CHƯƠNG I: V – Đàn Pháp (PHẦN 5/6)

V. ĐÀN PHÁP:
Mandala có nghĩa là Đàn hay Đạo-Tràng, rắc rối hơn nhiều. Trong kinh Đại Nhật, Kim-Cang-Thủ Bồ-tát hỏi: “Bạch Thế-Tôn: sao gọi là Mandala?” Đức Phật bảo: “Phát sanh chư Phật gọi là Mandala, không chi hơn được, pháp vị1 không chi sánh bằng gọi là Mandala. Tiếng Mandala thường không được phiên dịch, nhưng cũng có nói phiên dịch là Đàn hoặc gọi là Luân Viên Cụ Túc.Ở Tây Vực, khi tế trời, chỗ đất được dọn sạch sẽ và bằng phẳng nơi đó được gọi là Đàn. Chữ Đàn như vậy chưa diễn tả đủ ý nghĩa của chữ Mandala của Mật Giáo vì nó còn thiếu nhiều nghi thức khác như Khế-Ấn2, Tam-Mật3, Tứ-Trí4 v.v… Còn chữ Luân Viên Cụ Túc có nghĩa là cái bánh xe, nó gồm luôn đầu trục, chốt, căm, vành, niền xe, lại còn thêm chữ “Cụ Túc” để chỉ “không chi hơn” “pháp vị không chi sánh bằng”. Như vậy Luân Viên Cụ Túc diễn tả được đầy đủ ý nghĩa của chữ Phạn Mandala. Nhưng người ta ít gọi là Luân Viên Cụ Túc vì nó quá dông dài.Vì những lý do vừa kể chữ Mandala ít khi được phiên dịch. Mandala có nhiều thể tướng khác nhau. Kinh Đại Nhật nói có 4 loại Mandala: Đàn vuông, đàn tròn, đàn tam giác, đàn hình bán nguyệt. Còn Kinh Kim Cang Đảnh thì nói có 5 loại: Đàn tròn, đàn vuông, đàn tam giác, đàn hình hoa sen và đàn hình kim cang.

Theo Kinh Đại Nhật thì đàn vuông phối hợp với Địa Đại; đàn tròn phối hợp với Thủy Đại, Không Đại; đàn tam giác phối hợp với Hỏa Đại; đàn bán nguyệt phối hợp với Phong Đại. Đàn vuông có nghĩa là bình đẳng vì tướng đất vuông. Đàn tròn có nghĩa là viên mãn vì hư không và nước tròn. Đàn tam giác có nghĩa là hàng phục vì tướng lửa bốc lên hình tam giác. Đàn bán nguyệt có nghĩa là diệt trừ tai nạn vì gió hay xô ngã các vật. Mandala còn có nhiều danh gọi khác nhau nữa. Đàn tràng có những bức vẽ Chư Tôn, Bồ-tát cầm đao, kiếm, bánh xe… gọi là bình đẳng Mandala. Đàn tràng có những tôn tượng do tô đắp, khắc chạm hoặc do đúc mà thành gọi là Sự Nghiệp Oai Nghi Mandala. Đàn tràng có những chủng tử tượng trưng cho Chư Tôn bên tôn vị, gọi là pháp Mandala.

Sở dĩ gọi là Đại Mandala vì những tôn tượng đó do 5 màu sắc chánh: Vàng, Trắng, Đỏ, Đen, Xanh; các màu ấy lại theo thứ lớp phối hợp với ngũ đại là Đất, Nước, Lửa, Gió và Hư-Không.

Gọi là Bình Đẳng Mandala vì Chư Tôn tiêu biểu cho các loại hữu tình, Đao, Kiếm, Bánh xe tiêu biểu cho loài phi tình. Đây có nghĩa là ngũ đại: Đất, Nước, Gió, Lửa lan khắp hư không để thành lập các loại hữu tình và phi tình một cách bình đẳng.

Gọi Sự Nghiệp Oai Nghi Mandala vì những tượng do đúc hoặc chạm ấy thầm nói lên sự nghiệp và oai nghi của Chư Phật và Bồ-tát một cách sống động.

Gọi Pháp Mandala vì những chủng tử tự của Chư Tôn có tính cách quy tắc và quỹ trì5.

Mandala hay Đạo Tràng như vậy là nơi thờ cúng, chú nguyện và tu hành của những tu sĩ Mật Giáo. Đạo Tràng thay đổi rất nhiều theo từng loại kinh điển và các nghi điển thần bí. Có lúc người ta đắp Đàn bằng đất trộn với bột hương thơm, có khi người ta vẽ những bức tranh rộng lớn, trên đỉnh thượng có hình Phật Đại Nhật Như Lai, thứ nữa là vẽ hình của Chư Tôn Bồ-tát, tùy theo cấp bậc để thờ phượng. Với Chư Tôn Mật Giáo có thuyết giảng về quyền năng pháp thuật của riêng từng vị một. Mỗi vị có tay Ấn, tay Quyết riêng biệt và đều có vẻ riêng rẽ trên mỗi bức họa để khi Pháp sư cầu cúng đến vị nào là cứ y theo kiểu vẽ mà ám tay Quyết. Có nơi dùng kính hình tròn, hình vuông… để làm Đàn Pháp.

Cảnh vật nơi cầu nguyện, tham thiền cũng dùng làm biểu hiệu để trợ lực và tiếp ứng cho nhà Đạo để đạt được sở nguyện. Cuộc đất, đền thờ, phương hướng, ngày giờ, y phục, màu sắc, thức ăn, đồ cúng, đồ chưng cũng có ý nghĩa và tác dụng linh thiêng đối với tâm ý nhà Đạo và tùy thuộc vào từng loại nghi điển. Để dứt trừ những ảnh hưởng tội lỗi, lễ sám được gọi là Tức Tai Pháp “SOKUSAIHO”, để làm gia tăng hạnh phúc, có Tăng Ích Pháp “ZOYAKOHO”, để kêu gọi những quyền năng thiên có Câu Triệu “KUYO”, để bẻ gãy những ác cảm của địch thủ và kẻ thù, có hàng phục “GOFUKU”, để cầu Phật và Bồ-tát gia hộ thì có Kính Ái Pháp “KYOAIHO”, và để kéo dài tuổi thọ thì có Diên Mệnh Pháp “YEIMMEIHO”. Tất cả những nghi quỹ6 thần bí này được coi như hoàn toàn hiệu nghiệm mang lại những gì mà hành giả ước ao.

Tóm lại tất cả những nghi quỹ nói trên là những biểu hiện cho ngôi thứ và sự xoay vần trong hoàn vũ7 và ảnh hưởng đến cuộc đời ta. Dù vậy sự phức tạp của việc bài biện khi hành lễ có thể được giản dị hóa mà hành giả Mật Giáo vẫn đạt tới các sự anh linh8 trong vũ trụ, đó là biết thể hiện hạnh đạo của mình cho phù hợp với nguyện lực của Trời Phật.

Chia Sẻ bài Viết
0 0 votes
Article Rating
Nhận Thông Báo
Thông báo khi
0 Comments
Bình chọn nhiều nhất
Mới nhất Cũ nhất
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận