PHẦN 3 – VÂN TRUNG TỬ DÂNG KIẾM TRỊ YÊU

Vân Trung Tử là một vị tiên tu ở núi Chung Nam. Ngày kia đang hái thuốc thấy phía Đông Nam có khí yêu bốc lên, đoán biết là con hồ ly tinh đã nhập xác người đang tác quái. Ông nghĩ: “Ta mang nghiệp tu hành cốt làm điều nhân đức, nếu không vì thiên hạ mà trừ con yêu ấy thì nhân gian ắt sanh ra lắm chuyện khổ đau.” Ông liền gọi học trò là Kim Hà đồng tử, bảo bẻ một khúc tùng khô để đẽo một cây gươm trừ yêu. Xong ông xuống triều ca xin yết kiến vua Trụ.

Thấy đạo sĩ làm lễ mà không bái, vua Trụ rất phật ý nhưng vì nghe sự đối đáp của đạo sĩ có nhiều ý lạ nên mới chỉ chiếc cẩm đôn mà mời ngồi. Vân Trung Tử chẳng hề khiêm nhường, liền ngồi lên ghế rồi nói:

– Như thế mới phải chứ. Ngôi cửu trùng cũng quí, mà đạo Tam giáo cũng cao, lẽ nào không ý thức được?

Trụ vương hỏi:

– Đạo tiên cao ở chỗ nào?

Vân Trung Tử khẽ đáp:

– Gặp khách tiên thì giảng kinh, nói chuyện. Gặp bạn đạo thì uống rượu ngâm thơ. Cười vui theo ý muốn, nói năng theo thích lòng. Không cần bó buộc, chẳng luận nể nang. Luận việc thịnh suy thời thế, xét điều cội rễ linh hồn. Mặc ý nắng mưa thay đổi, không cần câu thúc thời gian. Đổi già hóa trẻ, tóc bạc trở xanh. Vào non hái thuốc, trị bệnh cứu người. Biết dữ lành vì thông quẻ bói, biết họa phúc vì rõ lòng người. Truyền phép đạo mở đường cứu thế, làm phép bùa trừ khử yêu ma.

Đạo cao rồng cọp sợ, đức trọng quỉ thần kiêng. Cỡi mây xanh bay lên phủ tía, ngồi hạc trắng dạo khắp cung tiên. Biết máy thiên tạo hóa, thông đạo đức thần linh.

Trụ Vương nghe một hồi cũng vui tai bèn phán:

– Đạo sĩ đến đây có điều chi chỉ giáo?

Vân Trung Tử nói:

– Bần đạo thấy yêu khí xuất hiện tại triều ca, khi đến đây thấy quái khí tựu nơi cung cấm. Bởi vậy bần đạo cố ý xin Bệ hạ trừ yêu quái để cứu muôn dân.

Trụ Vương hỏi:

– Nếu trong cung có yêu thì làm cách gì trừ được?

Vân Trung Tử đáp:

– Không khó gì. Tôi có một thanh gươm bằng gỗ, Bệ hạ đem trấn trong cung tự nhiên yêu ma phải chết.

Trụ vương liền sai một nội thị đem gươm treo tại lầu Phấn cung theo như lời của đạo sĩ.

Đây nói về vua Trụ sau khi bãi triều về đến dinh Thọ Tiên không thấy Đắc Kỷ ra đón, lòng hồi hộp không yên, chợt có quan nội thị ra bẩm:

– Tô mỹ nhân lâm bệnh nặng nằm thiêm thiếp trên giường. Trụ vương thất kinh vội bước xuống long xa, hối hả vào phòng khoát màn, xem thấy Đắc Kỷ mắt trắng nhợt, môi như giấy bạch, nằm thở phèo phèo như gần đứt hơi.

Đắc Kỷ gắng gượng mở mắt nhìn vua Trụ và nói thều thào:

– Bệ hạ ơi, khi mai thần thiếp đưa Bệ hạ lâm triều, thần thiếp đoán chừng Bệ hạ gần về nên ra ngoài đón, chẳng ngờ khi đi ngang qua lầu Phấn Cung, thần thiếp trông thấy cây gươm treo ở đấy nên giật mình toát mồ hôi ra, bệnh tình thế này.

Vua Trụ nghĩ là lão đạo sĩ đã dùng tà thuật hại người yêu của mình, bèn truyền cho nội thị đem gươm phép ra đốt tức khắc. Đắc Kỷ lần lần tỉnh lại, sắc diện trở nên xinh đẹp như thường.

Bây giờ Vân Trung Tử chưa về núi, còn ở chốn triều ca, thấy yêu khí bỗng nhiên từ trong cung xông lên nữa, lấy làm lạ đánh tay tính quẻ một hồi rồi gật đầu thầm nhủ:

– Ta muốn đem gươm báu trừ yêu khí, giúp đỡ cơ nghiệp Thành Thang, nào ngờ số Trời đã định, khó nổi đổi dời, nên khiến gươm tùng bị đốt, thần tiên sẽ bị nạn.

Nghĩ rồi viết một bài sấm lên tường:

“Khi yêu quấy rối cung càn,

Thánh đức bủa giăng hướng Dậu.

Muốn hay máu nhuộm triều ca,

Giáp Tý trong năm Mậu ngũ.”

Nhiều người tự cho mình là hay chữ, vây quanh đông nức, xem mãi vẫn không tìm được ý thơ.

Vân Trung Tử dâng kiếm trị Yêu (Ảnh: lovestone)

Lời bàn:

Người ngay thấy kẻ gian thì không thích. Vân Trung Tử phát hiện được hồ ly xuống trần nhập xác người tác quái thì muốn ra tay trừ khử. Ông cho đẽo một khúc tùng khô để làm gươm phép trừ yêu quái. Tại sao gươm tùng tóm phép trấn tại cung cấm mà Đắc Kỷ đang bị hồ ly tinh nhập xác khi đi ngang qua phải lâm trọng bệnh? Cây gươm đó có huyền lực gì? Người không am hiểu về huyền học hoặc am hiểu không thấu đáo thì sẽ giải thích một cách mơ hồ, huyễn hoặc về vấn đề này. Cây gươm tùng tự nó là cây gươm tùng, một vật hữu hình tượng trưng cho một cái gì đó vô hình để người đời có thể hiểu một ý nghĩa mà họ không thể thấy bằng các giác quan thông thường. Cái sức mạnh vô hình hay phép linh ẩn tàng nơi cây gươm thật sự là một vị thần hộ pháp mà Vân Trung Tử, một vị tiên đắc đạo, đã triệu thỉnh để trấn giữ. Đắc Kỷ là người, hồ ly là tinh đã dựa vào nhập xác. Đắc Kỷ hữu hình. Hồ ly vô hình bị trấn yếm bởi cây gươm hữu hình và thần hộ pháp vô hình.

Người đời chỉ thấy sức linh là Đắc Kỷ lâm bệnh nặng vì cây gươm phép. Riêng những nhà tu huyền bí thì thấy hồ ly tinh bị khớp vía trước vị thiên tướng (hộ pháp). Ở đây nếu có đi sâu vào bộ môn vô hình, người ta còn có thể hiểu rõ hơn là hồ ly tinh đã có sắc lịnh của bà Nữ Oa xuống trần để mê hoặc Trụ vương mà phá hoại cơ nghiệp Thành Thang theo Thiên cơ đã định. Vân Trung Tử chỉ thấy yêu quái mà không biết được công tác bí mật của hồ ly đã được giao phó. Khi treo cây gươm, thần hộ pháp liền trấn giữ nơi đó. Hồ ly theo Đắc Kỷ đi ngang qua ắt phải bị chặn lại và tra hỏi.

Hồ ly xuất trình ấn lệnh của mình, nhưng phải nể mặt nhà tu huyền bí Vân Trung Tử kia mà hành xác Đắc Kỷ lâm trọng bệnh để người thế thấy được một phần phép linh của đạo sĩ. Sau đó bày cho Trụ vương đốt gươm thì thôi hành xác Đắc Kỷ, tức thời sắc diện trở lại bình thường. Thật sự theo khoa Mật Giáo thì cây gươm đó không còn tác dụng gì nếu như cứ để đó mà không đốt đi. Nhưng lúc nào hữu hình cũng phải phối hợp nhịp nhàng với vô hình: Gươm cháy bệnh hết.

Vân Trung Tử thấy yêu khí lại xông lên lấy làm lạ, bấm tay tính quẻ (thật sự nếu muốn gọi là nhập tam muội hay thỉnh lại ý Thiên cũng thế) mới hay là Thiên cơ đã xếp đặt như thế, ông bèn làm một bài sấm để hé hộ thiên cơ rồi về động. Vân Trung Tử có sơ sót không thỉnh ý với thiên đình trước khi tra tay vào việc, nhưng cũng còn kịp thời lui bước khi thấy gươm phép không linh. Còn hơn một số đạo sĩ mê muội học được chút ít pháp thuật, không tham hiểu huyền học lại mó tay làm càng, thấy bùa phép không linh vẫn ngoan cố chống chọi yêu tinh mà có khi bị rượt thất điên bát đảo hoặc ra tay đả thương xác trần mà cho là đánh yêu quái để cuối cùng bỏ đạo không tu nữa vì cho phép của Thần Tiên thua loài ma quỉ.

Riêng đối với “sấm cơ”, các sách Trung Hoa thường đề cập đến. Tỷ như trong “Đông Châu Liệt Quốc” đời vua Tuyền vương nhà Châu thường có bọn trẻ hát:

“Thỏ mọc thì Ác phải tà.

Yểm hồ cơ bặc ấy là mất Châu.”

Hoặc trong truyện “Hán Sở Tranh Hùng” khi Tần Thủy Hoàng sắp mất ngôi thường có những báo điềm như ở sườn núi Kê Đầu có một đám mây mờ hiện năm vầng hào quang sáng chói và giấc mộng Thủy Hoàng thấy bị hai đứa trẻ bận áo xanh và áo đỏ đoạt lấy vầng thái dương. Báo điềm hay các câu sấm thường là do thần nhân mật khải cho con người trước một số biến cố quan trọng của nhân loại. Phải là người dự cuộc trong Thiên cơ hoặc thông hiểu huyền học mới có đủ dữ kiện để đoán giải. Riêng quần chúng dù học cao hiểu rộng cũng không thể nào tìm hiểu được trọn vẹn chỉ cốt đoán mò mà thôi.

0 0 votes
Article Rating
Nhận Thông Báo
Thông báo khi
0 Comments
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận