sanh đã và sẽ sanh. Chúng ta do vị Phạm thiên này hóa sanh. Vì chúng ta thấy vị này sanh trước ở đây rồi, còn chúng ta thì sanh sau”.Về điểm nầy, hỡi các đệ tử, chính vị được sanh ra đầu tiên ấy có nhiều tuổi thọ hơn, đẹp đẽ hơn, có nhiều quyền lực hơn. Còn những vị sanh ra sau thì tuổi thọ ngắn hơn, kém đẹp đẽ và ít quyền lực hơn. Và rất có thể như thế nầy, một vài vị, đã ở trong cùng trạng thái với vị trước, đã chết, và từ cảnh giới ấy, tái sanh vào làm người trên quả địa cầu. Người ấy từ bỏ đời sống gia đình để xuất gia làm tu sĩ không nhà cửa. Và một kía trong lúc thiền định họ có thể nhớ lại tiền kiếp và chỉ nhớ đến mức đó thôi, không xa hơn nữa. Vì trí nhớ giới hạn như thế người kia nghĩ: – ‘Vị Phạm Thiên, bậc Ứng Cúng kia, bậc Toàn Thắng, Toàn Tri, người Cầm Quyền Định Đoạt, Giáo Chủ, Người Sáng Tạo, Tạo Hóa, Chúa Tể, người Cầm Quyền Chỉ Định, Bậc Chủ Nhân Của Chính Mình, Cha của những chúng sanh đã, đang, và sẽ ra đời, người đã tạo nên ta. Vị nầy quả thật là trường tồn, vĩnh cửu, vững bền, không biến đổi, Ngài sẽ tồn tại như thế ấy mãi mãi. Nhưng chúng ta đã được vị ấy tạo nên, chúng ta do đấy mà ra, vậy chúng ta là vô thường, phải biến đổi, tuổi thọ ngắn, phải chết.’
Tiểu Thừa Phật Giáo kết luận: giáo lý cổ truyền dạy về Brahma là đấng Tạo Hóa như trên chỉ là câu chuyện do vị Phạm Thiên Brahma dựng ra.
Rõ ràng hơn, các môn đệ của Phật đã tranh hơn với Bà La Môn Giáo khi xây dựng câu chuyện sau đây và mệnh danh nó là kinh Kevaddha Sutta: ”Một Tỳ khưu bên Phật đến hỏi Phạm Thiên Brahma cho biết đến đâu thì bốn nguyên tố: đất, nước, gió, lửa chấm dứt; không để lại dấu vết?” Brahma trả lời: “Trước mặt học trò ta, ta không thể nói là mình không biết. Nhưng sao ông lại bỏ đức Thế Tôn để hỏi ta, thật là lỗi lầm và trái đạo. Hãy trở về nghe đức Phật giải thích. Ngài giảng thế nào thì hãy tin theo lời.“
Mặt khác các đệ tử của Phật còn xây dựng rất nhiều câu chuyện khác để bài bác về đấng Thượng Đế tối cao của Bà La Môn Giáo mà chính họ cũng chẳng biết ất giáp gì như trước đây họ đã tự nhận. Trong Túc Sanh truyện và Đại Bồ Đề Túc Sanh truyện viện dẫn: “…vì đời sống hỗn loạn, bất toàn, đầy dẫy những sự xấu xa giả dối, lừa đảo, gian tham nên Thượng Đế đấng sáng tạo ra vũ trụ và đời sống là một hạng người bất công đã tạo nên một thế gian hư hỏng và đấng thần linh ấy nếu có quả thật đầy tội lỗi. Con người chỉ thừa hành ý muốn của Ngài.”
Nhưng không hẳn Phật Giáo không tìm nguyên nhân của vũ trụ và đời sống như các tu sĩ Tiểu Thừa Phật Giáo đã từng minh định, trái lại sau này Đại Thừa Phật Giáo đã đưa ra nhiều chủ thuyết cho các vấn đề cao viễn ấy.
