CHƯƠNG I: II – ADHISTANA (PHẦN 2/6)

II. ADHISTANA:

Hán văn thường dịch là Thần Lực, Uy Lực hay Gia Trì Lực. Nó là năng lực, ý lực, tâm lực ở nơi một nhân cách lớn, người hay trời. Khi còn ở trên bình diện Trí (JNANA), thế giới không có vẻ thực chút nào, bởi vì hiện hữu hư huyễn của nó mà trí soi thấu quá đậm màu sương khói. Nhưng khi tiến tới khía cạnh ADHISTHANA của Bồ-tát Đạo1 chúng ta cảm thấy dường như mình đang nắm chắc cứng và vững. Đây là chỗ mà đời sống thực sự bắt đầu có ý nghĩa. Sống không còn là nhận định mù quáng của một thúc bách ban sơ vì ADISTHANA là một biệt danh của PRANIDHANA (Nguyện), hay nó chính là sức mạnh tâm linh tuôn ra từ “Nguyện” cùng với “Trí” tạo thành tinh thể của Bồ-tát Đạo. Sức gia trì không phải chỉ là sức mạnh muốn tự củng cố để loại ra những cái không phải nó. Đằng sau nó luôn luôn có một vị Phật hay một Bồ-tát, có con mắt tâm linh soi thấy bản chất của vạn hữu2 và đồng thời có chí nguyện hộ trì nó. Chí nguyện hộ trì chính là tình thương yêu và lòng hoài bão cứu vớt thế gian khỏi những mê hoặc và ô nhiễm. PRANIDHANA (Bản Thệ) là chí nguyện, là tình yêu, là hoài bão, được gọi là Vô Tận Tạng (AKSAYA)3.Trí và nguyện là những yếu tố thiết định4 Bồ-tát Đạo hay Phật Đạo thì cũng vậy. Nhờ trí, chúng ta như leo lên đỉnh trời Tam-Thập-Tam-Thiên5, rồi khi ngồi trầm mặc mà quán sát hạ giới và những hành vi của nó, thấy chúng tợ hồ như những đám mây chuyển động dưới chân mình, chúng là những khối quay cuồng của vọng động, nhưng không đụng chạm đến kẻ đang ngồi ở bên trên. Thế giới của Trí thì trong sáng và vĩnh viễn an lành. Nhưng Bồ-tát không trụ mãi trong cảnh trầm mặc thiên thu ở bên trên cái thế gian vì đầy dẫy những sai biệt nên có những phấn đấu và đau khổ, bởi vì tim của ngài đau đớn khi nhìn cảnh tượng này. Bấy giờ ngài quyết định bước xuống giữa những giông tố của cuộc đời. Bản nguyện6 (PRANIDHANA) đã lập, uy lực (ADHISTANA) của ngài được gia cho những ai hướng về ngài, và mọi phương tiện (UPAYA) được tạo ra để dựng đứng dậy những ai cắm đầu vào trong mông muội7 và bị đắm chìm trong cảnh khống chế tột cùng. PRANIDHANA như là một khía cạnh của ADHISTANA, như thể là cái thang dẫn xuống, hay sợi dây nối liền giữa Bồ-tát (BODHISATTVA) và chúng sanh (SARVASATTA). Từ đó sinh ra hóa thân (NIRMANAKAYA), một thuật ngữ mà trong nhiều kinh điển Đại thừa cũng gọi là VIKURVITA, tức Trang Nghiêm Thần Biến8.

Gia trì được nhắc đến trong “GARDAVYAUHA” hay “AVATAMSAKA” cả hai được hiểu chung là “HOA NGHIÊM KINH” ở Trung-Hoa. Theo truyền thuyết, kinh được nói lúc Phật thâm nhập thiền định ngay sau khi vừa thành đạo. Bản Phạn GANDAVYUHA tường thuật kỹ cuộc hành trình của Thiện Tài Đồng Tử (SUDHANA), dưới sự chỉ đạo của Bồ-tát Văn Thù. Thiện Tài đi cầu đạo vô thượng, trải qua từ vị thầy này đến vị thầy khác có trên 50 vị lãnh đạo tinh thần, mục đích là học Bồ-tát Hạnh. Sau cùng khi Thiện Tài khẩn cầu Bồ-tát Di-Lạc (BODHISATTVA MAITREYA) giảng dạy cho, Bồ-tát tán dương Thiện Tài đã có quyết tâm tìm cầu đạo lý cứu cánh9 của Phật pháp.

Bồ Tát Di-Lạc mở cửa lầu các “Tỳ Lô Trang Nghiêm” bằng cách khảy móng tay, Thiện tài hết sức hăm hở bước vào. Được gia trì bởi uy lực của Bồ Tát Di Lạc, Thiện Tài thấy một quang cảnh hiện ra trước mắt, Lạ thay!

“Lầu các rộng rãi bao la cũng đồng như hư không. Mặt đất được lát bằng vô số cẩm thạch đủ loại và ngay giữa lầu các có vô số cung điện làm bằng bảy báu. Lại có vô số phướn, lộng, lưới, màn buông; vô số chuông, hoa, chim, cây báu… tất cả đều cực kỳ trang nghiêm. Trong lầu các, cũng huy hoàng tráng lệ như lầu các chính. Ở đây, không có gì cản trở lầu các này hỗn nhập lầu các nọ, riêng và chung, hỗn giao toàn diện. Một lầu các bao hàm tất cả và tất cả bao hàm một.

Thiện Tài còn tự thấy mình có trong tất cả các lầu, đồng thời thấy đủ các cảnh giới tự tại bất-khả tư-nghì10 về cuộc đời của Bồ-tát Di-Lạc. Tức là thấy Bồ-tát Di-Lạc vừa mới phát tâm cầu chứng Vô thượng Bồ-đề11… chứng các Trụ-Địa12… được Như Lai thọ ký13 cho Vô thượng Bồ-đề14 … lúc nào và ở đâu.

Hình ảnh
Bồ-tát Di-Lạc

Thiện Tài lại thấy trong mỗi lầu các, Bồ-tát được một vị thế-giới chủ khuyến-thỉnh dìu dắt hết thảy chúng sanh tu hành thập thiện15; được một vị hộ-thế khuyến-thỉnh làm lợi ích cho hết thảy chúng sanh; được Đế-Thích (SAKRA) khuyến-thỉnh quở trách những bản năng khát dục của chúng sanh; được Phạm-Thiên khuyến-thỉnh mà tán dương vô lượng phước báo của hạnh thiền định; được trời Dạ-ma (YAMA) khuyến-thỉnh mà tán dương vô lượng phước báo của hạnh nhiếp-tâm16; được trời Đâu Suất (TUSITA) khuyến-thỉnh mà tán dương các công đức của Bồ-tát sẽ thành Phật trong một đời nữa, được trời Hóa Lạc (NIRMITA) khuyến-thỉnh mà hiện các biến hóa thân cho Thiên chúng thấy; được trời Tha-Hóa-Tự-Tại (VASAVARTIN) khuyến-thỉnh mà diễn thuyết Phật-Pháp cho những chư Thiên tùy tùng.

Thiện Tài thấy, hoặc Bồ-tát Di-Lạc hiện thân làm Ma Vương mà thuyết hết thảy các pháp đều vô thường, hoặc vì Phạm Vương mà thuyết thiền định, vô lượng hỉ và lạc; hoặc vì A-tu-la (ASMA) mà lặn vào biển Đại Trí để biết rằng hết thảy pháp vốn như huyễn, giảng cho A-tu-la vương và quân đội A-tu-la hãy đoạn trừ hết thảy kiêu mạn, cuồng ngạo và say sưa. Hoặc Bồ-tát phóng Đại-Quang-Minh17 vào cõi chết để cứu vớt chúng sanh khỏi các khổ não của địa ngục, hoặc thấy Bồ-tát ở thế giới ngạ quỷ bố thí các ẩm thực để cứu rỏi sự đói khát của chúng ngạ quỷ, hoặc thấy Bồ-tát trong cõi súc sanh đặt đủ các phương tiện để điều phục chúng, hoặc thấy Bồ-tát giảng pháp cho chúng hội chư Thiên ở trong các cõi trời Hộ-Thế, trời Đâu-Suất, trời Dạ-Ma, trời Hóa-Lạc, trời Tha-Hóa-Tự-Tại và trời Đại-Phạm; giảng cho các chúng hội Long Vương (NAGA)18, Dạ-xoa (YAKSA)19, La-sát (RAKSA)20, Càn-thát-bà (GANDHARA)21, A-tu-la (ASURA)22, Ca-lâu-la (GARUDA)23, Khẩn-na-la (KINNARA)24, Ma-hầu-la-già (MAHARAYA)25, Nhân (MANUSYA)26 và Phi-nhân27. Hoặc thấy Bồ-tát giảng pháp cho các chúng hội Thanh-Văn (SRAAVAKA)28, Duyên-Giác (PRATYEKABUDDHA)29, Bồ-tát (BODHISATTVA) từ mới phát tâm cho tới địa vị cứu cánh… Hoặc thấy Bồ-tát Di-Lạc, cùng với các Bồ-tát sẽ thành Phật trong một đời nữa, tán dương môn Quán Đảnh (ABHISEKHA) của hết thảy chư Phật. Lại thấy Bồ-tát nhập Tam-Muội30 mà thị hiện các năng lực thần biến.

