I. GIÁO CHỦ BÍ MẬT
Vị giáo chủ của tông phái này không phải là Đức Phật Thích-ca như một số người lầm tưởng mà chính là Pháp Thân của Đức Thích Tôn, tự là Đức Đại Nhật Như Lai hay còn gọi theo Phạn âm là Đại Tỳ-lô-giá-na Phật. Nhưng Đại Nhật Như Lai hay Đại Tỳ-lô-giá-na Phật (MAHAVAIROCANA) là vị nào? Các tông phái Đại-Thừa cũng như Mật giáo đã giải thích Phật có đến 3 thân: Pháp-thân, Báo-thân, Ứng-thân.
1. Pháp-Thân-Phật: Theo tiếng Phạn là VAIROCANA BUDDHA thường được dịch là Đại Nhật Như Lai, biểu tượng nhân cách cho Pháp Thân của chân lý vốn sáng rực rỡ như mặt trời hư không bao la. Ngài ngự ở thế giới HOA TẠNG TRANG NGHIÊM (KUSUMATALA. GARBA. VYUHALAMKARA. LOKADHATU) thế giới được kết dệt bằng một ngàn cảnh hoa sen. Trong truyền thống Đại-thừa, những kinh điển siêu việt tri kiến1 như HOA NGHIÊM (AVATAMKARA), PHẠM VÕNG (BRAHMAJALA) đều do ngài giảng thuyết, mà chỉ có bậc Đại-Bồ-tát mới nghe và thấy Đức Phật hiện thân của chân lý này. Quốc độ của ngài được gọi là THƯỜNG TỊCH QUANG TỊNH ĐỘ2.
Mặt khác, Pháp-thân (DHARMAKAYA) còn là tự thể của hết thảy chư Phật và chúng sanh. Do Pháp-thân mà các pháp có thể xuất hiện. Không Pháp-thân sẽ không có thế giới, theo nghĩa này Pháp-thân là bản thân yếu tính của hết thảy mọi loài, đã có từ trước. Pháp-thân là Pháp Tánh3 (DHARMATA) hay Phật-tánh (BUDDHATA). Cũng vì đó có Thiền Sư đã nói “Pháp-thân chân thật của Phật như hư không, ứng vật hiện hình như trăng lồng bóng nước” hoặc “Trúc biếc xanh xanh đều là Pháp-thân, hoa vàng rậm rạp chính là Bát-nhã4”. Như vậy Pháp-thân của Mật Giáo phù hợp với nền tảng đạo lý của các tôn giáo khác. Nền tảng đạo lý của tất cả các tôn giáo chính là chân lý của chân lý (satyasya satyan; The Truth of Truth). Tất cả triết lý tôn-giáo đều qui kết về một kiến giải5 duy nhất đó là minh kiến về nguyên lý nền tảng của tất cả vũ-trụ. Nguyên lý đó là năng-lực huyền diệu của tất cả vũ-trụ, là nguyên lý của trời đất, đồng thời cũng là năng lực huyền diệu nằm kín trong tâm thức con người. Vì không thấy được nguyên lý đó nên con người mới trở thành đau đớn, khổ lụy và trôi nổi. Muốn giải phóng thân phận mình, muốn được giải thoát, con người phải đồng hóa, thể nhập6 với nguyên lý đó. Khám phá ra nguyên lý trong con người và vũ trụ, thể nhập làm một với nguyên lý ấy, đó là nền tảng của tất cả triết học của tôn giáo, đó là căn bản của tất cả khoa học. Làm thế nào để nhận thấy và thể nhập là một với nguyên lý đó? Câu hỏi này đã được mỗi một tôn phái triết học trả lời bằng những phương tiện khác nhau, nhưng tất cả các phương tiện khác nhau ấy đều dẫn về nền tảng duy nhất là một thái độ sống phù hợp với Đạo, với chân lý. Nguyên lý đó là thực tại tối cao, tối hậu mà triết học VEDANTA gọi là BRAHMAN, Thiên Chúa Giáo gọi là Thiên Chúa, Hồi Giáo gọi là ALLAH, Do Thái gọi là JEHOVAH, người Việt gọi là Ông Trời, Mật Tông gọi là Pháp Thân hay Đức Phật Đại Nhật, một số khác gọi là Đại Linh Quang7 v.v…
2. Báo-Thân-Phật. (SAMBHOGAKAYA) cũng gọi là Thọ-Dụng-Thân, là bản thân tâm linh của các Bồ-tát, được Bồ-tát thọ dụng8 như là kết quả do tu tập các Ba-la-mật9. Các ngài tự mình thành tựu điều này tùy theo định luật nhân quả trên phương diện đạo đức và trong đây các ngài giải trừ trọn vẹn tất cả những sai lầm và ô nhiễm, thành tựu công đức tu hành trải qua ba đại kiếp mà được.
3. Hóa Thân Phật hay Ứng Hóa Thân hoặc Biến Hóa Thân (NIRMANAKAYA) phát sinh từ Đại bi-Tâm (MAHAKARANA) của chư Phật và Bồ-tát. Bằng lý thể10 của Đại Bi11 mà các ngài hướng tới chúng sanh, các ngài không bao giờ thọ dụng những kết quả các hành vi đạo đức của mình. Chí nguyện thiết tha của các ngài là chia sẽ những kết quả này cho tất cả chúng sanh. Nếu có thể thay thế kẻ phàm phu chịu khổ não, Bồ-tát thực hiện ngay. Nếu kẻ phàm phu có thể được giác ngộ do Bồ-tát hồi hướng12 công đức của mình cho, ngài sẽ thi hành tức khắc.
Bồ-tát hồi hướng và chịu khó thay cho chúng sanh nhờ biến-hóa thân của ngài. Do đó trong tính cách không gian, Bồ-tát chia thân mình thành trăm nghìn ức vô số thân. Ngài có thể hóa thân làm những loài bò bay máy cựa, làm Thánh, làm Ma Vương, nếu ngài thấy đó là cơ duyên thích hợp để cứu vớt thế gian ra khỏi kiềm tỏa của vô minh13, phiền não và đủ mọi thứ ô nhiễm, bất tịnh. Để có thể hiểu ý niệm Hóa thân, xin trích ra đây vài mẩu chuyện sau:
–Trong văn học Nhật Bản thường truyền tụng Bồ-tát Phổ Hiền hóa thân làm kỹ nữ. Sử chép người kỹ nữ ở đây là nàng Eguchi cùng thời với thiền sư Tây Hành (SAIGYO), một thi tăng dưới thời KAMAKURA. Khi Tây Hành, trên đường du thực đến vùng ở gần OSAKA, bấy giờ trời tối và không có nhà tá túc qua đêm. Sư đến kêu cổng Eguchi. Nàng từ chối không tiếp vì nhà chỉ có riêng mình. Tây Hành làm một bài thơ đưa vào:
“Khi tôi chưa bỏ cõi đời
Tim nàng cùng nên rắn
Giờ sao hất hủi tôi
Chỉ một đêm trần gian huyễn mộng”
Cử chỉ của nàng thật ra là nghĩa cử tốt đối với nhà thơ, không phải muốn làm khó dễ mà vì muốn bảo vệ danh tiếng của ông. Nữ thần biến mất. Nhà sư vân du14 này nghe tiếng vọng tuyệt vời của người phụ nữ lướt trên những ngọn sóng YODO (ĐINH XUYÊN). Lúc sư vừa nghe tiếng nhạc như bay bổng lên trời, sư nhìn thấy Đức Phổ Hiền ngự trên voi trắng có những tiên nữ tùy tùng, biến mất vào giữa đám mây lành rực rỡ.
–Ở Trung Hoa cũng thường thường truyền tụng chuyện Quan Âm Hóa Ngư Lam15. Đời Đường, trong niên hiệu Nguyên Hòa (806-820), vì muốn hóa độ dân chúng vùng Thiểm Hữu, Đức Quan Âm làm một thiếu nữ đẹp. Có nhiều thanh niên rắp ranh16 bắn sẻ17. Nàng ra điều kiện: “Nếu các anh, ai học thuộc kinh Quan Âm nội trong một buổi chiều, tôi sẽ làm vợ người đó”. Sáng hôm sau, có 20 ứng viên đã học thuộc lòng kinh đó. Nhưng nàng lại nói không thể làm vợ nhiều người cùng một lúc như thế. Vậy ai có thể học thuộc kinh Kim Cang nội trong một đêm? Mười người trúng tuyển. Phải thi nữa. Lần này họ được ra điều kiện học thuộc bộ kinh Pháp Hoa gồm 7 quyển trong 3 ngày. Chàng họ Mã là người duy nhất trúng tuyển. Nàng hứa làm vợ chàng. Khi hôn lễ đã được sửa soạn chu đáo, thiếu nữ bỗng ngã bệnh, dung nhan tàn tạ hư hoại, rồi chết ngay trước mặt các tân khách. Sau đó, một nhà sư dự lễ táng, thấy xương của nàng trở nên vàng ròng, sư mới nói với họ: Nàng không phải là người phàm. Do phương tiện (UPAYA) của Bồ-tát mà nàng hiện thân cho họ thấy. Đó là cho họ nghĩ đến chánh pháp để đừng làm các tội ác. Nói xong, sư bay bổng lên không.
Đại Bi Cứu-Khổ Cứu-Nạn Quảng Đại Linh Cảm Bạch Y Quán Thế Âm Bồ-tát
–Một lần khác Đức Quán Tự Tại xuất hiện vào lúc Huyền Trang đang trên đường đi Ấn-độ. Huyền Trang được dạy đọc “Bát-nhã Tâm kinh18”. Mỗi khi gặp những gian nan và tận khổ vì bị bao phủ trong tuyết lạnh, bị thổi cuốn bởi những cơn gió lốc ào ạt và bị thú dữ thường xuyên đe dọa. Bồ-tát hiện thân làm một nhà sư bệnh hoạn, đọc bài kinh và chú Bát-nhã để trấn an nhà sư chiêm bái vĩ đại này của Trung Hoa. Sư thành tín tuân theo lời khuyên và cuối cùng nhờ đó đã có thể bình an đi tới vùng đất tâm nguyện.
Về thuyết tam thân của Phật giáo, các tông của Hiển Giáo luận rằng Đại Nhật Như Lai là Pháp Thân nên không có hình tướng và không thuyết pháp, chỉ có Báo Thân và Ứng Thân như Đức Phật Thích-ca mới có hình tướng và nói Pháp. Trái lại, Mật Giáo cho rằng: Chính Pháp Thân Phật thường trụ19 thuyết pháp nhưng vì thính chúng không có tai để nghe, không có mắt để thấy và thiếu trí để hiểu. Tam Mật của Đức Phật20 sẽ vĩnh viễn là bí mật, nếu không có phương tiện để dẫn độ. Một phương tiện dẫn độ như vậy phải bắt đầu từ “Gia Trì Lực” (AD-HISTANA) chứ không do nỗ lực hữu hạn của hành giả.