Về vũ trụ và đời sống Đại Thừa cho rằng pháp giới vô tận mênh mông này chỉ là một sự huyễn hiện tương tợ như một giấc chiêm bao dài của cái tâm của mỗi chúng sanh, của mỗi loài chúng sanh. Thật vậy kinh Thủ Lăng Nghiêm chép rằng: ”Các cảnh giới, các cõi vô số vô lượng nổi lên trong hư không và hư không nổi lên trong tâm, tương tợ như một áng mây nổi lên trên nền trời xanh“. Kinh Đại Bát Nhã chép: “Các cõi, các cảnh giới, các thân căn chúng sanh… đều như huyễn như hóa… như mộng như ảo… như một giấc chiêm bao… như làn khói tỏa… như trăng đáy nước… bày ra bởi một tên đại phù thủy ngồi xổm ở ngã tư đường…”. Ngoài ra trong các kinh Đại Thừa như Lăng Già, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Địa Tạng, Bát Nhã, Viên Giác v.v… đều có đầy đủ các đáp số cho mọi vấn đề siêu hình về các cõi Phật, các cõi Trời, các tầng Địa Ngục, các cõi Chúng Sanh v.v…
Kinh Hoa Nghiêm viết: “Tất cả các cảnh giới, các cõi Phật sát vô lượng của Hoa Tạng thế giới (tức vũ trụ) không ngằn mé này, đều chỉ được kết tập nên và an lập do thần lực hải của chư Phật, do nguyện lực của chư đại Bồ Tát, và do nghiệp lực hải của các loài chúng sanh…”. Rõ ràng theo kinh Hoa Nghiêm như vậy vũ trụ được tạo lập do các lực siêu hình của chư Phật và Bồ Tát đối với các cảnh thanh cao và do các lực thấp thỏi cho các cảnh trọng trược. Nhưng thần lực của chư Phật lại hộ trì luôn cho các cảnh giới thấp thỏi của chúng sanh và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống chúng sanh: “Nếu không có thần lực của chư Phật hộ trì, thì vũ trụ này không thể tồn tại nổi một sát na và cõi thế gian không thể có nổi một niềm vui nhỏ bé…” (kinh Hoa Nghiêm).
Tóm lại những người tự nhận là theo Phật Giáo nếu không nghiên cứu sâu vào các kinh điển của Tiểu Thừa và Đại Thừa Phật Giáo, họ dễ lâm vào mê hồn trận. Đủ thứ mâu thuẫn giữa giáo thuyết Tiểu Thừa và Đại Thừa và giữa các phái Tiểu Thừa với nhau và giữa các tông trong Đại Thừa với nhau. Bất chợt xem được một cuốn kinh của Phật Giáo, được thấy một vài lý thuyết về các vấn đề vũ trụ, đời sống, phương cách tu hành v.v… Họ vội tưởng rằng toàn thể Phật Giáo đều chủ trương như vậy thì thật là lầm to!
Trong phạm vi bài này chỉ tìm hiểu về nguồn gốc của vũ trụ và đời sống được quan niệm theo các tông phái Phật Giáo, chúng ta chỉ xét qua các bất đồng chủ thuyết của họ về vấn đề này và tóm lược như sau:
– Tiểu Thừa cho đó là một vấn đề bất khả tri luận và tuyệt đối không công nhận có một nhân vật thần linh nào hay một cái lực vô hình nào khởi xướng ra những vấn đề đó.
– Đại Thừa cho rằng vũ trụ và đời sống do chân Tâm biến hiện ra.
– Một số tông phái Đại Thừa tin rằng vũ trụ và đời sống do thần lực của chư Phật tạo tác (nhất nguyên phi thần hóa).
– Một số khác cho rằng Pháp thân của chư Phật là chỉ cho ý nghĩa nhất nguyên vừa thần hóa (nhân vật Thượng Đế) vừa phi thần hóa (năng lực siêu hình) vì thân là thần hóa (đức Tỳ Lô Giá Na Phật) còn pháp là phi thần hóa (nguyên lý tối thượng).
– Một số tông phái Phật Giáo khác ở Tây Tạng và Nepal theo chủ trương nhất nguyên thần hóa cho rằng: Adi Buddha (Thiền Phật) là một đức Phật toàn năng và toàn tri nguyên thủy, người bằng thiền định đã tạo ra vũ trụ và vạn vật (tương tợ như đức Thượng Đế của Thiên Chúa Giáo hoặc Thượng Đế Brahma của Ấn Độ Giáo đã tạo ra vũ trụ và muôn loài).
Dù đưa ra nhiều quan niệm khác nhau về vấn đề Thượng Đế và vũ trụ, nhưng người theo Phật Giáo bất luận tông phái nào cũng thường dựa vào lý luận không công nhận có một Thượng Đế như một nhân vật hay một năng lực chi phối vũ trụ và đời sống để phân biệt Đạo Phật với Thiên Chúa Giáo hoặc Ấn Độ Giáo; mặc dù nội dung đã tiến đến sự tương đồng phần nào trong các giáo lý, nhưng thành kiến chống đối nhau vẫn còn xảy ra; mặc dù không ai có thể tự xưng là mình đã hoàn toàn thấu triệt về Thượng Đế hay chân lý tối thượng được.
Nếu Thiên Chúa Giáo, Ấn Độ Giáo và Hồi giáo theo quan điểm nhất nguyên thần hóa khi giải thích về nguồn gốc của đời sống và vũ trụ; nguyên thủy Tiểu Thừa Phật Giáo coi vấn đề đó như một sự việc không cần thiết, thì Khổng Giáo và Lão giáo thiên về quan điểm nhất nguyên phi thần hóa.
Trước khi đi sâu vào giáo thuyết của Khổng Tử và Lão Tử thiết nghĩ cần tìm hiểu quan niệm cổ thời của người Trung Hoa về các vấn đề này, vì hai mối đạo trên cùng căn cứ vào nguồn gốc đó để xây dựng chủ thuyết riêng của mình.
Lúc đầu cái tín ngưỡng của người Hoa tương tợ như các dân tộc cổ sơ khác đều tin rằng thần linh có thể chi phối đến cuộc nhân sinh và mọi sinh hoạt của loài người. Lòng kính sợ thần linh đã lan rộng đến những vật gì to tát, động chuyển được, có ảnh hưởng lớn lao đến đời sống, họ đều cho là có thần cả. Vô số thần linh được mệnh danh như: Thần mặt trời, Thần mặt trăng, Thần sao, Thần núi, Thần sông, Thần chớp, Thần gió, Thần mưa v.v… Và dĩ nhiên những sự cúng tế, cầu nguyện cũng đã xuất hiện từ thời đó. Cứ lý tự nhiên mà suy: ở nhà thì có cha làm chủ, chư hầu thì lại có vua, thiên hạ có Đế thì vũ trụ và thần linh cũng phải có một đấng làm chủ, đó là Thượng Đế; tức là ông vua của cõi trời, cai quản bách thần và vạn vật ở trong vũ trụ. Về sau có người lại nghĩ ngợi sâu xa chẳng lẽ Thượng Đế lại nhỏ hẹp như người ta và cũng có hình dáng như người ta nên đổi quan niệm cho Thượng Đế chỉ là một cái lý chí linh, chí diệu làm chủ tể cả muôn vật mà thôi.
Khổng Tử khảo cứu những tư tưởng của các thánh hiền đời trước cũng như suy xét lại cái lẽ biến hóa của Trời, Đất rồi lập ra học thuyết. Ông lấy cái lý “thiên, địa, vạn vật đồng nhất thể” làm căn bản cho học thuyết của mình. Chính cái lý nhất thể ấy lưu hành khắp và là nguyên nhân của cuộc sinh hóa trong vũ trụ. Cái lý ấy còn được gọi là Trời, Thượng Đế hay là Thái Cực. Thái cực huyền bí vô cùng, không thể biết được bản thể của lý ấy. Song cái động thể của lý ấy thì người ta có thể hiểu được bằng cách xem xét sự biến hóa của vạn vật.
Nói một cách khác cho dễ hiểu hơn là ta không thể quan niệm nổi Thượng Đế là gì, nhưng ta có thể hiểu được cái động thể của Thượng Đế trong sự sáng tạo ra vũ trụ và muôn vật và chính tôn chỉ căn bản của Dịch học và Nho Giáo là xét cái động thể đó.
Thoạt đầu vũ trụ mờ mịt, hỗn độn. Trong sự hỗn mang đó có cái lý vô hình, rất linh diệu, rất cường kiện – tức thái cực đã sinh ra hai cái thể tương đối khác nhau, tức lưỡng nghi, hay là âm dương. Trước hai cái tương đối ấy thì dầu có cũng như không vì không sao mà biết được. Khi hai cái tương đối ấy đã hiện ra thì cái gì cũng có, không thể nói là không được. Hai cái âm, dương ấy đun đẩy nhau, điều hòa với nhau mà biến hóa ra thiên hình vạn trạng. Song vạn vật dầu nhiều thế nào, cái căn nguyên cũng chỉ có âm và dương: “Hiểu được lẽ âm và dương ấy, tất là hiểu được cả vạn vật; biết được lẽ giản dị ấy, tất là biết được cái lý của thiên hạ” (Dịch – Hệ Từ Thượng). Nên biết âm, dương không phải là vật có hình, chẳng qua nó là hai cái biểu tượng đầu tiên của sự sinh hóa mà thôi.
Còn về con người, cứ theo Nho Giáo thì người ta có một vị thế rất lớn trong vạn vật, có cái tinh thần và khí chất sáng suốt có thể hiểu thông các sự vật: “Người là cái đức của trời đất, sự giao hợp của âm dương, sự hội tụ của quỉ thần, cái khí tinh tú của ngũ hành” (lễ ký, lễ vận IX).
Tóm lại Nho Giáo không bàn đến bản thể của Trời mà chỉ tìm hiểu Trời qua sự sinh hóa của vạn vật. Cái động thể của Trời đầu tiên là thái cực, thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái và bát quái sanh muôn loài.
Vật nào bẩm thụ được nhiều thanh khí thì thành thánh, thành thần; vật nào bẩm thụ được ít thì là người thường hay các vật khác.
Còn theo Lão Giáo, Đạo là cái nguyên lý tuyệt đối của vũ trụ đã có từ trước khi khai thiên lập địa. Nó hoàn toàn huyền diệu và bất khả tư nghì mà con người không thể thấy được, hình dung được, hiểu được nên gần như không có. Vì thế “Kẻ hỏi Đạo cũng như kẻ đáp lại, đều là những người không hiểu Đạo cả” (Trí Bắc Du); hoặc “Kẻ sĩ bậc thấp nghe nói đến Đạo thì cả cười mà bỏ qua” (Đạo Đức Kinh). Tương tợ như Nho Giáo khi nói về thái cực, Lão Giáo cũng dùng danh từ Đạo để chỉ cho nguồn gốc của vũ trụ và vạn vật. Lão tử viết: “Đạo sanh một, một sanh hai, hai sanh ba, ba sanh vạn vật. Trong vạn vật không vật nào là không cõng âm và bồng dương. Nhân chỗ xung nhau mà hòa với nhau”. Cái một ở đây có thể so sánh như thái cực ở thể động của Nho Giáo, từ đó sinh sinh hóa hóa ra vạn vật. Bởi thế bản thể của Đạo thì thấy dường như không có và không làm gì cả, mà kỳ thực không có gì là không do cái làm của nó mà ra. Cũng chính vì Đạo là chủ tể của trời đất và vạn vật nên mọi loài dù sanh hóa ra trùng trùng, điệp điệp nhưng rồi cũng đều trở về với Đạo; đi ra rồi trở về. Tuy phác họa ra thì Đạo đơn giản như thế nhưng kỳ thực “Đón nó thì không thấy đầu, theo nó thì không thấy đuôi” (Đạo Đức Kinh).
Lão tử không trực tiếp đề cập đến vị thế của con người trong vũ trụ đối với các loài khác, nhưng gián tiếp ông viết: “Người bắt chước Đất, Đất bắt chước Trời, Trời bắt chước Đạo, Đạo bắt chước Tự Nhiên”.
Như vậy dù loài người có tôn quý hay không? Họ phải nhìn theo sự biến hóa, sinh hoạt của Đất, của Trời, của Đạo mà sống đúng theo luật nhiệm mầu tự nhiên đó.
Dù Nho Giáo và Lão Giáo chỉ đề cập đến cái nguyên lý siêu hình, nguồn gốc sinh ra vũ trụ và vạn vật. Nhưng cái nguyên lý ấy nó vẫn không có gì hấp dẫn lắm đối với đức tin của đại đa số người dân Trung Hoa. Người Hoa không thể nào hiểu được cái thái cực hay cái đạo quá trừu tượng đó của Khổng và Lão, vả lại dù có ráng tìm hiểu chu đáo đi nữa họ cũng không thể chấp nhận một cái “lý” mà chủ trương ra vũ trụ, vạn vật và nhất là con người. Cái hợp lý nhất mà họ nghĩ đó là Thượng Đế theo hình dáng của họ mặc dù có toàn chân, toàn thiện, toàn năng, toàn mỹ, toàn tri v.v… gì đi nữa! Ít ra đối với họ, một Thượng Đế như thế là dễ hiểu và hợp lý hơn hết. Từ đó trong đời sống thực tế, người Hoa có hằng vạn câu chuyện xây dựng quanh đức Ngọc Hoàng Thượng Đế với Bạch Ngọc Cung cùng các chư tiên, chư thánh và chư thần hầu cận, cai quản cả vũ trụ và muôn loài. Họ chả có lý gì đến cái nguyên lý huyền diệu, khó hiểu của Khổng tử và Lão tử đã nhọc công xây dựng cả. Đó là sự thật.
Tóm lại các tôn giáo có những triết thuyết về nguồn gốc của vũ trụ và đời sống hoàn toàn khác biệt nhau, nhưng tựu chung tất cả đều đồng ý về một cái gì đó bất khả luận bàn chi phối cả vạn vật trong vũ trụ. Cái một tuyệt đối đó dù được nhân cách hóa để mệnh danh là một đấng Thượng Đế hay chỉ là một nguyên lý siêu hình hoặc vừa là cả hai thì đó cũng chỉ là một quan niệm tương đối để chỉ về một cái gì đó tuyệt đối mà lý trí con người không thể quan niệm nổi.
Ngay cả những người có thần nhãn khi nhìn thấy cái năng lực siêu hình ấy siêu xuất ra các cảnh giới bất khả tư nghì về đức Thượng Đế, về chư Phật mười phương, về các Thiên Sứ hoặc chư Thánh, chư Thần, về các quốc độ của chư Phật, về các tầng trời, về các pháp hội v.v… và nếu họ có kinh nghiệm thần bí một chút thì họ sẽ hiểu rõ ràng năng lực đó là một cái gì có thể thị hiện vô số thần biến bất khả tư nghì, tùy theo sở chấp và trình độ hiểu biết của từng người mà diễn ra từng cảnh giới tương ứng: sẽ là vô số các Thần linh nếu chúng ta theo Đa Thần giáo; sẽ là mười phương chư Phật cho các Phật tử Đại Thừa; sẽ là Quan Thế Âm người nam cho những người Tây Tạng, nhưng lại là người nữ cho người Trung Hoa, Nhật Bản và Việt Nam,…; sẽ là Thái Cực Đồ cho những người theo đạo Lão; sẽ là Ngoan Không cho các sư sãi nguyên thủy Phật Giáo; sẽ là Thần lửa cho Bà La Môn Giáo; sẽ là sơn Thần cho các dân tộc miền núi; sẽ là Thần cây đa cho những nông dân mộc mạc Việt Nam; sẽ là tổ tiên của họ cho những người thờ phượng ông bà v.v…
Chính nhờ thị hiện vô số hóa thân và cảnh giới như thế của các đấng thần linh hay của Thượng Đế mà con người đã, đang và sẽ mãi mãi tin tưởng nơi đạo giáo, dù họ quan niệm Đạo, Thượng Đế, Trời, Phật, Thần linh một cách hồ đồ đơn sơ và ngu dốt cách mấy và dù họ có chế giễu lẫn nhau ra sao! Miễn là tất cả bọn họ tin tưởng có cái gì đó siêu việt trên họ có thể thưởng phạt họ tùy theo lối sống của họ ở trần gian này lành hay dữ; như thế là đủ.