Thiện Tài lại thấy một tòa lầu các đặc biệt cao rộng và trang nghiêm huy hoàng nhất, tráng lệ vô song, ở giữa hết thảy những tòa lầu các được nhìn thấy bên trong lầu các Tỳ-lô-giá-na. Trong tòa lầu các vô tỉ31 này, Thiện Tài thấy cả tam thiên thế giới trong chớp mắt, gồm cả trăm ức cõi trời Đâu-Suất (TUSITA) và trong mọi thế giới đó lại thấy Bồ-tát Di-Lạc giáng trần đản sinh. Đế Thích, Phạm Thiên và các thiên thần đang kính lễ Bồ-tát…

Thiện Tài lại thấy có vô số Bồ-tát trong vô số thế giới, đang đi hay ngồi, đang làm các công việc, đang mở rộng lòng từ bố thí, đang viết các luận làm lợi ích chúng sanh, đang thọ trì các luận với sư trưởng, đang hộ trì các luận cho những thế hệ tương lai, đang sao chép, đang tụng đọc, đang hỏi han, đang sám hối mỗi ngày ba thời và đang hồi hướng phước báo cho giác ngộ, hoặc đang lễ bái vì hết thảy chúng sanh… Lại thấy vô số mặt trời, mặt trăng, tinh tú, đủ loại tinh hà, sáng tỏ cả mười phương.

Lại thấy Bồ-tát Di-Lạc, như đã từng tu các hạnh Bồ-tát trong quá khứ, hoặc thấy bố thí thân hay hết thảy sở hữu. Ngài giải thoát những ai bị giam giữ trong tù ngục, Ngài cởi thả những ai bị trói buộc, Ngài chữa trị những bệnh tật, dắt dẫn những ai lạc lối đến con đường thẳng. Khi làm thuyền trưởng, Ngài giúp mọi người vượt qua biển cả. Khi làm phu xe, Ngài đưa mọi người qua những hiểm nạn; khi làm một Đại-Hiền-Triết, Ngài giảng đủ các luận; khi làm một hoàng đế, Ngài tu hành thập thiện và khuyến dạy mọi người cùng hành theo, khi còn là một y-sĩ, Ngài cứu chữa đủ các chứng bệnh. Đối với cha mẹ, làm một người con hiếu, đối với bằng hữu làm một người bạn trung tín.

Sở dĩ Thiện Tài được thấy vô số những thần thông biến hóa bất khả tư nghì vì đã được con mắt thanh tịnh của Bồ-tát đã vào Sơ địa và nhất là nhờ năng lực gia trì của Bồ-tát Di-Lạc.

Như vậy theo thuật ngữ của Phật giáo Đại thừa, gia trì lực là năng lực bí mật phát khởi từ Chư Phật và Chư Tôn Bồ-tát có thể được bộc lộ qua thân, khẩu, ý của chúng sanh bằng các phương tiện dẫn độ của Mật Giáo: Phép Quán Đảnh. Nhờ phép bí nhiệm này, chúng sanh sẽ lần lượt biết được cảm ứng toàn vẹn của Đức Phật và từ đó chúng sanh đạt được kết quả “Phật trong ta, ta trong Phật”, và chúng sanh mới có thể tu tập và chứng được Phật quả ngay nơi nhục thân này.

Thế nên Mật tông cho rằng có đến 2 loại giáo pháp: Hiển Giáo và Mật Giáo. Những lời dạy bảo của ứng và hóa thân như Đức Phật Thích-ca thì tùy theo căn cơ32 của từng chúng sanh mà chỉ dạy lần. Đó tức là những pháp môn quyền thiệt33 của Hiển Giáo. Còn Mật Giáo là những pháp môn mầu nhiệm, bí mật mà những vị Bồ-tát nhờ trí tuệ sáng suốt, mới cảm thông và thọ lãnh được với Pháp thân Phật, nhờ ngài Bồ-tát Kim Cang Tát-đỏa nhờ phép “Quán Đảnh” mà thừa tiếp34 phép mầu nhiệm của Đức Phật Đại Nhật.

(còn tiếp)

Chia Sẻ bài Viết
0 0 votes
Article Rating
Nhận Thông Báo
Thông báo khi
0 Comments
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận