LINH QUANG TỊNH XÁ VÀ HÒA THƯỢNG THÍCH PHỔ ỨNG (Phần 1)

linh quang tịnh xá phần 1 mật phước tự

Ban Biên Tập Mật Phước Tự xin giới thiệu đến quý vị độc giả bài viết của cư sĩ Triệu Phước đã được đăng trên tạp chí Trắng Đen, xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1982.
LINH QUANG TỊNH XÁ VÀ HÒA THƯỢNG THÍCH PHỔ ỨNG
– Hàng ngàn người mắc bịnh tà đã được Hòa Thượng dùng phép trị hết đã tôn ngài là La Hán tại thế.
– Một phụ nữ trẻ đẹp bị “mãng xà nhập xác” phá khuấy đã bị Hòa Thượng Phổ Ứng cho Thiên Long Bát Bộ trói giam vào Đại Hồng Chung, khuất phục mãng xà.
Lời Tòa Soạn: Cư sĩ Triệu Phước tu theo Mật Tông đã đạt đến trình độ cao, đặc biệt ông dùng chú dạy người không biết võ tập các thế võ nhà Phật. Hiện ông đang thực nghiệm tại Colorado.
Cảm tình trước đường lối chủ trương đúng đắn của Trắng Đen, cư sĩ Triệu Phước viết loạt bài “Những Hiện Tượng Huyền Bí tại Việt Nam” thuật lại những điều ông chứng kiến khi còn ở VN, từ những hiện tượng huyền bí tại Bình Điền, Thất Sơn đến hàng chục chuyện lạ lùng ít ai biết.
Xin mời bạn đọc thưởng thức và cung cấp thêm tài liệu về những chuyện Huyền Bí tại Việt Nam để cho đồng hương của ta đã rời khỏi nước am tường hậu kể lại cho con cháu mai sau.
TRẮNG ĐEN
Nói về các vị tu tập mật pháp có nhiều năng lực kỳ bí nhất hiện nay tại Việt Nam, trước hết phải kể đến Hòa Thượng Thích Phổ Ứng. Hòa Thượng đã tu tập ở Linh Quang Tịnh Xá tại Đà Lạt vào khoảng chục năm về trước. Sau này, Ngài đã về trụ trì tại Linh Quang Tịnh Xá ở Khánh Hội, Sàigòn có trên mười năm nay.
Chúng tôi được biết đến Hòa Thượng do quyển sách “Tôi Tầm Đạo I, II, III, IV”, một quyển sách phổ biến về phương pháp tu thiền theo “Pháp Lý Vô Vi Khoa Học Huyền Bí Phật Pháp” do ông Hồ Văn Em soạn tập. Đây là một pháp môn đã được nhiều người tại vùng Sàigòn và Chợ Lớn tu tập, mà người phát kiến lối tu là ông Đỗ Thuần Hậu và ông Tám Lương Sĩ Hằng. Trong quyển sách, ông Hồ Văn Em có đề cập đến một vị sư rất cao tay ấn về “Võ Phật”, mỗi ngày đã chữa trị cho rất nhiều người bị bệnh tà tại “Linh Quang Tịnh Xá”.
Là một người nghiên cứu về các khoa thần bí, chúng tôi rất muốn đến đó, nhưng vì không biết chính xác địa điểm của ngôi Tịnh Xá này nên chưa có dịp để ghé lại đây…
Về sau, tình cờ chúng tôi được nhắc lại “Linh Quang Tịnh Xá” và biết được danh tánh của vị sư trên là do vài người đệ tử nữ của ông, hiện đang dạy học tại Sàigòn, đã nói đến những hiện tượng huyền bí xảy ra tại ngôi chùa này, và một số trường hợp điển hình mà họ chứng kiến tận mắt. Họ cho biết sẵn sàng để hướng dẫn chúng tôi đến viếng thăm “Linh Quang Tịnh Xá” nếu muốn.
Thật sự nghe kể về những trường hợp các vong hồn bên kia cõi tử về nhập xác trần để hành bịnh, đối với chúng tôi không phải là việc lạ vì là người tu tập mật pháp và đã có chữa các loại bịnh trên, nên chúng tôi hiểu và tin các mẩu chuyện đó.
Mục đích chúng tôi đến viếng “Linh Quang Tịnh Xá” không phải vì tò mò hay để kiểm chứng các câu chuyện được kể mà là để xem xét phương cách chữa bệnh và thể thức hành đạo tại nơi này để bổ túc cho những kinh nghiệm thần bí mà mình đã chứng nghiệm.
Chúng tôi đến Chùa vào một buổi sáng bình thường trong tuần. Tịnh xá ở đường Nguyễn Khoái, một con đường ngắn khoảng 300 thước, tại vùng Khánh Hội. Khoảng giữa con đường trên, ngoài mặt đường chính, có một cái cổng dựng bằng cây, trên có đề “Linh Quang Tịnh Xá” bằng một tấm bằng thiếc màu vàng sơn đỏ. Chúng tôi rẽ vào một hẻm tráng xi măng, đi vào khoảng 30 thước, chúng tôi nhìn thấy một ngôi tịnh xá kiến trúc tân thời và rất mỹ lệ. Bước vào cổng chùa, chúng tôi được hướng dẫn sang phòng khách. Khi đi ngang chánh điện, từ ngoài nhìn vào, chúng tôi thấy một vị sư, mang kính màu, đang ngồi trên ghế dựa và trước mặt ông là một số cư sĩ nam và nữ đang ngồi xếp bằng dưới đất.
Sau đó chúng tôi được đưa vào chánh điện, sau khi lễ Phật, chúng tôi bước đến ngồi xếp bằng chung với các Phật tử khác để xem trị bệnh và nghe pháp.
Chánh điện chia làm 3 gian: Gian giữa thờ Phật, gian trái dùng để chữa bịnh và gian bên phải có đặt bàn ghế làm nơi độ ngọ của các sư trong chùa.
Ở gian giữa, trên bục thờ, cao hơn hết chúng tôi nhìn thấy một cốt tượng tạc hình Đức Thích Ca đang ngồi kiết già trong tư thế tĩnh tọa. Thấp hơn một chút là một cốt tượng hình đức Thích Tôn đang trì bát và cốt tượng Ông Anan và Ca Diếp đứng hầu hai bên. Dưới một bậc là hình đức Phật bằng cốt tượng nằm nghiêng một bên trong tư thế nhập Niết Bàn. Sau hết, phía dưới là hình tượng của hai vị hộ pháp đứng canh một cái chuông và một cái mõ, tay cầm binh khí và cờ, thân mặc giáp phục, mặt cực kỳ hung dữ đứng chầu hai bên Phật.
Hai bên chánh điện, có treo bốn lá phướng dài thêu các hàng chữ sau: Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật – Nam Mô A Di Đà Phật – Nam Mô Địa Tạng Vương Bồ Tát – Nam Mô Quan Thế Âm Bồ Tát và ở chung quanh, trên mặt tường có các hình họa lớn ghi lại sự tích của đức Phật Thích Ca từ lúc giáng trần đến khi nhập Niết Bàn, màu sắc rất đẹp.
Gian bên trái, từ dưới nhìn lên bàn Phật, Thầy cả ngồi dưới một cốt tượng Phật Quan Âm lớn đứng, một tay cầm bình tịnh thủy và một tay cầm cành dương liễu và đứng hầu hai bên có tượng của Tiên Đồng, Ngọc Nữ. Phía dưới chân cốt tượng, trên bàn hương chúng tôi nhìn thấy có một bình lọc nước và sau lưng Thầy cả có một thanh niên đang rót nước vào những cái ly đặt trên một mâm sành.
***
(còn tiếp)

0 0 votes
Article Rating
Nhận Thông Báo
Thông báo khi
0 Comments
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận